Bất động sản

Sửa đổi Luật Đất đai phải chú ý đến công tác giải phóng mặt bằng

Là một trong những đô thị đang phát triển của khu vực Tây Bắc, tại tỉnh Điện Biên hiện đang triển khai nhiều dự án xây dựng lớn liên quan đến việc phải thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên thời gian qua vấn đề giải phóng mặt bằng luôn là khâu khó khăn trong việc triển khai nhiều dự án, trong đó có cả những dự án trọng điểm. Do đó, góp ý vào Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều ý kiến trên địa bàn tham gia về công tác giải phóng mặt bằng nhằm phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương khi áp dụng.

Ngay khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 170 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Luật sư Lê Đình Thu, Văn phòng Luật sư Công lý, Đoàn Luật sư tỉnh Điện Biên đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu dự thảo Luật và tham gia ý kiến.

Sửa đổi Luật Đất đai phải chú ý đến công tác giải phóng mặt bằng - Ảnh 1.

Dự án nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên Phủ chậm tiến độ do vướng mắc trong đền bù GPMB. Ảnh: VnEconomy

Theo đó, một trong những vấn đề được ông đặc biệt quan tâm là vấn đề giải phóng mặt bằng. Theo Luật sư Lê Đình Thu, nên sửa Điểm b, Khoản 2, Điều 85 của văn bản dự thảo. Bởi nếu theo dự thảo thì hiện nay, UBND cấp xã chỉ có trách nhiệm phối hợp, còn người chủ trì phải chịu trách nhiệm là các cơ quan, tổ chức làm nhiệm vụ giải phóng mặt bằng. Do đó khi áp dụng vào thực tế ngay từ địa phương sẽ có nhiều điểm không hợp lý, từ đó dẫn đến tình trạng làm chậm công tác giải phóng mặt bằng.

“Người quản lý nhà nước về mặt đất đai ở cơ sở họ có thể nắm được mọi di biến động của đất đai tại địa bàn. Nhưng khi tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng họ lại không có thẩm quyền để xác nhận về nguồn gốc đất, người sử dụng đất. Từ đó sẽ dẫn đến không tạo được sự đồng thuận, gây cho người dân sự bất bình đẳng, làm chậm tiến độ giải phóng mặt bằng. Do đó đề nghị phải bổ sung thêm vào Điểm b, Khoản 2 một nội dung là về trách nhiệm của UBND cấp xã, trách nhiệm xác nhận nguồn gốc đất, loại đất, người bị thừa đất trước khi thực hiện việc đo đạc”, Luật sư Lê Đình Thu nêu ý kiến.

Cùng có ý kiến về công tác giải phóng mặt bằng trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bà Phạm Thị Sáu, Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Điện Biên tham gia về Khoản 2, Điều 72 về Thông báo thu hồi đất và chấp hành quyết định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia và công cộng. Từ đó nhằm để đảm bảo hơn nội dung của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được đầy đủ khi liên quan đến việc thông báo thu hồi đất và chấp hành thông báo thu hồi đất.

“Đề nghị bổ sung những nội dung khi thông báo thu hồi đất trước thời hạn, phải có văn bản xác nhận của người bị thu hồi đất. Việc này sẽ đảm bảo dự thảo văn bản đầy đủ, cũng như trong quá trình triển khai được thuận lợi. Bởi việc này liên quan trực tiếp đến người dân khi bị thu hồi đất, bồi thường và bố trí tái định cư”, bà Sáu nói.

Thời gian qua, tỉnh Điện Biên có nhiều dự án triển khai chậm tiến độ, thậm chí kéo dài nhiều năm so với kế hoạch đề ra, như Dự án đường 60m; Dự án hạ tầng kỹ thuật khung khu trụ sở cơ quan, khu công cộng, khu thương mại dịch vụ dọc trục đường 60m; Dự án nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên Phủ mà nguyên nhân phần chính là do chậm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, nhà thầu không có mặt bằng sạch để thi công dự án.

Từ thực tế đó, các góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của tỉnh Điện Biên đang đặc biệt hướng về vấn đề giải phóng mặt bằng, đảm bảo quyền lợi cho người bị thu hồi đất, rất cần được ghi nhận./.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm