Nếu là một người siêu nhạy cảm, bạn có thể cảm thấy bị cô lập đôi chút vì bạn không thích một số hoạt động mà người khác vẫn làm. Vậy “siêu nhạy cảm” nghĩa là sao và người siêu nhạy cảm là người như thế nào?
Bạn không thể chịu được sự hỗn loạn. Bạn ghét môi trường ồn ào. Nghệ thuật có thể khiến bạn rơi nước mắt. Đèn sáng làm mắt bạn đau. Bạn khó chịu khi gặp những người thô lỗ.
Tuy nhiên, bạn cũng là một người rất sâu sắc, nhận thức rất rõ cảm xúc của bản thân và những người khác, đồng thời cũng là một người luôn coi trọng những điều nhỏ bé trong cuộc sống.
Nếu vậy, bạn có thể thuộc về 30% dân số thế giới. Đó là những người siêu nhạy cảm.
Người siêu nhạy cảm là gì?
Người siêu nhạy cảm (Highly Sensitive Person - HSP) là thuật ngữ được giới thiệu bởi Tiến sĩ Elaine Aron vào năm 1992.
Đây là những người có độ nhạy cao về mặt cảm xúc, họ thường phản ứng mạnh hơn người khác với các kích thích từ bên ngoài lẫn bên trong, đồng thời có một đời sống nội tâm vô cùng phức tạp.
Những người siêu nhạy cảm thường phản ứng rất mạnh mẽ với bạo lực, căng thẳng hay hưng phấn. Họ dễ bị kích thích về thể chất và cảm xúc hơn những người khác.
Mặc dù những người siêu nhạy cảm bị miêu tả tiêu cực là "thái quá" nhưng đó lại là một đặc điểm tính cách mang lại cả điểm mạnh và thách thức cho họ.
Nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng những phản ứng này thực sự là do một loại chất hóa học hoạt động trong não của những người có độ nhạy cao - đặc biệt là lưu lượng máu tăng lên trong các khu vực xử lý cảm xúc, nhận thức và đồng cảm.
Bạn có phải là một người siêu nhạy cảm?
Bạn có thể nghĩ đến một người luôn nức nở trước những câu nói hay cảm thấy bị xúc phạm bởi một lời nhận xét có vẻ vô hại, phiến diện từ một người bạn. Mặc dù đây là kiểu cảm xúc rõ ràng thấy nhất ở những người siêu nhạy cảm nhưng nó không chỉ đơn giản là “quá xúc động”.
Trên thực tế, còn có một đặc điểm về người siêu nhạy cảm thực sự mà bạn có thể không biết, đó là độ nhạy về thể chất.
Một cuộc đụng chạm nhỏ từ người lạ trên đường có thể khiến HSP bị chấn động trong nhiều giờ. Một lời khen ngợi bất ngờ cũng khiến HSP phấn khích trong nhiều ngày. Hay khi nghe thấy những bản nhạc giao hưởng tuyệt đẹp hoặc bước chân vào một nhà thờ, người HSP có thể lập tức rơi nước mắt và không kiểm soát được.
Độ nhạy về thể chất tức là phản ứng với địa điểm, âm thanh, mùi vị, kết cấu, sự đau đớn thể xác, tiêu thụ quá nhiều cà phê hay đường…
Một HSP có thể không chịu được mùi nước hoa của một người lạ ở siêu thị, vì vậy họ sẽ chuyển sang quầy thanh toán khác. Hoặc có thể họ luôn cần đeo kính râm để bảo vệ võng mạc của mình khỏi ánh nắng mặt trời. Có thể sau một, hai giờ đầu bữa tiệc, họ sẽ tìm một góc yên tĩnh để ngồi hoặc thậm chí là về nhà vì quá ồn ào.
Mặc dù tất cả những điều này nghe có vẻ giống như mô tả một người lập dị hoặc sống ẩn dật, nhưng với một người siêu nhạy cảm, khả năng chịu đựng của họ với những kích thích bên ngoài là rất thấp.
Trở thành một người siêu nhạy cảm: Là một món quà hay lời nguyền?
Chắc chắn một điều là chúng ta đều sẽ có những khoảnh khắc nhạy cảm. Bạn sẽ khó mà tìm được một người không bị suy sụp, đau đớn sau cuộc chia tay hay buồn phiền vì những lời chỉ trích gay gắt. Nhưng đối với HSP, trải nghiệm cảm xúc lẫn thể chất của họ luôn được xử lý ở cường độ cao, liên tục đến mức nó thực sự có thể thay đổi cuộc sống của họ.
Những mối quan hệ như tình yêu, tình bạn, hay hiệu suất công việc, lối sống… có thể bị thay đổi rất nhiều khi một người cảm nhận được tất cả những kích thích này một cách sâu sắc.
Ngoài ra, những người siêu nhạy cảm luôn ý thức được về môi trường xung quanh nên họ có xu hướng tăng nguy cơ bị trầm cảm và rối loạn lo âu hơn người thường.
Mặc dù đặc điểm tính cách này đôi khi giống như một “lời nguyền” nhưng đây cũng là một món quà đặc ân.
Người siêu nhạy cảm là người rất giỏi trong việc quan tâm đến người khác. Họ có một sự đồng cảm, thấu hiểu và sẻ chia sâu sắc với những nỗi đau buồn của người khác.
HSP cũng có khả năng sáng tạo cao, họ biết lấy cảm hứng từ cuộc sống nội tâm của mình và tạo ra vẻ đẹp, niềm vui, cảm hứng cho người khác.
HSP là người làm việc rất chăm chỉ và họ trở nên xuất sắc khi được tự chủ, tự lập, có không gian, thời gian để suy ngẫm kỹ.
Những người này cũng cảm nhận mọi thứ một cách sâu sắc, từ con người, thiên nhiên đến động vật.
Họ có niềm đam mê mãnh liệt về những chủ đề mà họ quan tâm. Họ dành nhiều thời gian để trau dồi bản thân, các mối quan hệ và những sở thích giúp họ thỏa mãn.
Những người này cũng thích những cuộc trò chuyện sâu sắc và ý nghĩa.
HSP cũng là những người rất giỏi trong việc giải quyết vấn đề.
Thao túng tâm lý: Thủ thuật để chiếm quyền thống trị người khác Tâm lý học: Bạn có phải là người suy nghĩ quá mức hay không?
Làm thế nào để biết bạn có phải là một HSP hay không
Bạn nghĩ rằng bạn có thể là một người rất nhạy cảm? Dưới đây là một số câu hỏi đơn giản để bạn có thể tự đánh giá bản thân.
- Môi trường ồn ào có khiến bạn muốn chạy trốn không?
- Bạn có trở nên cáu kỉnh khi đói không?
- Tham dự một buổi nhạc kịch, tham quan một phòng trưng bày nghệ thuật hay đọc thơ có khuấy động cảm xúc của bạn không?
- Hiệu suất làm việc giảm khi bạn phải ôm nhiều nhiệm vụ khác nhau bởi bạn cảm thấy quá tải và căng thẳng?
- Bạn mất khá nhiều thời gian để đưa ra quyết định.
- Bạn thích làm việc trong môi trường yên tĩnh, riêng tư.
- Bạn cảm nhận được cảm xúc của người khác.
- Việc thuyết trình khiến bạn căng thẳng vì bạn không thích bị quan sát.
- Sau một ngày dài, bạn cần thời gian yên tĩnh để nạp lại năng lượng.
Nếu câu trả lời có nhiều hơn không, rất có thể bạn là một HSP. Và xin chúc mừng, bạn là một phần của câu lạc bộ những người có tư duy sâu sắc, làm việc sáng tạo.
Là một người siêu nhạy cảm không phải là một điều gì đó tồi tệ. Nó chỉ đơn giản là bạn xử lý dữ liệu và thông tin với giác quan sâu sắc hơn người khác. Biết được mình là một HSP là bước đầu tiên để học cách chăm sóc bản thân tốt hơn.