"Em chạy xe có bao nhiêu tiền đâu anh ơi. Mỗi cuốc thì nhà xe họ đã lấy hết 1/3 rồi. Còn lại ít ỏi thì xăng dầu, sửa xe, hao mòn này kia cũng ngốn hết. Nhiều khách hàng hiểu chuyện thì họ còn tip cho em vài nghìn đồng động viên. Nhiều người sộp lắm anh, đi cuốc 25.000-30.000 cho em hẳn 50.000 đồng, có khi đưa tờ 100.000 đồng không cần gửi lại tiền thừa. Khách nào cũng được vậy em mừng lắm, họ sống sang".
Trên đây là một đoạn tâm sự hay đúng hơn là lời bày tỏ của một thanh niên chạy xe công nghệ mà tôi vừa đi ban nãy. Đằng sau ý này là mong muốn khách hàng gửi anh một khoản tiền tip. Anh định nghĩa người cho anh tiền tip chính là người sống sang, thoáng trong chi tiêu.
Thậm chí, một số tài xế còn không thích khách hàng sử dụng thanh toán qua thẻ bởi họ khách trả tiền mặt sẽ bỏ lại khoản tiền thừa, không yêu cầu thối và xem đó như là khoản tip. Trong khi đó, họ mặc định rằng khách trả tiền bằng thẻ sẽ không có thói quen tip.
Tiền tip là khoản tiền nhỏ để gửi người phục vụ nếu họ cung cấp dịch vụ tốt hơn mong đợi. Ảnh minh họa.
Đối với một số ngành dịch vụ khác như nhà hàng, khách sạn, du lịch , tiền tip đôi khi còn trở thành nguồn thu nhập lớn hơn cả lương của người làm nghề. Nhiều hướng dẫn viên du lịch cho khách nước ngoài với lương cứng chỉ 15 triệu đồng/tháng nhưng có thể nhận 3 USD tiền tip mỗi ngày của một khách, trong khi đoàn khách có thể lên tới 20-30 người.
"Làm nghề này thì sống nhờ tip chứ tiền công mỗi ngày có được bao nhiêu. Khách nào sang sang thì tip đủ sống vài ngày. Mình có những khách siêu tốt, tiền tip bằng mấy lần tiền công của mình luôn. Nói vậy chứ cũng có những khách keo không có tip đồng nào. Đi cả chuyến về không có đồng tip nào cũng buồn lắm chứ!", một người bạn làm dịch vụ du lịch tâm sự với tôi.
Gửi tiền tip nên nhưng có lúc không nên
Tiền boa (hay bo) hoặc tiền tip là một khoản thanh toán như một phần thưởng từ khách hàng cho người phục vụ khi chất lượng trên mức mong đợi. Boa xuất phát từ “pourboire” trong văn hoá Pháp.
Thông thường tiền tip không được quy định rõ ràng là phải chi bao nhiêu mà theo quan niệm tùy tâm của khách hàng. Một số người cho rằng nên tip 10% số tiền trên hóa đơn dịch vụ. Cũng có người có cách tip khác.
Thầy tôi là một trường hợp như vậy. Ông ấy thường tip cho nhân viên dọn dẹp buồng phòng khách sạn bằng cách đặt tiền trong phong bì và để nó ở dưới gối. Nhân viên buồng phòng sẽ có thể dễ dàng nhận ra. Số tiền có thể là 100.000 đồng hoặc lớn hơn nếu ở các khách sạn hạng sang. Tuy nhiên, thầy sẽ không tip nếu phòng bị dơ hoặc thái độ phục vụ có vấn đề - Đây là quan điểm khá rõ ràng về việc dùng tiền tip.
"Có thể là không nhiều nhưng tip chắc chắn sẽ làm cho họ vui hơn. Ai được biếu quà lại không vui đúng không nào. Tuy nhiên, không phải ai cũng xứng đáng nhận quà", người thầy của tôi nói.
Tiền tip là cách thể hiện lòng biết ơn đối với nhân viên phục vụ. Tôi từng thấy một vị khách gửi nhân viên bưng bê hành lý (bellman) 20 USD (khoảng 500.000 đồng) tại một khách sạn ở Ấn Độ. Nhìn vẻ mặt cả hai người đều toát ra nét vui vẻ, hạnh phúc vì đã làm thỏa mãn nhu cầu của người kia.
Văn hóa tip tại Việt Nam chưa thực sự trở thành một lối sống thịnh hành như một số nước. Ở một số nhà hàng hoặc quán nước trong nước có quầy gọi món tập trung sẽ đặt thêm một "Tip Box" (hộp đựng tiền tip). Trong đó luôn để sẵn một số tiền lẻ nhất định. Tuy nhiên, gần như ít thực khách Việt nào bỏ thêm tiền vào tip box.
Văn hóa tiền tip tại Việt Nam chưa thực sự phổ biến. Ảnh minh họa.
Và tương tự, khi thanh toán tại bàn, cũng hiếm khách hàng nào bỏ lại khoản tiền thừa hoặc tip cho nhân viên tại nhà hàng vì đã phục vụ mình. Tôi quan sát thì thấy khách thường gom hết khoản tiền thừa bỏ vào ví cá nhân. Chúng ta gần như không có thói quen chi tiêu như vậy. Thậm chí, nếu bỏ một khoản tiền không không như thế sẽ bị nghĩ là phí phạm.
Tại một số nhà hàng, khách sạn cao cấp trong nước thì có duy trì một khoản phí phục vụ cố định từ 5-15% trên tổng giá trị tiêu dùng. Nếu dồn thêm thuế thì hóa đơn bị đội chênh lệch đến 20-30% so với thực dùng. Việc này tạo điều kiện cho nhân viên có thêm khoản thu nhập, trách trường hợp khách "quên" tip. Với tâm lý chưa quen văn hóa tip, các cơ sở này có thể bị một lượng khách từ chối quay lại.
Ở một số nước, tip không khéo có thể gây phật ý hoặc làm người khác hiểu sai ý. Chẳng hạn tại Italy, việc gửi tiền tip gần như không diễn ra hoặc không thấy và cũng không được yêu cầu bằng một tín hiệu nào (như tip box). Tôi hỏi nhân viên phục vụ nhà hàng thì có biết văn hóa của họ không nhận tip vì như vậy là đánh giá thấp thu nhập của nhân viên và chê nhà hàng không đủ tiền trả cho họ.