"Con xin lỗi mẹ, đây là quyết định của con"
"Tại sao con làm gì cũng không tốt vậy?"...
Trong những năm gần đây, sự ra đi ở tuổi vị thành niên đã thu hút sự chú ý của xã hội, và lời trăn trối của một số em nhỏ để lại cho thế giới phản ánh những điều ít được biết đến về nỗi đau nội tâm và sự vướng mắc sâu thẳm bên trong lòng các em.
Theo "Báo cáo phát triển sức khỏe tâm thần quốc gia Trung Quốc (2019-2020)", tỷ lệ phát hiện trầm cảm ở thanh thiếu niên năm 2020 là 24,6%, trong đó tỷ lệ phát hiện trầm cảm nặng là 7,4%. "Tuổi trẻ cũng biết mùi vị sầu khổ." Sức khỏe tinh thần của thanh thiếu niên đã trở thành một phép thử quan trọng trong quá trình trưởng thành của các em.
Làm thế nào mà một đứa trẻ luôn rất ngoan ngoãn, biết vâng lời lại có thể nghĩ đến những điều dại dột? Điểm số cao, sở trường nhiều hay năng nổ hoạt bát, quen biết nhiều bạn bè… Tại sao những "hào quang" bên ngoài này lại không đủ lý do để hỗ trợ cuộc sống hạnh phúc của các em? Có thực sự không có chút dấu vết nào của tất cả những áp lực chồng chất cho tới khi giọt nước cuối cùng tràn ly? Muốn quét sạch bụi trong trái tim của chúng, có lẽ cần bắt đầu bằng cách đi vào trái tim của chúng.
Mặt sau của một "đứa con ngoan"
"Tôi phải làm sao đây!" Khi biết con gái học lớp 8 được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm nặng, một người mẹ vừa thở dài vừa khóc lóc kể lể với chuyên gia tâm lý. Cô ấy đã đọc rất nhiều sách về cách nuôi dạy con cái từ khi mang thai, và con gái cô ấy từ nhỏ cũng là một đứa bé rất ngoan ngoãn.
Phản ứng của người mẹ này cũng không phải là ngoại lệ, đối mặt với trạng thái chán nản của con cái, thậm chí đưa ra quyết định dại dột nhất, phản ứng đầu tiên của rất nhiều phụ huynh là sự ngờ hoặc và khó hiểu: rõ ràng ở nhà rất nghe lời cha mẹ, cũng rất tự giác, ở trường cũng là một "học sinh ngoan", tại sao bỗng nhiên lại bị trầm cảm?
Một đứa trẻ từng tâm sự với một nhà tâm lý học tuổi teen và một giáo viên tâm lý tại một trường trung học, bày tỏ khía cạnh B bên trong của những "đứa trẻ ngoan": "Từ nhỏ con đã bị yêu cầu rất nhiều điều, phải nhường nhịn em trai em gái, phải gánh lấy hi vọng của cha mẹ, phải là một trợ thủ đắc lực của giáo viên, trở thành tấm gương tốt cho các bạn khác. Mỗi khi tức giận hay khó chịu, con liền nói với bản thân rằng hãy nhịn thêm một chút nữa. Con từng nghĩ rằng sống là phải biết nhẫn nhịn, cho tới ngày con không còn thiết tha cuộc sống này nữa…" Cho tới tận ngày hôm nay, giáo viên tâm lý ấy vẫn nhớ ấn tượng trực quan nhất về đứa trẻ này - một khuôn mặt buồn bã.
Áp lực học hành tuổi "gà bông", bạo lực học đường và mạng xã hội, sự nhạy cảm của tuổi mới lớn, mâu thuẫn quan hệ cha mẹ con cái... Thực tế, thế giới nội tâm của tuổi teen không phải lúc nào cũng vô tư và bình yên. Bất cứ điều gì tưởng chừng như tầm thường đều có thể trở thành tác nhân gây ra khủng hoảng tâm lý. Việc chồng chất các mức độ khác nhau của áp lực, chẳng hạn như di truyền và môi trường, cũng sẽ khiến trầm cảm phát triển từng bước một cách bí mật.
