Bạc mặt tìm khách hàng cho vay
Một báo cáo thống kê đã cho thấy, lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm mang lại thu nhập cao nhất cho người lao động, trung bình có thể lên tới 16,1 triệu đồng một tháng. Mức thu nhập của ngành ngân hàng thường khá cao, lương tháng dao động từ 9-15 triệu đồng mỗi tháng, chưa kể các khoản thưởng KPI theo tháng, thưởng quý, thưởng lễ, Tết hàng năm có thể lên tới 5-7 tháng lương. Điều đó đã phần nào chứng minh sức hấp dẫn của các công việc này.
Nhiều người nghĩ rằng công việc tại ngân hàng rất nhẹ nhàng, trong khi đó, trên thực tế, khối lượng công việc tại mỗi bộ phận đều rất lớn, thường xuyên tăng ca và làm việc liên tục từ 10-12 tiếng mỗi ngày, chưa kể những đợt quyết toán cuối quý, cuối năm.
Tại các ngân hàng, vị trí quan hệ khách hàng (hay còn được gọi là tín dụng) thường được nhiều người cho rằng có thu nhập cao khi là những người đem lại nguồn thu chính cho các nhà băng. Thế nhưng công việc này có những vất vả mà người ngoài không thể hiểu được
“Em thấy con đường phía trước nếu em làm Quan hệ khách hàng sao mù mờ quá. Em chỉ có 3 tháng thử việc thôi. Các anh chị có tuyệt chiêu nào hiệu quả thì giúp em với. Em xin cảm ơn rất rất nhiều, ko biết nói sao để đền đáp đây!”, đây là lời chia sẻ của một bạn trẻ tên Lan mới bước chân vào nghề tín dụng trên một diễn đàn nổi tiếng ngành ngân hàng.
Cô chia sẻ đang cực kỳ nản khi không thể tìm được khách hàng dù đã làm đủ mọi cách. Lan không ngại phơi mặt ngoài đường mùa hè để phát tờ rơi, liên hệ người thân, bạn bè, đăng mạng, gửi e-mail, cặm cụi tìm trên các diễn đàn xem ai đang thiếu vốn thì gửi mail cho họ, gọi điện. Thế nhưng cuối cùng cô cũng chưa tìm được khách hàng nào để làm hồ sơ vay vốn. Cũng có một vài người hỏi vay nhưng lại không đủ điều kiện về thu nhập.
Cách thường được nhiều người áp dụng nhất là nhờ vả người quen người thân, các mối quan hệ bạn bè, thế nhưng Lan này cũng không thể khai thác được gì từ nguồn này.
Cả 2 bên họ hàng nội ngoại của cô gái trẻ thì đều không thể nhờ vả. Một người bác bên ngoại buôn bán nhỏ ở chợ, để dành được chút tiền thì cũng cất tủ chứ không gửi tiết kiệm và cũng không dám vay ngân hàng để làm ăn lớn hơn. Bác họ bên nội cũng vừa xây nhà mới xong cách đây 1-2 năm, bao tiền có được đều gửi ngân hàng nhà nước kỳ hạn dài, còn sinh hoạt hàng tháng thì dùng tiền có được từ cho thuê nhà.
Bố của Lan vốn có vài người bạn thân gần nhà cùng hợp tác kinh doanh. Điều đáng tiếc là bố Lan mất sớm. Mẹ con cô cũng chỉ gặp bạn của bố vài dịp lễ Tết hàng năm. Ngân hàng Lan đang làm lại là ngân hàng khá trẻ nên khi đề cập đến việc mời vay vốn, những người bạn của bố mẹ cô cũng ậm ừ cho qua chuyện.
Bạn bè của Lan thì chưa đến tuổi cần vay cả chục triệu, trăm triệu từ ngân hàng.
Có nên từ bỏ?
Câu chuyện của Lan cũng là thử thách chung của những banker khi mới bước chân vào nghề. Trong cuốn sách “Chọn ngân hàng hay chọn giám đốc”, tác giả Trịnh Minh Thảo đã có lời khuyên cho những bạn trẻ như Lan áp dụng nguyên tắc 33%. Ông là chuyên gia có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng từ vị trí chuyên viên khách hàng cho đến Phó tổng giám đốc.
Cụ thể nguyên tắc 33% nói lên rằng chúng ta nên dành 1/3 thời gian cho người không bằng mình; 1/3 thời gian gặp gỡ những người ngang hàng và 1/3 thời gian dành cho những người thành đạt hơn mình. Theo tác giả, đây là một kinh nghiệm quan trọng đặc biệt với các vị trí front-office như chuyên viên khách hàng hay giao dịch viên.
Một chuyên viên khách hàng có kết quả kém thường chơi thân với người cũng kém như mình. Một nhân viên back-office có hiệu quả thấp cũng hay gần gũi hơn với những bạn khác trong nhóm có hiệu suất như mình.
Tất nhiên điều này khiến bạn cảm thấy thoải mái với nhau, dễ đồng cảm những khó khăn, dễ than vãn những vướng mắc và thường rất đồng tầm đổ thừa cho những nguyên nhân khách quan.
Nhưng điều này rất không nên bởi việc kết giao quá thường xuyên với người thất bại sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả công việc. Nếu muốn thành công, lời khuyên của chuyên gia Trịnh Minh Thảo là bạn nên giao du với người thành công- những người cho bạn kinh nghiệm hay và nhiều cảm hứng tích cực để làm việc hiệu quả. Đó có thể là những chuyên viên xuất sắc, cán bộ quản lý thành công, khách hàng thành đạt.
Do đó lời khuyên cho Lan là nên chơi với các chuyên viên xuất sắc khác, những người đạt kết quả cao trong bán hàng, được vinh danh và được nhiều giải thưởng trong ngân hàng. Họ sẽ là những người có thể chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tế hay như phương pháp trình bày sản phẩm, cách thức vượt qua lời từ chối hay kỹ năng tìm kiếm khách hàng.
Ngược lại nếu trò chuyện với những nhân viên bán hàng kém - tất cả những gì bạn sẽ nghe là than thở và đổi lỗi - kết quả bạn trở nên bi quan và tiêu cực hơn.
Một điều đáng mừng là những chuyên viên bán hàng giỏi rất cởi mở, thích làm bạn và họ sẵn lòng bộc bạch hết những bí quyết thành công nếu gặp người cầu thị.
Ngoài ra lời khuyên cho người trẻ như Lan là nên gặp gỡ cán bộ quản lý thường xuyên hơn, và tốt hơn nữa nên nhận họ làm mentor của mình để bạn có thể hỏi ý kiến, xin lời khuyên và nhờ tư vấn để thực hiện công việc hiệu quả hơn. Họ cũng là những người đã trải qua giai đoạn tân binh khó khăn áp lực nên sẽ có những lời khuyên phù hợp, thậm chí họ còn có thể giới thiệu cho bạn những mối quan hệ khách hàng của mình.