Hồi tháng 4/2021, Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (vừa được đổi tên thành CTCP TTF) công bố muốn mua lại 20% vốn điều lệ của công ty sản xuất gỗ Natuzzi Singapore. Thời điểm này, lỗ lũy kế của TTF lên tới trên 3.000 tỷ đồng (cuối năm 2021) dù hoạt động kinh doanh đã có cải thiện.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 vừa qua, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội đồng quản trị TTF cho biết công ty rót khoảng 5,4 triệu USD để thực hiện thành công thương vụ trên vào tháng 2/2022.
Theo tìm hiểu, Natuzzi Singapore được thành lập vào tháng 4/2020 và 93% vốn được kiểm soát bởi Natuzzi S.p.A., - tập đoàn do ông Pasquale Natuzzi thành lập năm 1959 và được giới thiệu là công ty nội thất lớn nhất của Ý cũng như giữ vị trí quan trọng trong ngành công nghiệp đồ nội thất trên toàn cầu. Tập đoàn này được niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán New York tháng 5/1993.
Kết quả kinh doanh năm 2021 của Natuzzi cho thấy, doanh thu của công ty đã về lại mức trước dịch COVID-19 (là năm 2019 và 2020) với 427 triệu Euro (trên 11.000 tỷ đồng), lần lượt tăng 30% so với năm 2020 và tăng hơn 10% so với năm 2019.
Trải qua đợt dịch COVID-19 trong hai năm 2019 và 2020, doanh nghiệp chịu lỗ lần lượt 33,7 triệu Euro và 24,9 triệu Euro, và có lãi trở lại năm vừa rồi với 4,3 triệu Euro, thấp hơn nhiều so với trước đó. Biên lãi gộp năm 2021 đạt 36%, cải thiện so với 31,4% của năm 2020.
Tính đến cuối năm 2021, Natuzzi có tổng cộng 651 cửa hàng, trong đó khu vực châu Á- Thái Bình Dương có tới 365 cửa hàng, riêng con số tại thị trường Trung Quốc lên tới 340.
Ông Mai Hữu Tín chia sẻ, tại Hội chợ triển lãm High Point Market - hội chợ có quy mô lớn và uy tín nhất trong ngành công nghiệp đồ gỗ và trang trí nội, ngoại thất quốc tế, Natuzzi có một “phòng trưng bày tuyệt đẹp theo kiểu con tàu” và điều đó khiến người đứng đầu TTF phải xuýt xoa, muốn ngành nội thất Việt Nam có một chân trong thủ phủ ngành nội thất thế giới.
Tuy nhiên, vấn đề của Natuzzi đang gặp phải là chạy theo khuynh hướng xuất khẩu nhưng không mang thương hiệu Natuzzi mà chỉ mang thương hiệu của nhà bán lẻ (chẳng hạn Gucci mua hàng của Natuzzi và bán với giá cao hơn, mang thương hiệu của Gucci).
Lúc này, Natuzzi nhận ra nếu không có thương hiệu của riêng mình thì họ sớm muộn gì cũng chết. Do đó, Natuzzi chấp nhận hi sinh để đầu tư các cửa hàng và bán sản phẩm mang tên mình.
Theo kế hoạch, cái bắt tay giữa TTF và Natuzzi sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả hai bên. Trong khi Natuzzi đang muốn mở rộng sự hiện diện của mình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương thì TTF lại muốn “đứng trên vai người khổng lồ”.
Cái bắt tay giữa TTF và Natuzzi sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả hai bên. Trong khi Natuzzi đang muốn mở rộng sự hiện diện của mình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương thì TTF lại muốn đứng trên vai người khổng lồ.
Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT TTF
Hiện Natuzzi đang phụ trách toàn bộ bờ tây nước Mỹ, New Zealand, Australia,… Và công ty này kỳ vọng TTF sẽ giúp Natuzzi mở rộng và phát triển mạnh ở Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á.
Sự kết hợp với Natuzzi cũng sẽ giúp cho TTF hoàn thiện được khả năng sản xuất với chi phí rẻ hơn. “Một chiếc ghế TTF làm 90 USD là đã quá rẻ, mà Natuzzi còn sản xuất được với giá 70 USD. Do đó TTF cần phải học rất nhiều từ khâu sản xuất này của doanh nghiệp bạn”, ông Tín bày tỏ.
Ngoài sản xuất, TTF sẽ cùng với Natuzzi làm về bán lẻ, một khi làm được và biến các nhà máy khác thành vệ tinh thì “lúc đó cuộc chơi sẽ khác”.
Chủ tịch TTF bày tỏ quan điểm, hầu hết các nhà máy đồ gỗ tại Việt Nam chỉ mong làm xuất khẩu, đơn hàng lớn, có thể chạy cả năm. Đó là con đường mà họ muốn đeo đuổi, là kiếm 1 hoặc 2 khách hàng lớn và chạy sản xuất quanh năm.
Song, TTF không đi con đường như vậy, bởi làm hàng gia công sẽ thâm dụng lao động, tạo ra giá trị thấp nhất trong chuỗi giá trị.
Thứ mà ông Mai Hữu Tín muốn làm là bắt tay với các nhà phát triển bất động sản, đội ngũ thiết kế,… để tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm gỗ, không những trong nước mà còn nước ngoài.
Ông Tín cũng nhắc lại nhiều lần công ty không xác định bao nhiều phần trăm tập trung cho thị trường nội địa, bao nhiêu phần trăm xuất khẩu mà chỉ xác định phải chạy tối đa công suất nhà máy. Một khi đáp ứng đủ trong nước thì sẽ phát triển ở thị trường quốc tế.
Mở rộng thị trường xuất khẩu là mục tiêu lớn của TTF đặt ra từ năm 2020 – sau khi mất 2 năm để củng cố và tìm lời giải cho bài toán giải cứu công ty sau cú sốc hàng tồn năm 2016. Trong đó, TTF hiện đang đánh vào các thị trường khó tính như Trung Đông và Nga; cùng với các thị trường lâu năm đang làm như châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Australia…
Chủ tịch Mai Hữu Tín tiết lộ TTF và Natuzzi đang đi tìm mảnh đất phù hợp để xây nhà máy 4.0 hiện đại bậc nhất Việt Nam.
“Chúng tôi đang háo hức để sản xuất đồ nội thất 4.0 đầu tiên của Việt Nam. Chúng tôi đã bỏ rất nhiều công sức và đang nhìn thấy cơ hội mênh mông. Nhưng chúng tôi không vội vã. Cần đến đâu chúng tôi sẽ xin quý vị đến đó”, ông Mai Hữu Tín chia sẻ.
Theo kế hoạch năm nay, TTF muốn muốn phát hành hơn 41 triệu cổ phiếu riêng lẻ, số vốn thu được nhằm bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Năm ngoái, công ty cũng đã huy động 1.000 tỷ đồng (tính theo mệnh giá) để tái cấu trúc và hoán đổi nợ.V