Những lời độc thoại thực sự của "những đứa trẻ ngoan" cho chúng ta biết rằng: không phải là chúng không có những cảm xúc tiêu cực, chỉ là chúng có xu hướng chọn cách kìm nén và không đề cập đến. Đằng sau sự im lặng, có thể có những rào cản giao tiếp trong mối quan hệ cha mẹ - con cái, thầy trò. Một phóng viên của một tờ báo nước ngoài từng ngụy trang tham gia một nhóm có tên "Hẹn ngày ra đi" trên mạng xã hội của các thanh thiếu niên, anh chia sẻ rằng có hơn một người trẻ đã nói với anh rằng chúng cảm thấy không có lối thoát cho những rắc rối hàng ngày. Một cậu bé 18 tuổi kể rằng cậu rất ít khi bộc lộ lòng mình với người khác, bố mẹ cậu cảm thấy cậu hạnh phúc vì cuộc sống đủ đầy không phải lo cơm ăn áo mặc, còn thầy cô thì thường mắng mỏ cậu vì thành tích học tập. Tất cả những điều này khiến cậu cảm thấy mất tự tin và ngày càng trở nên nhạy cảm hơn. "Chúng đã kìm nén quá lâu rồi", người phóng viên nói, "Nó giống như một thùng xăng đã đầy dầu, và giờ chỉ còn thiếu một tia lửa nữa để kích hoạt nó".
Sự ràng buộc quá mức của các trách nhiệm xã hội cũng có thể gây khó khăn cho việc bộc lộ cảm xúc thực: lý do tại sao một số "đứa trẻ ngoan" miễn cưỡng nói về nỗi đau của chúng chính là vì chúng quá quan tâm đến người khác, luôn lo lắng rằng việc nói về nỗi đau sẽ gây ra cho người khác rắc rối, khiến họ cũng buồn theo mình; một số trẻ lại nghĩ rằng những biểu hiện tốt mà chúng thể hiện ra bên ngoài không phải vì chúng muốn mà là để làm hài lòng người lớn; những đứa trẻ khác lại cho rằng suy nghĩ "không hài lòng" của chúng là sai, và chúng lại tự trách mình... Bằng cách nào đó, "hiểu chuyện, ngoan ngoãn "chỉ là vẻ ngoài huyễn hoặc sau khi đã kìm nén được sự bất mãn.
Theo Chen Zhiyan, giáo sư tại Viện Tâm lý thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, sau khi chặn các kênh kêu cứu, con người sẽ trở nên rất dễ bị tổn thương, và nguy cơ khủng hoảng tâm lý cũng tăng lên. Đối với lứa tuổi thanh thiếu niên, việc kìm nén những cảm xúc tiêu cực, luôn cố gắng tự mình tiêu hóa chúng, rất dễ khiến chúng rơi vào lối suy nghĩ "không đúng thì sai" thái quá, thậm chí nhận những trách nhiệm không thuộc về mình. Chẳng hạn, một số trẻ nghĩ rằng việc bố mẹ thường xuyên cãi vã là tại chúng, hoặc chúng hy vọng có thể "đánh đổi" sự hòa thuận trong gia đình bằng cách chăm chỉ học tập. "Tất cả đều là lỗi của con" đã trở thành một hiểu lầm điển hình về nhận thức khiến nhiều bạn nhỏ từng bước rơi vào khủng hoảng tâm lý.
Trái tim trở nên tăm tối, mọi thứ có thực sự đều là đột ngột?
Khi một đứa trẻ thẳng thừng nói: "Cuộc sống chẳng còn ý nghĩa gì", bạn có thường né tránh nó? Khi con bạn nhiều lần xin chuyển trường và cho rằng mình "không giỏi giang", bạn có chỉ nói với chúng rằng "đừng nghĩ nhiều" để cho có lệ?
Trên thực tế, khủng hoảng sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên không phải là chuyện ngày một ngày hai. Từ việc nảy sinh cảm xúc tiêu cực, trầm cảm, nảy sinh ý định tự tử, ở mỗi giai đoạn, các em sẽ có những biểu hiện bất thường đáng được quan tâm. Nói cách khác, không có gì gọi là "bỗng nhiên" cả.
