2 năm sóng gió của Leflair
Leflair được thành lập vào năm 2015 và là một trong những startup thương mại điện tử triển vọng nhất Việt Nam. Sứ mệnh của Leflair là đem đến các sản phẩm hàng hiệu quốc tế với mức giá ưu đãi tốt nhất cho người tiêu dùng Việt.
Nhờ vào sự gia tăng của tầng lớp trung lưu cùng mong muốn sở hữu hàng cao cấp tại thị trường nội địa, Leflair đã gặt hái được nhiều thành công nổi bật. Đây được xem là điểm đến quen thuộc của những tín đồ thời trang và làm đẹp Việt Nam cho đến giữa năm 2020.
Vào tháng 5/2020, đại dịch Covid-19 bùng phát đầu năm đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp – đặc biệt là giới SMEs, trong đó có Leflair.
Covid-19 như ‘giọt nước tràn ly’, khiến Leflair đã ra quyết định đệ đơn xin phá sản. Đồng thời, nhà sáng lập kiêm CEO Loïc Gautier cũng bay trở lại Pháp. Vài tháng sau, cảnh sát Việt Nam đã triệu tập Loïc trở về Việt Nam để giải quyết khiếu nại từ các chủ nợ chưa thanh toán.
Founder Leflair và CMO của SoPa.
"Tôi đã không rời khỏi đất nước Việt Nam vì những cáo buộc này. Tôi về Pháp là để được ở gần hơn với những người quan trọng đối với tôi. Sau đó, tôi không thể quay lại Việt Nam vì biên giới đã bị đóng", Loïc chia sẻ trong hội thảo trực tuyến do Vietcetera tổ chức vào tháng 8/2020. Cũng như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam cần phải đóng cửa biên giới để siết chặt kiểm soát phòng chống dịch.
Sau một năm đầy biến động, Leflair đã có sự trở lại đầy bất ngờ vào tháng 9/2021 sau khi được mua lại bởi công ty công nghệ Society Pass (SoPa).
Ray Liang, COO của Society Pass cho biết: "Chúng tôi đã mua lại quyền sở hữu thương hiệu Leflair dựa trên những giá trị cốt lõi mà công ty đã xây dựng tại Việt Nam trong suốt 5 năm qua và sẽ tiếp tục thực hiện những giá trị này trong tương lai".
Leflair dưới triều đại SoPa
Chia sẻ trong tập cuối của Vietnam Innovators mùa 2 của Vietecera, Loïc Gautier cho biết: Kể từ thời điểm Leflair ngừng hoạt động vào tháng 2/2020, Loïc, nhà đồng sáng lập Pierre-Antoine Brun và những thành viên còn lại trong đội ngũ đã trải qua những tháng dài tăm tối.
Khi một doanh nghiệp nộp đơn xin phá sản, họ thường mong đợi rằng các chính quyền cấp cao sẽ thể hiện sự thông cảm và có những hỗ trợ để đảm bảo quá trình diễn ra suôn sẻ hơn, để phần nào giảm bớt gánh nặng trên vai doanh nghiệp. "Chúng tôi đang ứng phó với một hệ thống không dễ dàng trong việc giúp các công ty với ngân sách cạn kiệt có thể vượt qua thời kỳ khó khăn", Loïc bộc bạch
Các thành viên đã kiên trì hoạt động Leflair và đến cuối năm 2020, Loïc đã có một số cuộc thảo luận với Society Pass cũng như những người quan tâm đến việc mua lại một số tài sản của doanh nghiệp mình.
"Khi bạn vượt qua giai đoạn khó khăn, mọi người sẽ nhìn thấy cơ hội trong việc sở hữu một phần công ty mà bạn đã từng thành công. Bán Leflair cho SoPa là kết quả tốt nhất có thể cho tất cả các bên liên quan", founder này khẳng định, Nên thay vì bị gỡ bỏ hoàn toàn hoặc bị xóa sổ trên thương trường, đề nghị của SoPa cho phép Leflair được tái thiết và tận dụng toàn bộ tài sản của Leflair để tạo ra giá trị một lần nữa.
Society Pass được ra mắt trên sàn Nasdaq (Mỹ) vào tháng 11/2021, là công ty tập trung vào việc mua lại, xây dựng hệ sinh thái gồm các công ty công nghệ trong ngành dọc Thời trang, Làm đẹp, Du lịch và Ăn uống.
SoPa lên sàn Nasdaq (Mỹ) vào tháng 11/2021.
Theo đó, Leflair và tất cả các công ty khác trong khu vực trực thuộc SoPa hiện có thể tiếp cận một lượng vốn lớn thông qua thị trường chứng khoán Mỹ. Loïc giải thích: "Chúng tôi cần tận dụng thực tế rằng, chúng tôi hiện là một công ty niêm yết tại Mỹ và tích hợp những công ty có thể không có cơ hội exit thành công hoặc kết nối với các VCs".
Doanh nhân người Pháp cho rằng: Nếu bạn là một nhà sáng lập Việt Nam hoặc Đông Nam Á, cơ hội để exit thành công hoặc có con đường quay trở lại cho các cổ đông hoặc nhân viên lâu năm khi công ty gặp vấn đề là rất mong manh
Còn SoPa, họ tạo ra được giá trị cho các công ty tương lai mà SoPa sẽ tích hợp vào hệ sinh thái của mình. Như thế, các startup như Leflair có cơ hội tham gia vào hệ sinh thái phong phú; ngược lại, SoPa sẽ giảm chi phí mua lại và có được khách hàng mới. Điều này cũng tạo ra giá trị cho những khách hàng hiện tại của các startup nhờ các lợi thế lớn hơn.
Bài học kinh nghiệm từ quá khứ và quyết định quay về Leflair của Loïc
"Hiện tại tôi là một doanh nhân và một con người rất khác so với hai năm trước," Loïc bày tỏ. Sau tuyên bố phá sản của Leflair, phải mất gần một năm để Leflair tìm ra lối thoát và được SoPa mua lại. Song dù khó khăn cách mấy, thì anh chưa từng nghĩ đến việc trốn chạy hoặc từ bỏ đứa con mình đã ‘rứt ruột đẻ ra’ là Leflair.
Diện mạo mới của Leflair.
Đối mặt với bất trắc, Loïc vẫn kiên cường, thực hiện các động thái được tính toán thận trọng và kỹ lưỡng khi xác định những bước tiếp theo dành cho Leflair.
"Nếu tôi không đặt mình vào vị trí đúng khi tiếp xúc với SoPa thì kết quả này đã có thể không bao giờ có thể xảy ra.Theo tôi, đừng gắn bó tình cảm với một công ty đã từng tuyệt vời, thay vào đó hãy tập trung vào những gì có thể đem điều tuyệt vời ấy quay trở lại", Loïc cho hay.
Vậy nên, những tưởng, sau khi bán Leflair cho SoPa, anh sẽ ‘dứt tình’ cùng startup của mình; nhưng không, anh đã trở thành Giám đốc tiếp thị (CMO) của SoPa, lần nữa sát cánh cùng các nhân tài khác đưa Leflair quay trở lại thời hoàng kim.
Bài học mà anh đã học được sau ‘cú ngã’ Leflair: Rõ ràng câu "thần chú" trước đây mà anh tâm niệm "được ăn cả, ngã về không" không phải lúc nào cũng đem lại những kết quả như ý. "Sự kiên nhẫn và cân bằng luôn chứa đựng những giá trị nhất định. Sự trưởng thành không làm bạn thất vọng," Loïc đúc rút.
Giờ đây, với tất cả những gì được đúc kết từ chính kinh nghiệm của mình, anh tin rằng: việc tìm kiếm sự cân bằng phù hợp trong kinh doanh mới có thể giúp doanh nhân và công việc của họ tiến xa hơn. Còn việc anh chấp nhận lời đề nghị của SoPa là quyết định đúng đắn nhất, hứa hẹn đem lại một tương lai phát triển lâu dài và bền vững cho Leflair.