Từ 2 - 3 triệu là có "hàng"
Bằng cấp T.L., một fanpage đăng ký quảng cáo trên Facebook, liên tục đề xuất dịch vụ làm bằng giả cho người dùng mạng xã hội.
Trang này giới thiệu có địa chỉ ở TP.HCM, là nơi "uy tín" cho những ai có nhu cầu làm bằng đại học, cao đẳng và các loại chứng chỉ giả.
"Các loại bằng đại học, cao đẳng đều có phôi chuẩn của trường, tem của Bộ Giáo dục, mộc thật đóng tay và chữ ký thật của hiệu trưởng. Mỗi bộ đều có đầy đủ bằng gốc, bảng điểm và bản sao công chứng. Bằng này chỉ không có thông tin trên hệ thống trường, còn lại giống thật 100%.
Khách hàng khi nhận bằng kiểm tra xong mới thanh toán. Chúng tôi cam kết uy tín, chất lượng và bảo mật", dòng quảng cáo của trang T.L. xuất hiện dày đặc trên Facebook.
Ngang nhiên quảng cáo làm bằng giả, chứng chỉ giả. Ảnh chụp màn hình
Khi khách hàng có nhu cầu, nhân viên tư vấn sẽ nhắn tin báo giá dịch vụ. Mỗi loại bằng, chứng chỉ đều có giá khác nhau, dao động từ 2 - 3 triệu đồng. Khách hàng chỉ cần gửi thông tin cá nhân và các yêu cầu là sẽ nhận được "hàng" trong vòng 1 - 3 ngày.
"Mỗi ngày công ty mình nhận trung bình 200-300 bộ nên làm rất nhanh. Nếu bạn ở TP.HCM thì nhận được luôn trong ngày mai, nếu ở Hà Nội thì khoảng 2 - 3 ngày. Bên mình nhận chuyển hàng toàn quốc, qua bưu điện", nhân viên tư vấn nhắn trả lời qua Facebook khi được hỏi về "dịch vụ".
Khi khách hàng thắc mắc về chất lượng và sợ bị phát hiện, nhân viên này còn quả quyết: "Nếu nhìn bằng mắt thường thì không thể phát hiện được. Trường hợp công ty đến tận trường tra thông tin và phát hiện bằng giả thì bạn chỉ bị đuổi việc chứ không phải chịu trách nhiệm pháp luật. Người làm giấy giả mới phải ngồi tù."
"Phù phép" trong 5 phút
Nam, một tài khoản Zalo nhận làm giả sao kê ngân hàng (bill chuyển khoản), dù biết hành vi này là phạm luật song vẫn quảng cáo và tư vấn tận tình cho những người có nhu cầu.
Nam tư vấn và gửi sản phẩm từng làm giả để khách hàng yên tâm.
Nam nói chỉ mất khoảng 5 - 20 phút để giúp khách hàng làm giả bill và tin nhắn trừ tiền. Chi phí làm cả bộ là 100.000 đồng. Nếu làm riêng bill, giá chỉ 70.000 đồng.
"Tôi dùng photoshop để chỉnh sửa thông tin trên các mẫu bill có sẵn. Hầu hết làm giả được các ngân hàng. Tôi làm lâu rồi, ngày nào cũng có khách. Nếu bạn lo bị phát hiện thì tôi sẽ làm cẩn thận hơn", Nam nhắn với khách.
Ngoài bill chuyển khoản và tin nhắn trừ tiền, Nam còn nhận làm giả chứng minh thư, căn cước công dân, các loại hợp đồng, bằng lái xe, sổ hộ khẩu, sổ đỏ...
Nam lập các tài khoản ảo rồi đăng bài quảng cáo ở trong nhóm Facebook làm giấy tờ giả có hơn 3.200 thành viên. Thấy ai có nhu cầu, Nam xin số điện thoại nhắn tin tư vấn kín đáo.
Nam chỉ là một trong nhiều người làm dịch vụ này. Lướt trong nhóm, có vô số người quảng cáo và làm giấy tờ giả như Nam. Bên cạnh đó, rất nhiều người có nhu cầu làm dịch vụ này.
Giấy tờ giả, hậu quả thật
Anh Ngô Chí Công, 36 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, là nạn nhân bị sử dụng thông tin cá nhân vào việc làm giấy tờ giả.
Hồi cuối năm 2021, anh Công bất ngờ nhận tin mình "giữ chức giám đốc một công ty được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp phép". Ngoài ra, anh còn đứng tên một tài khoản ngân hàng lạ, mặc dù anh không đăng ký.
"Tôi khẳng định mình không phải là giám đốc của công ty này, cũng không đăng ký tài khoản ngân hàng đó. Không biết bằng cách nào kẻ mạo danh làm giả được giấy tờ trong khi tôi vẫn giữ giấy tờ gốc. Tôi rất lo sợ vì không lường được hết mục đích của họ", anh Công nói và cho biết đã làm đơn tố giác gửi Công an quận Thanh Xuân và đơn đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội.
Anh Công làm đơn tố giác gửi công an và các bên liên quan về việc bị làm giả giấy tờ, thành lập công ty.
Chiều 11/3, đại diện Công an quận Thanh Xuân cho biết đang xử lý đơn tố giác của anh Công.
Liên hệ ngân hàng nơi anh Công bị lập tài khoản mạo danh, phía ngân hàng khẳng định tất cả giấy tờ trong hồ sơ đăng ký tài khoản đều được công chứng nên có độ tin cậy cao.
"Kẻ gian có thể dùng các thủ đoạn làm giả giấy tờ để đăng ký tài khoản", người đại diện ngân hàng nói và khuyến cáo khách hàng không được làm lộ thông tin cá nhân .
Trước đó, hồi cuối năm 2021, Bộ Công an ra cảnh báo về thủ đoạn làm giả sao kê ngân hàng. Các đối tượng xấu có thể sử dụng các tài liệu giả để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các tổ chức, cá nhân.
"Hiện có nhiều đối tượng thực hiện hành vi làm giả các loại giấy tờ. Họ thường dùng Zalo, Facebook để mời gọi người thiếu hiểu biết pháp luật làm các loại giấy tờ giả. Người mua cần hiểu biết pháp luật để tránh mua phải loại giấy tờ này. Nếu cố tình mua bán các loại giấy tờ giả, cả người mua và người bán đều bị xử lý theo quy định pháp luật.
Khi phát hiện tài liệu bị làm giả, nghi bị làm giả, các cá nhân, tổ chức cần khẩn trương liên hệ với cơ quan Công an nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết", vị đại diện nói.
Phạt cả người bán, người mua
Trao đổi về vấn đề trên, luật sư Trần Tuấn Anh, Công ty Luật Minh Bạch, cho rằng tình trạng văn bằng, hóa đơn, giấy tờ, tài liệu bị làm giả và sử dụng tràn lan như hiện nay gây ra rất nhiều hệ lụy, ảnh hưởng xấu cho xã hội.
"Việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả để phục vụ những mục đích cá nhân như thi cử, ứng tuyển,… sẽ tạo ra sự không công bằng trong xã hội. Nó không đảm bảo về phẩm chất công dân và xuất hiện tâm lý không trau dồi năng lực cá nhân mà chỉ trông mong vào việc sử dụng bằng cấp giả, làm biến dạng thước đo của xã hội", luật sư đánh giá.
Luật sư Trần Tuấn Anh, Công ty Luật Minh Bạch.
Ngoài ra, nếu lưu hành các loại giấy tờ giả như sổ đỏ, sẽ phát sinh các trường hợp bị chiếm đoạt tài sản, các giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, nhầm lẫn, làm ảnh hưởng tới quyền lợi của nhiều người.
Khi công nghệ phát triển như hiện nay, nhiều loại giấy tờ được làm giả rất tinh vi, có thể vượt qua sự thẩm định của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Khi đó, việc giải quyết hậu quả pháp lý sẽ rất phức tạp, gây thiệt hại cho các bên, vụ việc của anh Ngô Chí Công là một ví dụ.
Về xử phạt, người làm giả giấy tờ có thể bị xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự. Tùy theo từng lĩnh vực, pháp luật quy định những chế tài xử phạt hành chính khác nhau, từ 1 triệu đến 50 triệu đồng.
Với chế tài hình sự, khi đủ các yếu tố cấu thành tội phạm, người làm giả giấy tờ sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm, theo Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
Nếu hành vi phạm tội có tổ chức, số lượng con dấu, tài liệu lớn, sử dụng để thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc tái phạm nguy hiểm, hình phạt tù từ 2 năm đến 5 năm.