Doanh nghiệp

Sức mua nhích dần

Tích cực tiếp thị cho gian hàng trực tuyến trên một mạng xã hội video, Quê Việt - thương hiệu bán các sản phẩm như trà gạo lức và ngũ cốc - nhận 9.200 đơn đặt hàng, tăng 792% tổng giá trị hàng hóa bán ra trong đợt mua sắm ngày 6/6 vừa qua.

Trên các chợ trực tuyến, sức mua bắt đầu có tín hiệu khởi sắc trong hơn một tháng qua. Nền tảng thu thập và phân tích dữ liệu thương mại điện tử YouNet ECI cho hay nhiều thương hiệu và ngành hàng đã bùng nổ doanh số online tháng trước.

Phân tích thông tin từ hơn 24.000 gian hàng đang kinh doanh trên 3 nền tảng thương mại điện tử Shopee, Lazada và Tiki, YouNet cho biết tổng khối lượng hàng hóa giao dịch (GMV) của nhóm ngành điện thoại di động tăng 49% so với tháng 5, đạt 744,9 tỷ đồng. Đây là mức GMV cao nhất của ngành hàng này kể từ cao điểm mua sắm tháng 11/2022.

Bên cạnh đó, loạt mặt hàng khác cũng tăng trưởng 2 con số trong tháng 6 như sữa tắm (20%), sữa bột trẻ em (19%), tã bỉm trẻ em (14%), dưỡng thể (13%), TV (13%). Trong đó, 3 ngành hàng sữa bột trẻ em (GMV 149,1 tỷ đồng), tã bỉm trẻ em (155,4 tỷ đồng) và sữa tắm (44,4 tỷ đồng) cùng lập đỉnh GMV tính từ đầu năm.

Ông Nguyễn Phương Lâm, Giám đốc Bộ phận Market Insights, YouNet ECI, cho biết tháng 6 đến tháng 8 là thời điểm các thương hiệu thực hiện các hoạt động thử nghiệm nhằm quan sát thị trường, từ đó dự đoán nhu cầu mua sắm mùa cuối năm.

"Việc có nhiều ngành hàng và nhiều thương hiệu thu được kết quả doanh thu tốt trong tháng 6 là một tín hiệu rất tích cực. Do đó, có thể mong chờ một mùa cuối năm bùng nổ trên các sàn thương mại điện tử", ông dự báo.

Trước đó, tại Hội nghị Shoppertainment diễn ra đầu tháng này, TikTok Shop Việt Nam công bố khảo sát cho hay khoảng 90% người dùng nền tảng này cho biết có dự định mua sắm trong các mùa giảm giá lớn (Mega Sale) sắp tới. "Đây là mùa tiềm năng cho cả thị trường chứ không riêng gì chúng tôi", Đại diện công ty nói.

Dù chiếm tỷ trọng chưa lớn - với tỷ trọng doanh số bán lẻ thông qua kênh online trên tổng doanh số bán lẻ chỉ 7,2% theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam - nhưng thương mại điện tử nhộn nhịp trở lại góp phần làm sáng bức tranh sức mua đã ảm đạm nửa đầu năm.

Sáu tháng đầu 2023, dù doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ danh nghĩa tăng 10,9% so với cùng kỳ và 8,9% khi điều chỉnh lạm phát nhưng tăng trưởng đang giảm dần theo tháng và số liệu về tiêu dùng vẫn thấp hơn so với xu hướng tăng trưởng thông thường trước Covid-19.

Mặt bằng bán lẻ ế khách và tuyển dụng cũng ảm đạm. Tại Hà Nội, giá thuê mặt bằng bán lẻ tại khu vực trung tâm quý II giảm 5% so với quý I, tỷ lệ lấp đầy cũng giảm xuống còn 85 – 90% do nhiều khách thuê trả mặt bằng, theo hãng dịch vụ bất động sản và đầu tư Colliers Việt Nam.

Hãng tuyển dụng và tính lương Adecco trong báo cáo mới đây xác nhận tuyển dụng lĩnh vực bán lẻ sụt giảm "đáng kể" do xu hướng thắt chặt chi tiêu. Trên sàn chứng khoán, tính trong nửa đầu năm, VN-Index đã tăng 11,2%, trong khi các cổ phiếu bán lẻ giảm 1,3%. Giá cổ phiếu trong ngành bán lẻ diễn biến kém tích cực hơn do lợi nhuận suy giảm.

