Khi Mỹ, Anh và EU áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Nga để đáp trả những động thái của nước này đối với Ukraine và cân nhắc về việc mạnh tay hơn, nhiều người đang thảo luận về khả năng Nga bị loại khỏi SWIFT. SWIFT là trung tâm của hệ thống tài chính quốc tế, bất kỳ cuộc thảo luận nào có liên quan đến nó đều làm các ngân hàng lớn và nhà ngoại giao bối rối.
- 1. SWIFT là gì?
SWIFT là Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế được thành lập vào năm 1973 để chấm dứt sự phụ thuộc vào điện tín. Nó được coi như Gmail của ngân hàng toàn cầu. SWIFT có trụ sở tại Bỉ do hội đồng 25 người điều hành, trong đó có Eddie Astanin, chủ tịch hội đồng quản lý tại Trung tâm Thanh toán bù trừ Đối tác Trung ương của Nga.
Hệ thống này giúp hơn 11.000 định chế tài chính và công ty tại hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ truyền đi những "thông điệp" an toàn hơn. Lưu lượng tin nhắn trung bình của hệ thống này đạt 42 triệu/ngày vào năm ngoái, bao gồm các lệnh và xác nhận cho các khoản thanh toán, giao dịch và trao đổi tiền tệ.
2. Tại sao việc bị loại khỏi SWIFT lại là một vấn đề rất lớn?
Một quốc gia bị tách khỏi SWIFT có thể phải gánh chịu những tổn thất đáng kể về kinh tế. Đó là những gì đã xảy ra với Iran vào năm 2012, khi ngân hàng của nước này bị loại khỏi SWIFT theo 1 phần của lệnh trừng phạt từ EU nhắm đến chương trình hạt nhân và nguồn tài chính của nước này. Iran mất gần một nửa doanh thu xuất khẩu dầu và 30% hoạt động ngoại thương sau khi biện pháp được triển khai.
Khi các quốc gia phương Tây đe dọa Nga việc bị loại khỏi SWIFT vào năm 2014, Alexei Kudrin - bộ trưởng Tài chính khi đó của Nga, ước tính động thái này có thể khiến GDP của Nga giảm 5% chỉ trong 1 năm. Việc "cắt đứt" mối liên kết giữa Nga và SWIFT cũng có thể ảnh hưởng đến các quốc gia khác, vì Nga là nhà cung cấp năng lượng quan trọng cho châu Âu và những quốc gia dựa vào SWIFT để thanh toán chi phí nhiên liệu.
Hôm 25/1, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết ông đang thảo luận với các nghị sĩ về việc cùng với Mỹ loại Nga khỏi SWIFT.
3. Nga có lựa chọn nào thay thế cho SWIFT không?
Không hẳn, hoặc ít nhất là chưa. Kể từ năm 2014, NHTW Nga đã thành lập hệ thống thanh toán SPFS sau khi bị phương Tây trừng phạt năm 2014 vì sáp nhập Crimea. Nhưng cho đến nay hệ thống này chỉ có 400 người dùng. Năm 2021, PBOC đã cho ra mắt một liên doanh với SWIFT, được coi như một cách để ứng phó với khả năng bị loại khỏi hệ thống này.
Các quan chức phương Tây có một mối lo ngại đó là việc cấm các quốc gia sử dụng SWIFT sẽ "vô tình" khuyến khích việc họ sử dụng những lựa chọn thay thế như trên. Các loại tiền số và công nghệ mới cũng được coi là mối đe dọa với SWIFT trong vài năm trở lại đây, nhưng vẫn không có khả năng thay thế hệ thống này.
4. SWIFT an toàn đến mức nào?
Trước đây, một số tổ chức đã nỗ lực "cướp" thông qua hệ thống SWIFT và một trong số đó đã thành công. Sự kiện được biết đến nhiều nhất là khi NHTW Bangladesh mấy 81 triệu USD do bị các hacker lấy mất vào năm 2016 và lừa Fed New York gửi tiền. SWIFT nhấn mạnh rằng mạng riêng của họ không bị xâm phạm, nhưng đã tăng cường bảo mật với các biện pháp kiểm soát bắt buộc và quản lý tư vấn ở các công ty thành viên.
5. Ai quản lý SWIFT?
Vì không phải là bên nắm giữ tiền gửi, SWIFT không được quản lý như một ngân hàng. Hệ thống này được giám sát bởi Ngân hàng Quốc gia Bỉ và các đại diện từ hệ thống của Fed, NHTW Anh, ECB và BOJ.
Nhìn chung, SWIFT sẽ loại thành viên nào nếu chỉ cần EU thông qua các lệnh trừng phạt với một tổ chức hay quốc gia cụ thể. SWIFT đã đình chỉ một số nhà cho vay của Iran vào năm 2018, sau khi Mỹ áp đặt vòng trừng phạt mới.
Tham khảo Bloomberg