Tương tự như tiếng Việt hay các ngôn ngữ khác, việc phát âm tiếng Anh cũng có rất nhiều giọng tùy vị trí địa lý, không có giọng nào là tuyệt đối chuẩn. Tuy nhiên, có 2 giọng được công nhận rộng rãi nhất là Mỹ phổ thông (General American) và Anh chuẩn (Received Pronunciation), nói ngắn gọn là tiếng Anh giọng Mỹ và tiếng Anh giọng Anh. Sự khác nhau của hai chất giọng này ngoài đối tượng sử dụng còn nằm ở ngữ pháp và cách phát âm.
Với những phụ huynh chú trọng đầu tư việc học tiếng Anh cho con khi còn nhỏ, câu hỏi: Liệu có quan trọng việc chọn giọng Anh - Anh hay Anh - Mỹ cũng là một thắc mắc chung. Mới đây, vấn đề này lại được một phụ huynh "khơi mào" trong một hội nhóm gây nên nhiều ý kiến tranh luận trái chiều.
Ảnh minh họa.
Chọn Anh - Anh; Anh - Mỹ hay chỉ cần nghe hiểu là được?
Trước câu hỏi của phụ huynh: "Theo các anh chị khi trẻ bắt đầu học tiếng Anh có quan trọng việc chọn giọng Anh - Anh hay Anh - Mỹ hay cho con học tự do và lớn lên sẽ tự sửa giọng", nhiều phụ huynh khác cho rằng, chỉ cần con nghe hiểu giao tiếp, đọc viết thông thạo là được, không cần quá cầu kỳ phát âm chuẩn hay không chuẩn, bởi dù có chuẩn đến đâu thì cũng không thể nói tiếng Anh như người bản xứ.
Thêm vào đó, phần lớn những người sử dụng tiếng Anh hiện nay đến từ các quốc gia khác trên thế giới (hơn 1 tỷ người). Những người nói tiếng Anh đã quen với việc nghe và tiếp xúc với nhiều giọng cũng như kiểu tiếng Anh khác nhau.
"Đừng cầu kỳ quá, có phải lúc nào nói tiếng Anh cũng gặp được người Anh - Mỹ hay Anh - Anh đâu, bạn có thể gặp một người Singapore nói tiếng Anh, người Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc nói tiếng Anh. Lúc này, điều cần thiết chỉ là họ nói sao bạn hiểu (và ngược lại) là được. Cũng như bạn gặp 1 anh Tây nói tiếng Việt, có cần họ nói giọng Hà Nội hay Sài Gòn/Nghệ An... đâu, cần nhất là họ nói có dễ nghe dễ hiểu không", một phụ huynh nhận định.
Một cư dân mạng khác cũng cho rằng bản thân mình nói tiếng Anh từ 2005 tới nay nhưng cũng không để ý là mình hay nói giọng Mỹ hay Anh. "Mình nói tự nhiên thoải mái. Mình nghe được dân nói tiếng Anh từ vài chục quốc tịch. Với mình tiếng Anh chỉ là second language (ngôn ngữ thứ hai) để giao lưu kinh tế và văn hóa", người này chia sẻ.
Tuy nhiên, luồng ý kiến khác phản biện, phát âm chuẩn ngay từ đầu với trẻ là vô cùng quan trọng. Giọng rất khó sửa, một khi đã nói giọng Anh - Việt, Anh - Phi, Anh - Ấn... thì đến tầm mười mấy tuổi rất cải thiện giọng nói chuẩn Mỹ hay Anh.
Một phụ huynh chia sẻ: "Nếu nghĩ ngược lại, chắc chắn mình sẽ không để ông Tây, giọng Tây dạy con mình tiếng Việt. Theo mình thì nếu có điều kiện, mình nghĩ lúc đầu nên cho học tiếng Anh chuẩn giọng Mỹ vì độ thông dụng. Còn đến khi giọng ổn định rồi, thì học chủ yếu để phản xạ, học kiến thức thì giáo viên nào cũng không ảnh hưởng. Giọng chuẩn Mỹ sẽ dễ dàng xin việc ở Mỹ hơn. Và kể cả làm ở các nước khác thì khả năng cao họ sẽ dễ hiểu giọng Mỹ hơn giọng của nhiều nước khác".
Trả lời bình luận cho rằng không phải ai cũng có điều kiện cho con tiếp xúc với giáo viên bản ngữ, người này gợi ý, bố mẹ nên cho bé tiếp xúc giọng chuẩn Mỹ thật nhiều qua phim ảnh, youtube, các bài thu âm của người Mỹ để tiết kiệm chi phí.
Một người khác, đã định đi làm ở Mỹ và Việt Nam thì khuyên bố mẹ nếu hướng cho con du học, làm việc ở Mỹ thì nên hướng trẻ nói tiếng Anh chuẩn giọng Mỹ sẽ thuận lợi hơn để giao lưu thân thiện được với đồng nghiệp, đối tác, tránh họ khó chịu khi phải cố nghe xem ý mình. Nhưng nếu làm việc bằng tiếng Anh ở Việt Nam hay khu vực châu Á thì tiếng Anh kiểu nào cũng được, miễn diễn đạt dc tốt ý mình muốn nói. Tóm lại tùy sau này con định làm việc ở đâu, khả năng bố mẹ đưa con đi được đến đâu thì bố mẹ đầu tư đến đấy.
Chuyên gia nói gì?
Chị Ngọc Hà, một bà mẹ Việt ở Đức có kinh nghiệm nhiều năm đồng hành với con tự học đa ngôn ngữ nghiêng về ý kiến nên cho con phát âm ngôn ngữ chuẩn ngay từ nhỏ. Theo chị, giọng Anh - Anh hay Anh - Mỹ đều có thể lựa chọn:
"Nơi mình làm việc có thời gian đồng nghiệp chuẩn giọng Anh - Anh và Anh - Mỹ cùng làm. Mọi người đều không thấy có sự bất tiện nào giữa hai giọng, và rõ ràng sự khác nhau giữa giọng này cũng không có ảnh hưởng gì đến người sử dụng. Các app tiếng Anh có app cho chọn giọng Anh - Anh hay Anh - Mỹ, nhưng cũng có app mặc nhiên sử dụng chuẩn Anh -Mỹ. Mình chọn cho con theo giọng Anh - Mỹ vì sự phổ biến của nó theo số lượng người dùng và vì app ngôn ngữ hay dùng theo chuẩn này".
Anh Huỳnh Chí Viễn, tác giả sách, Giám đốc một trung tâm Anh ngữ ở TP HCM cho rằng, nên cho trẻ học giọng chuẩn ngay từ đầu vì những lý do sau:
1. Việc phát âm trong học ngoại ngữ cực kỳ quan trong vì nó liên quan đến hiệu quả giao tiếp. Những bạn phát âm tốt, chuẩn sau này sẽ tự tin sử dụng ngoại ngữ hơn.
2. Trẻ em học phát âm đúng giọng từ bé dễ hơn người lớn nhiều nên chúng ta nên tận dụng cơ hội này để chuẩn hóa phát âm từ đầu, chứ đợi tới khi lớn muốn sửa thì đã muộn.
3. Theo kinh nghiệm cá nhân, bạn nào chú ý phát âm tốt từ bé sẽ học tiếng Anh kỹ hơn và kiến thức những bạn không quan tâm đến phát âm đặc biệt là về từ vựng.
4. Hiện nay điều kiện để các bé học phát âm chuẩn theo giọng bản ngữ rất phong phú từ thầy cô nước ngoài tới các kênh youtube tới các phần mềm học tiếng Anh, nếu không tận dụng để cải thiện phát âm của bé từ nhỏ thì là một điều hết sức thiếu sót.
Anh Viễn nhận định, phát âm chuẩn tiếng Anh thực sự không quá khó. Nếu so với người nước ngoài chật vật phát âm tiếng Việt thì việc người Việt học chuẩn phát âm tiếng Anh dễ hơn nhiều. Các bé tiếp cận với phát âm chuẩn ngay từ đầu thì sẽ có phát âm tiếng Anh rất tốt vì bé học theo cách tự nhiên là nghe và bắt chước. Sau này không phải chật vật khắc phục phát âm khi đã
Càng lớn thì càng khó cải thiện vì vỏ não đã khắc quá sâu những ký ức sai về phát âm nên khi nói những sai phạm này sẽ bật ra như quán tính mặc dù người nói ý thức rằng mình sai nhưng phản xạ sửa sai sẽ rất chậm. Vì vậy nếu để các bé học tiếng Anh càng sớm mà không quan tâm đến phát âm thì coi như là hại các bé. Sau này lỗ hổng về phát âm sẽ không thể lấp lại được.
"Về giọng Anh - Anh hoặc Anh - Mỹ thì tôi nghĩ nên cho bé học phát âm giọng Anh-Mỹ vì nó phổ thông hơn và thân thiện hơn. Giọng Anh-Anh sẽ khiến bé khó tiếp cận phim ảnh hoặc hoạt hình vì hầu hết đều là giọng Anh - Mỹ, đồng thời giọng Anh - Anh khá "kẻ cả" nên hiệu quả giao tiếp không cao bằng Anh - Mỹ", anh Viễn nói.