Khởi nghiệp

Tâm sự của Quán quân Vietnam Startup Wheel: Từ bỏ mô hình ‘đốt tiền’ sau khi gặp Shark, vận dụng triết lý ‘bà bán xôi’ lại vượt bão Covid-19 thành công

Năm 2018, Nguyễn Hữu Ân là chàng trai "đơn thương độc mã" mang ứng dụng học tiếng Anh CleverTube dự thi và giành giải nhất cuộc thi Vietnam Startup Wheel - một cuộc thi dành cho tất cả các cá nhân/doanh nghiệp khởi nghiệp trên toàn quốc do Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp (BSSC) đồng tổ chức cùng Hội Doanh nhân trẻ TPHCM.

Ân của 2 năm sau hiện đang tập trung phát triển một công ty gia công phần mềm mang tên Teso, nằm trong hệ sinh thái đầu tư của Shark Lê Đăng Khoa, luôn lắc đầu trước chuyện "đốt tiền" để phát triển startup, bởi "kiếm tiền cực quá".

Chúng tôi xin trích lược lại chia sẻ của Ân về chặng đường khởi nghiệp và kinh nghiệm của anh sau 2 năm "kiếm tiền".


Đốt tiền vừa nhanh vừa dễ, kiếm tiền mới khó

Tâm sự của Quán quân Vietnam Startup Wheel: Từ bỏ mô hình ‘đốt tiền’ sau khi gặp Shark, vận dụng triết lý ‘bà bán xôi’ lại vượt bão Covid-19 thành công - Ảnh 2.

Nguyễn Hữu Ân - CEO Teso.

Sau lần gặp gỡ với anh Lê Đăng Khoa (Shark Khoa) và quyết định mở công ty gia công phần mềm Teso, tư duy làm startup của tôi có nhiều thay đổi.

Trước kia có giai đoạn tôi thường nghĩ khởi nghiệp là phải có ý tưởng tốt, thu hút được nhiều người dùng, gọi được nhiều vốn… Nhưng bây giờ, tư duy của tôi đơn giản hơn rất nhiều. Đối với tôi, "khởi nghiệp" hay "lập nghiệp" tới cuối cùng vẫn là cung cấp giải pháp/dịch vụ/sản phẩm tốt cho khách hàng; trả đủ lương, tạo phúc lợi tốt cho nhân viên; đem về lợi nhuận và phát triển được công ty.

Một startup chỉ giỏi "đốt tiền" mà không giỏi "kiếm tiền" thì chẳng khác gì một con nghiện

Hay như câu chuyện "đốt tiền", tôi không thích "đốt tiền", mà thích "kiếm tiền" hơn. "Đốt tiền" vừa nhanh vừa dễ, "kiếm tiền" mới khó.

Tôi cũng biết là hiện nay có nhiều startup được bơm vốn rất lớn để "đốt tiền" nhằm thu hút users, chiếm thị phần, nhưng đó cũng là một điểm bất lợi. Khi làm kinh doanh thì việc thu hút users, chiếm thị phần thôi là chưa đủ, tạo ra một mô hình kinh doanh sinh lời bền vững mới là điều quan trọng. Mà muốn đạt được điều đó thì doanh nghiệp phải có giá trị cốt lõi tốt (sản phẩm tốt), kế hoạch kinh doanh, vận hành bài bản và phải có dòng tiền dương.

Khi startup quá tập trung vào việc "đốt tiền" để thu hút users và chiếm thị phần mà quên mất việc quan trọng hơn phải làm là kiếm tiền, sẽ dễ dẫn tới việc mất cân đối tài chính và lại phải tiếp tục gọi vốn để đốt tiền. Một startup chỉ giỏi "đốt tiền" mà không giỏi "kiếm tiền" thì chẳng khác gì một "con nghiện", với "con nghiện" nhà cửa có bao nhiêu bán sạch, còn với start up thì có bao nhiêu cổ phần cũng phải bán bớt qua mỗi lần gọi vốn.

Đương nhiên một doanh nghiệp vẫn phải có những giai đoạn "đốt tiền", nhưng tôi cho giai đoạn ấy gọi là "đầu tư" thì đúng hơn, mà đã là đầu tư thì phải có kế hoạch kiếm tiền để hoàn lại. Làm kinh doanh thì việc Đầu tư - Kiếm tiền - Tái đầu tư là liên tục, và muốn biết thời điểm nào cần "đầu tư" thì bản thân người vận hành doanh nghiệp phải có được chiến lược và kế hoạch bài bản và quan trọng hơn cả là sản phẩm và giá trị cốt lõi phải tốt thì kế hoạch kiếm tiền mới khả thi.


Cuộc "đại thanh lọc" mang tên Covid và triết lý "bà bán xôi"

Tâm sự của Quán quân Vietnam Startup Wheel: Từ bỏ mô hình ‘đốt tiền’ sau khi gặp Shark, vận dụng triết lý ‘bà bán xôi’ lại vượt bão Covid-19 thành công - Ảnh 5.

Phong trào startup mấy năm gần đây, đặc biệt là trong năm 2020 thì nghe nhiều chuyện buồn hơn là vui. Có doanh nghiệp được định giá triệu đô thì phá sản, và có cả founder đi cướp ngân hàng.

Covid-19 đúng là một cuộc đại thanh lọc, nhưng nó cũng là bài test cho thấy doanh nghiệp nào thực sự có thực lực. Giống như sự chọn lọc tự nhiên, cá thể doanh nghiệp yếu sẽ bị loại bỏ, chỉ còn lại những cá thể doanh nghiệp mạnh và tồn tại được dưới sự khắc nghiệt của Covid tạo ra.

Nhiều startup mất tích sau dịch, còn bà bán xôi vẫn đứng vững, bởi xôi bà ngon và dòng tiền ngày nào cũng dương

Bản thân các startup chỉ giỏi đốt tiền mà không giỏi kiếm tiền cũng rất mong manh trước Covid, vì khi startup đó đốt hết cục tiền gọi vốn vòng trước, họ thường nghĩ sẽ gọi được vốn vòng tiếp theo, nhưng với sự xuất hiện của Covid thì việc gọi vốn cũng trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Và khi việc gọi vốn không đúng dự định thì startup rất dễ chết, vì chỉ đơn giản trả tiền lương nhân viên chậm 1 ngày là doanh nghiệp đó sang tháng sau dễ phải đóng cửa rồi.

Bản thân tôi thấy có nhiều startup thậm chí thua cả bà bán xôi trước nhà. Bà bán xôi đơn giản bỏ ra 10 đồng tiền vốn làm xôi, buổi sáng bán xong mang về 11 đồng là lời, có vốn để ngày hôm sau làm xôi bán tiếp và có tiền tiết kiệm. Nhiều startup trước dịch tôi thấy tháng nào cũng lỗ, dịch tới thì hoặc lao đao, hoặc phá sản, nhiều startup còn mất tích sau dịch, startup nào may mắn thì gọi tiếp được vốn nhưng cũng phải hi sinh cổ phần giá rẻ.

Còn bà bán xôi tôi thấy vẫn đứng vững suốt mùa dịch, lúc nào cũng cười tươi vì thậm chí bán hàng còn đắt khách hơn, cung chẳng thấy bà phải đi gọi vốn bao giờ. Tôi nghĩ bí quyết ở đây là xôi bà ngon và dòng tiền của bà ngày nào cũng dương.


Teso vận dụng triết lý "bà bán xôi" thế nào?

May mắn của Teso là trong thời gian dịch Covid-19, chúng tôi không phải sa thải bất kỳ nhân viên nào và trả đủ lương cho tất cả nhân viên, thực hiện đủ các nghĩa vụ với nhà nước, và đối tác, thậm chí còn phát triển thêm nhân sự, có lẽ chúng tôi đã vận dụng tốt triết lý của bác bán xôi nêu trên.

Cũng có thể chúng tôi may mắn, bởi ngành công nghệ thì không bị ảnh hưởng nhiều, vì khi Covid tới, người người nhà nhà phải ở trong nhà, họ buộc phải sử dụng các thiết bị công nghệ nhiều hơn để phục vụ công việc hoặc đơn giản là giải trí, thì đó cũng là thời cơ cho các công ty công nghệ như Teso, khi mà có nhiều doanh nghiệp tập trung chuyển hướng đầu tư sang công nghệ hơn.

Một phần nhờ vào việc được khách hàng yêu mến và tin tưởng từ những ngày đầu thành lập nên Teso vẫn phát triển tốt. Điều đó cho thấy định hướng ban đầu đặt ra cho Teso đang đi đúng hướng - cung cấp giải pháp công nghệ cho các doanh nghiệp, tập đoàn chứ không chỉ thuần túy là làm phần mềm. Tức, doanh nghiệp đưa ra bài toán cần giải quyết, Teso với đội ngũ có đã có kinh nghiệm phân tích và tư vấn đa ngành sẽ đào sâu để thực sự thấu hiểu bài toán business đó, sau đó đưa ra những phân tích và tư vấn giải pháp công nghệ, kế hoạch triển khai chứ không chỉ đơn thuần là khách hàng đặt hàng kêu gì thì làm cái đó.

Với CleverTube - sản phẩm đoạt giải nhất trong Vietnam Startup Wheel 2018, tôi có duyên nợ với ngành giáo dục rất nhiều, vì vậy có lẽ Ed-Tech sẽ là duyên nợ sẽ gắn bó rất dài. CleverTube vẫn sẽ nằm trong kế hoạch phát triển của tôi và hiện vẫn đang cung cấp các bài học trên cả 2 nền tảng Android và iOS.

Hiện tại tôi đang tập trung phát triển Teso ổn định hơn nữa, cá nhân tôi vốn là người đề cao sự tập trung, nhưng tôi cũng không muốn bỏ rơi CleverTube. Có lẽ trong tương lai rất gần, tôi sẽ gắn CleverTube như một sản phẩm của Teso, như vậy tôi vừa tập trung phát triển Teso vừa có thể nuôi dưỡng CleverTube. Và đương nhiên CleverTube cũng sẽ phải cạnh tranh sòng phẳng với các sản phẩm công nghệ khác mà Teso phát triển. Và chỉ số đơn giản nhất để đo mức độ thành công là dòng tiền dương.

Đầu năm vừa rồi, CleverTube cùng với Teso đã lọt vào mắt xanh trong chương trình "Harvard Business School FIELD Global Immersion Program" của trường Đại Học Harvard Business School. Đoàn giáo sư của trường ĐH này cũng đã tới thăm văn phòng và tiến hành hợp tác. (Tuy nhiên sau đó thì đại dịch Covid diễn ra, nên chương trình bị buộc dừng lại).

Tâm sự của Quán quân Vietnam Startup Wheel: Từ bỏ mô hình ‘đốt tiền’ sau khi gặp Shark, vận dụng triết lý ‘bà bán xôi’ lại vượt bão Covid-19 thành công - Ảnh 8.

Shark Khoa, CEO Teso cùng đoàn giáo sư Đại Học Harvard tới thăm văn phòng Teso và mô hình khởi nghiệp.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm