Kết thúc phiên giao dịch 3/3, VN-Index tăng 19,48 điểm (1,31%) lên 1.505 điểm. HNX-Index tăng 7,06 điểm (1,6%) lên 449,31 điểm. UPCoM-Index tăng 1,39 điểm (1,24%) lên 113,19 điểm.
VN-Index tăng 19,48 điểm (1,31%) lên 1.505 điểm.
Giao dịch trong phiên chiều diễn ra bùng nổ, thanh khoản thị trường tăng vọt. Tổng giá trị khớp lệnh trên toàn thị trường đạt 35.000 tỷ đồng.
Sau khi quay đầu hạ nhiệt vào cuối phiên sáng, lực cầu tập trung vào nhóm bluechips trong suốt phiên chiều đã kéo VN-Index bật tăng trở lại. Điều bất ngờ tiếp tục đến trong phiên ATC khi nhóm bank đồng loạt được kéo mạnh, qua đó giúp VN-Index đóng cửa ở mức cao nhất phiên, dừng chân tại mốc 1.505 điểm. Nhiều mã tăng điểm mạnh về cuối phiên như MBB, ACB, CTG, VIB, TCB, VPB…giúp thị trường củng cố đà tăng.
Nhóm cổ phiếu logistic cũng có phiên bùng nổ với loạt mã tăng trần như DXP, GMD, HAH, MHC, VIP, VSC, VOS…
Nhóm hàng hóa (Thép, hóa chất, phân bón, than) bứt phá mạnh với kỳ vọng được hưởng lợi từ xu hướng tăng giá phi mã của hàng hóa thế giới. Nhiều cổ phiếu trong đó tăng trần như HPG, DGC, cùng các cổ phiếu than.
Chốt phiên HPG tăng 3.200 đồng/cổ phiếu lên mốc 50.100 đồng/cổ phiếu.
Trong đó, cổ phiếu HPG hôm nay là tâm điểm của thị trường khi tím trần với mức tăng hơn 6,8% cùng thanh khoản bùng nổ. Dù lực cung giá cao được đẩy lên liên tiếp nhưng đến cuối cùng mã này vẫn trụ vững và giữ nguyên sắc tím trần khi đóng cửa. Thanh khoản bùng nổ và đứng đầu toàn thị trường với hơn 76 triệu đơn vị được khớp lệnh. Tổng giá trị giao dịch đạt trên 3.900 tỷ đồng.
Chốt phiên HPG tăng 3.200 đồng/cổ phiếu lên mốc 50.100 đồng/cổ phiếu. Điều đáng nói đến cuối phiên vẫn còn dư mua gần 539 nghìn cổ phiếu trong khi không hề có dư bán.
Đà tăng liên tiếp dần đây đưa mức tăng tính chung qua 1 tháng của HPG lên tới hơn 18,7% giá trị.
Tài sản của ông chủ Hoà Phát - tỷ phú Trần Đình Long đã tăng thêm hơn 3.700 tỷ đồng chỉ trong hôm nay.
Với mức tăng đáng kể này, tài sản của ông chủ Hoà Phát - tỷ phú Trần Đình Long đã tăng thêm hơn 3.700 tỷ đồng chỉ trong hôm nay. Mức tăng tính từ đầu tháng 2 trở lại đây lên tới hơn 9.200 tỷ đồng.
Có thể nói, gượng dậy sau khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, doanh nghiệp trở lại sản xuất, các nền kinh tế bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi với những gói kích thích. Trong giai đoạn này, nhu cầu tiêu thụ thép tăng trưởng mạnh, trong khi nguồn cung thép trên thế giới vẫn thiếu hụt.
Ở mảng thép xây dựng, Tập đoàn Hòa Phát vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu với thị phần tăng lên mức 32.6% trong năm 2021. Bên cạnh đó, Hòa Phát cũng sản xuất thép HRC với sản lượng lên tới 2.6 triệu tấn, đóng góp 28% tổng sản lượng năm 2021.
Gần 34,500 tỷ đồng là khoản lãi ròng kỷ lục mà “Vua thép” Việt Nam mang về cho cổ đông trong năm 2021, tức tăng 156% so với cùng kỳ.
Các doanh nghiệp khác trong ngành thép cũng chứng kiến lãi ròng tăng trưởng vượt bậc. Hãng thép Pomina ghi lãi ròng cao gấp 13 lần so với cùng kỳ trong khi Thép Tiến Lên mang về khoản lãi gấp gần 6 lần năm trước.