Theo CoinDesk, Bitcoin đã mất 8,7% giá trị trong năm nay và Ether cũng giảm 14%. Các công ty tiền số niêm yết cũng chịu ảnh hưởng, cổ phiếu Coinbase giảm 12% từ đầu năm đến nay, Marathon Digital Holdings rớt 21% và Riot Blockchain cũng giảm 16%.
Trong khi đó, cổ phiếu MicroStrategy - công ty sản xuất phần mềm kinh doanh nhưng đã đầu tư hàng tỷ USD vào Bitcoin và CEO công ty là Michael Saylor cũng rất ủng hộ đồng tiền này, mất 16%.
Cổ phiếu các công ty liên quan đến tiền số đều sụt giảm từ khi Bitcoin đạt đỉnh.
Một trong những "nạn nhân" bị ảnh hưởng nhiều nhất khi thị trường tiền số bị bán tháo chính là quỹ Grayscale Bitcoin Trust (GBTC). Quỹ đầu tư Bitcoin trị giá 27 tỷ USD đã giảm gần 17% từ đầu năm đến nay, tồi tệ hơn cả mức giảm gần 9% của Bitcoin. Theo đó, đóng cửa phiên 19/1, GBTC đã thấp hơn 26,5% so với giá trị Bitcoin mà quỹ nắm giữ - còn được gọi là tỷ lệ chiết khấu, đạt mức cao chưa từng thấy.
GBTC đã gặp "lực cản" trong nhiều tháng qua. Quỹ tín thác này không cho phép nhà đầu tư mua lại cổ phiếu như quỹ ETF, có nghĩa là nguồn cung không được tạo ra và sụt giảm khi nhu cầu thay đổi. Kết quả là, giá trị của quỹ càng giảm sâu khi nhà đầu tư ồ ạt tháo chạy khỏi tiền số, càng khiến đà lao dốc thêm trầm trọng.
Theo dữ liệu từ Glassnode, khoản lỗ thực của nhà đầu tư nắm giữ Bitcoin vẫn còn tăng và có xu hướng cao hơn. Trung bình, nhà đầu tư Bitcoin mất khoảng 750 triệu USD/ngày, tương tự như khi đồng tiền này chạm mức thấp vào tháng 5-7/2021.
Hôm 19/1, Bitcoin tăng 1,7% lên 42.407 USD. Hầu hết các nhà quan sát cho rằng 40.000 USD là một ngưỡng quan trọng đối với "phe con bò" và họ dự đoán Bitcoin đạt đến phạm vi này sẽ chứng kiến sự hỗn loạn đáng kể trong giao dịch. Nhà phân tích Naeem Aslam của AvaTrade cho hay: "Diễn biến giá của Bitcoin vẫn có khả năng biến động mạnh do Fed có động thái ‘diều hâu’ hơn."
Trong 2 năm qua, Bitcoin đã ghi nhận đà tăng ấn tượng và toàn bộ thị trường tiền số chủ yếu cũng ở trong xu hướng này. Nhà đầu tư truyền thống cũng tham gia vào thị trường tiền số. Dù nhiều người ủng hộ gọi đây là "dòng tiền tổ chức" diễn ra trong nhiều năm, thì đà tăng cuối cùng lại trở thành một con dao 2 lưỡi.
Các nhà phân tích của IMF cho biết, yếu tố tâm lý ngày càng lớn trên thị trường truyền thống và tiền số có thể ảnh hưởng đến thị trường khác. Họ cho hay: "Giá Bitcoin giảm mạnh có thể làm tăng tâm lý sợ rủi ro của nhà đầu tư và dẫn đến việc giảm đầu tư vào TTCK."
Trong 2 tuần đầu tiên của năm mới, thị trường tiền số cũng sụt giảm song song với TTCK Mỹ. Cả 2 đều chật vật trong cùng 1 diễn biến: nhà đầu tư bán tháo các loại tài sản rủi ro khi Fed lên kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ vào cuối năm nay. Xu hướng của Bitcoin trong năm nay gần như tương tự với Nasdaq Composite - hiện thấp hơn 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kể từ khi vốn hóa đạt 2,97 nghìn tỷ USD vào tháng 11, toàn bộ giá trị của thị trường tiền số đã giảm 34% xuống còn 1,97 nghìn tỷ USD, theo CoinMarketCap.
Diễn biến của Nasdaq Composite và Bitcoin từ đầu năm đến nay.
Một dấu hiệu cho thấy thị trường tiền số đang ở tình trạng ảm đạm là nhà đầu tư không mấy mặn mà với một thông báo từng được cho là rất đáng tin cậy: Elon Musk mới đây thông báo một số mặt hàng của Tesla có thể mua bằng Dogecoin. Dogecoin tăng khoảng 10% trong 2 phút sau dòng tweet của Musk nhưng buổi chiều đã trở lại mức trước đó.
Nhìn chung, những đợt bán tháo mạnh vẫn là một đặc điểm của thị trường tiền số. Bitcoin giảm khoảng 39% so với mức đỉnh 68.990 USD đạt được hôm 10/11. Mức giảm này có thể khiến TTCK sụp đổ nhưng với Bitcoin đây vẫn chưa phải con số lớn nhất trong 12 tháng qua. Từ tháng 4 đến tháng 7 năm ngoái, giá của đồng tiền này đã giảm 52%.
Song, tiền số vẫn rơi vào thị trường "con gấu". Bất chấp xu hướng này, nhóm nhà đầu cơ giá lên vẫn cho rằng thị trường tiền số đã sẵn sàng cho sự thay đổi. Lucas Outumuro - trưởng bộ phận nghiên cứu của IntoTheBlock, cho biết: "Sự kết hợp giữa hy vọng và đau khổ đang khiến thị trường tiền số chia rẽ về những gì có thể xảy ra tiếp theo."
Tổng hợp