Fei Lipeng, một chuyên gia đã nghiên cứu về vấn đề tự tử ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ, chỉ ra rằng 90% các vụ tự tử đều có dấu hiệu rõ ràng từ trước. "Hãy nhìn vào cánh tay của đứa trẻ." Zhang Lishan, người đã tham gia tư vấn tâm lý 28 năm, tin rằng thanh thiếu niên thường có một số dấu hiệu trước khi tự tử, chẳng hạn như tìm nhiều lý do để không đi học, không vui vẻ, xuống sắc, chán ăn, thậm chí tự cấu véo cánh tay mình tới chảy máu. Vì vậy, phụ huynh và nhà trường nên nắm bắt tốt các tín hiệu tương tự, thay vì làm ngơ.
Ngoài ra, "những người thực sự muốn tự tử sẽ không nói ra" cũng là một hiểu lầm nhận thức phổ biến. "50 câu hỏi về sức khỏe tâm thần trong cuộc sống hàng ngày" chỉ ra rằng mọi người thường cho rằng ý định tự tử của ai đó thường không phải là "thực sự", và sự lạc quan và lơ là có chủ ý hoặc vô ý này có thể ngăn cản chúng ta giúp đỡ những người đang đau đớn và muốn từ bỏ cuộc đời.
Thay vì để ý đến vấn đề sau khi nó đã dần trở nên tồi tệ, mọi người nên quan tâm đến trẻ nhiều hơn và kịp thời tìm hiểu trạng thái tâm lý của trẻ. "Con ngu ngốc quá", "Con thành công được hay không có lẽ chỉ là vấn đề may rủi thôi"... Khi trẻ em thể hiện sự đánh giá thấp nghiêm trọng về bản thân và bi quan về tương lai, chúng thực sự có nguy cơ bị trầm cảm. Lúc này, nhà trường và phụ huynh nên cảnh giác và dẫn con em mình đi tìm sự trợ giúp của chuyên gia nếu cần thiết.
"Đây là người tốt hay người xấu?" Nhiều trẻ em sẽ đưa ra "khảo sát tâm hồn" này khi xem phim truyền hình, do khả năng nhận thức của giới trẻ còn hạn chế nên nhận thức của các em có xu hướng đơn giản hóa và tuyệt đối hóa, điều này rất dễ khiến cho các em bị cuốn vào vòng xoáy của những cảm xúc tiêu cực.
Theo quan điểm của Chen Zhiyan, việc thiếu tư duy biện chứng thường là do không được hướng dẫn và kích thích đầy đủ từ môi trường mà các em đang phát triển. Trong giáo dục hàng ngày, trẻ em cần được hướng dẫn để hiểu một cách khách quan và toàn diện các vấn đề từ các khía cạnh khác nhau. Cô đặc biệt chỉ ra rằng "khiêm tốn không có nghĩa là xóa bỏ sự thật". Ví dụ, nếu kỳ thi thành công, tất nhiên là nhờ sự giáo dục của giáo viên và sự giám sát của cha mẹ, nhưng đứa trẻ nên nhận ra rằng điều này chủ yếu là do chúng đã chuẩn bị kỹ lưỡng và trả lời các câu hỏi một cách bình tĩnh. Nếu con đạt được kết quả tốt nhưng lại cho rằng đó hoàn toàn là do may mắn, còn thực ra mình không có năng lực thì rõ ràng đó là sự đánh giá quá thấp giá trị bản thân.
Cách giúp trẻ thoát khỏi khó khăn
Đằng sau nhiều thanh thiếu niên thiếu tự tin, chán nản, bồn chồn đều là những bậc cha mẹ thương yêu biến "bến cảng" thành "bãi chiến trường".