Tuy nhiên, cùng với sự khởi sắc trên kênh online, sức mua nói chung được cho là đã chạm đáy và nhích dần. Công ty chứng khoán SSI dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ sẽ tích cực trở lại từ quý IV nhờ một số yếu tố như đẩy mạnh giải ngân các khoản vay tiêu dùng, điều kiện vĩ mô cải thiện với đơn hàng xuất khẩu phục hồi sẽ giúp thúc đẩy tiêu dùng từ cuối năm.

Báo cáo của công ty chứng khoán Guotai Junan Việt Nam cho rằng thị trường bán lẻ tiếp tục khó khăn nhưng sẽ có sự hồi phục so với 2 quý đầu năm. Trong đó, các chuỗi đồ công nghệ có thể cải thiện kết quả kinh doanh khi mùa tựu trường đang đến và đợt ra mắt các dòng điện thoại mới từ Apple, Samsung.

Người dân mua hàng tại một siêu thị ở TP HCM vào chiều 18/6. Ảnh: Thanh Tùng

Người dân mua hàng tại một siêu thị ở TP HCM vào chiều 18/6. Ảnh: Thanh Tùng

Một số đơn vị đã chủ động để đón đầu sự hồi phục, sau thời gian không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ rút lui do khó tiếp cận nguồn tín dụng để duy trì và mở rộng kinh doanh trong lúc buôn bán ế ẩm nửa năm qua.

Bà Đỗ Thị Xuân Trang, Trưởng phòng Dịch vụ Bán lẻ, Colliers Việt Nam cho hay các doanh nghiệp có nguồn tài chính mạnh đang tranh thủ thời điểm này để tiếp tục mở rộng thị phần. Ví dụ, Sơn Kim Retail vừa hợp tác IFC để mở rộng hệ thống cửa hàng tiện lợi GS25. Nova F&B, với nhiều thương hiệu ẩm thực nội địa lẫn quốc tế, đã được nhà đầu tư Singapore mua lại và vận hành bởi IN Hospitality.

Tại TP HCM, giá thuê và tỷ lệ lấp đầy trung bình của các trung tâm thương mại không thay đổi đáng kể trong quý vừa qua, cho thấy quyết tâm bám trụ hoặc sẵn sàng có nhà bán lẻ mới vào thế chân. Thị trường này gần đây còn ghi nhận một số thương hiệu mỹ phẩm và thời trang quốc tế mới gia nhập, hầu hết ở trung tâm.

Cùng với mặt bằng trực tiếp, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cũng đang bắt kịp xu hướng thương mại điện tử lên ngôi và đẩy nhanh doanh số kênh online dù tỷ trọng doanh thu qua kênh này chưa lớn, theo Guotai Junan Việt Nam.

Trong tháng 6, nhóm gian hàng chính hãng của ngành điện thoại di động tăng GMV đến 89% so với tháng 5. Tăng trưởng lớn nhất đến từ các gian hàng phân phối của Apple, Samsung, OPPO trên Shopee Mall và LazMall, theo YouNet ECI.

Tương tự, nhóm gian hàng chính hãng của ngành dưỡng thể tăng 25%. Trong đó, 3 gian hàng Shopee Mall của Unilever, NIVEA và Paula's Choice lần lượt đứng top các gian hàng sản phẩm dưỡng thể có doanh thu cao nhất tháng.

"Từ cuối 2022, chúng tôi bắt đầu quan sát thấy xu hướng các thương hiệu mở gian hàng kinh doanh chính hãng trên sàn thương mại điện tử", ông Lâm của YouNet ECI nói.

Adecco cũng dự báo nửa cuối năm nay, các nhà bán lẻ sẽ tập trung vào tối ưu hóa kênh hiện diện trực tuyến. Do sự chuyển đổi trong xu hướng mua hàng của người tiêu dùng nên tuyển dụng nhân sự tại cửa hàng trực tiếp vẫn thấp. Trong khi đó, các vị trí liên quan đến truyền thông số, tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO), tiếp thị qua công cụ tìm kiếm (SEM), truyền thông mạng xã hội, sáng tạo nội dung và phân tích dữ liệu lại được ưu tiên quan tâm.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm