Thời sự

Giá xăng dầu càng tăng càng gây khó khăn với nền kinh tế, lạm phát 2023 có thể lên tới 5,5%

Tại Diễn đàn Dự báo Kinh tế Việt Nam năm 2022-2023 được tổ chức ngày 12/5, TS. Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đưa ra những nhận định về bức tranh lạm phát Việt Nam năm 2022-2023. 

 TS. Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. (Ảnh: Anh Đào). 

Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, có ba yếu tố gây áp lực lạm phát năm 2022 và 2023. Đầu tiên là lạm phát chuỗi cung ứng. Đây là nhóm yếu tố tạo áp lực lớn nhất đến lạm phát của nền kinh tế trong thời gian tới.

Kinh tế nước ta có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ 37% chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế; tỷ lệ này trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo - ngành có vai trò là động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế chiếm 50,98%.

Thứ hai là giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao. TS. Nguyễn Bích Lâm cho rằng kinh tế Việt Nam có đặc điểm khi giá nguyên vật liệu tăng 1% thì giá sản phẩm đầu ra tăng 2,06%, đồng nghĩa với gia tăng lạm phát của nền kinh tế, do đó rủi ro nhập khẩu lạm phát là không thể tránh khỏi trong bối cảnh các nền kinh tế là đối tác thương mại lớn, quan trọng hàng đầu của Việt Nam như Mỹ, EU, Hàn Quốc... đều dự báo lạm phát ở mức đáng lo ngại. 

"Giá xăng dầu càng tăng càng gây khó khăn với nền kinh tế Việt Nam", ông Lâm nhấn mạnh.

Ngoài ra tổng cầu tăng đột biến trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng cũng là yếu tố đáng quan tâm.

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô 350.000 tỷ đồng, cùng với các gói hỗ trợ của năm 2021 đang thẩm thấu vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế sẽ làm cho tổng cầu tăng đột biến, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng mạnh sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch là áp lực lớn lên lạm phát trong năm 2022 và 2023.

Căn cứ vào các yếu tố tác động từ lạm phát chuỗi cung ứng; thiếu hụt nguồn cung; tổng cầu tăng đột biến; thiếu hụt lao động và dự kiến tăng lương tối thiểu vùng; bên cạnh đó, giá xăng dầu, giá điện dự báo tăng do nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng trong thời gian tới; giá lương thực gia tăng theo giá lương thực thế giới; giá thực phẩm, đặc biệt giá thịt dự báo tăng vì giá thức ăn chăn nuôi tăng do đứt gãy chuỗi cung ứng và nhu cầu tiêu dùng cuối năm tăng, dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2022 nằm trong khoảng 4% - 4,5%.

Với độ trễ của gói phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và dự báo năm 2023 lạm phát vẫn ở mức cao so với lạm phát mục tiêu của các nền kinh tế là đối tác quan trọng của kinh tế Việt Nam, TS. Nguyễn Bích Lâm dự báo lạm phát năm 2023 của Việt Nam khoảng 5%- 5,5%.

Lạm phát cả giai đoạn 2021-2025 khoảng 4% - đạt mục tiêu kế hoạch đề ra trong kiểm soát lạm phát cả thời kỳ kế hoạch 5 năm.  

4 tháng đầu năm 2022, lạm phát của Việt Nam trong tầm kiểm soát. Tốc độ tăng CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2022 ở mức 2,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trước đó,  năm 2021 lạm phát của Việt Nam tăng 1,84%, thấp nhất từ năm 2016 mặc dù lạm phát thế giới tăng cao. 

 

Về dự báo của các tổ chức, IMF khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhấn mạnh châu lục này đang phải đối mặt với nguy cơ lạm phát đình trệ với dự báo lạm phát tại châu Á sẽ tăng 3,2% trong năm 2022, cao hơn nhiều so với dự báo đưa ra trước đây, đồng thời hạ dự báo tăng trưởng của châu Á xuống còn 4,9%, do tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm tốc. 

IMF dự báo lạm phát năm 2022 của Việt Nam tăng 3,9%, sát ngưỡng mục tiêu kiểm soát 4% đặt ra,

Ngân hàng Standard Chartered dự báo lạm phát năm 2022 của Việt Nam vượt mục tiêu 4% Quốc hội đề ra và có thể lên 5,5% trong năm 2023.

CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) dự báo nếu giá dầu bình quân năm 2022 ở mức 80 USD/thùng lạm phát năm 2022 của Việt Nam có thể đạt mức 4,5%; tuy nhiên nếu giá dầu duy trì trên ngưỡng 100 USD/thùng lạm phát có thể tăng lên mức 5,1%.  

Cùng chuyên mục

Đọc thêm

Mua