Trong bộ phim nước ngoài "Lady bird", mẹ của nhân vật nữ chính là một ví dụ điển hình cho việc "nói mà không suy nghĩ trước sau": đứa con nói rằng nó muốn đến một nơi có văn hóa hơn, người mẹ lập tức đáp lại rằng "Sao mẹ lại có thể nuôi một đứa con con nhà lính tính nhà quan như vậy?"; đứa trẻ hy vọng sẽ nộp đơn vào một trường đại học ở bờ biển phía đông nước Mỹ, nhưng người mẹ chế giễu, "Ở đâu thì cũng đỗ làm sao được, đến bằng lái xe thi còn trượt". Chỉ khác rằng nếu nữ chính trong phim cuối cùng chọn cách phản kháng lại, thì ngoài đời, hầu hết "con ngoan trò giỏi" đều chỉ biết âm thầm đánh mất niềm tin vào người lớn, rồi lặng lẽ đóng cửa giao thiệp lại.
"Nếu cần 10 buổi tư vấn tâm lý để giải quyết vấn đề của trẻ, trong nhiều trường hợp, cha mẹ sẽ phải đến 7 lần". Để giải quyết vấn đề tâm lý của con cái, cha mẹ là nguồn lực quý báu, nếu gia đình có thể cho đứa trẻ đủ sự ấm áp và ủng hộ, điều này sẽ giúp giảm bớt những kích thích và áp lực từ bên ngoài cho trẻ. Tuy nhiên, Zhang Lishan nhận thấy rằng nhiều bậc cha mẹ ngại thay đổi các giá trị quan có vấn đề, cách quản lý cảm xúc và cách giao tiếp của mình, khiến con cái họ khó xây dựng lại lòng tin với cha mẹ, thậm chí còn trì hoãn việc giải quyết vấn đề.
Zhang Lishan cho rằng khi giao tiếp với trẻ, cha mẹ và giáo viên nên biết cách quan sát lời nói và cách diễn đạt của trẻ, đồng thời chú ý đến biểu hiện và phản ứng của trẻ khi nói. Nếu phát hiện ra những thay đổi cảm xúc rõ ràng, trẻ nên được hướng dẫn để thể hiện cảm xúc của mình, thay vì bác bỏ và phủ nhận quan điểm và cảm xúc của trẻ mỗi lần. Chen Zhiyan cũng cho rằng "cha mẹ nên học cách sống chừng mực và tạm gác lại vấn đề không bàn đến", đồng thời tin rằng con cái sẽ dần dần trưởng thành và chín chắn, không cần phải vội vàng đánh giá hay hướng dẫn chúng.
Việc hướng dẫn học sinh đến thăm trung tâm sức khỏe tâm thần của trường, cung cấp các khóa học về sức khỏe tâm thần và thực hiện các bài giảng phúc lợi công cộng về bệnh trầm cảm… không chỉ có thể dạy cho trẻ em những kiến thức tâm lý cần thiết mà còn giúp thanh thiếu niên phát triển ý thức sự gần gũi và tin tưởng đối với giáo viên tư vấn tâm lý, hạ thấp ngưỡng đòi hỏi sự giúp đỡ từ bên ngoài. Tuy nhiên, nhiều trường học vẫn còn tồn tại những vấn đề như giáo viên hạn chế, không đủ giờ học, hay trong việc bảo vệ quyền riêng tư cá nhân.
Phòng tư vấn tâm lý trong trường học có vai trò hướng dẫn, chuyển hướng nhiều hơn, như nhắc nhở phụ huynh và giáo viên chú ý đến trạng thái tâm lý của con em mình, đồng thời nói với phụ huynh rằng con em họ cần đến bệnh viện để được điều trị chuyên nghiệp.
"Người bạn tốt của con bị trầm cảm, con phải làm sao để giúp bạn ấy?" Thực tế, nhiều chuyên gia tâm lý sẽ gặp phải vấn đề như vậy. Do đầu óc của thanh thiếu niên còn non nớt, khả năng đối phó với những vấn đề còn hạn chế và khả năng bị lây nhiễm trầm cảm, cao nên việc giúp đỡ lẫn nhau giữa những người trẻ có thể gặp nhiều rủi ro hơn. Vì vậy, Chen Zhiyan nhắc nhở rằng khi gặp trường hợp như vậy, hãy nói với chúng rằng điều quan trọng nhất cần làm là khuyến khích bạn bè tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia hoặc giáo viên.
Theo Xinhuanet