Trong hầu hết các kết quả tìm kiếm trên Google liên quan đến từ khóa "kỹ năng thuyết trình", đa số các bài viết tập trung vào những yếu tố như ngôn ngữ cơ thể, tốc độ nói, không học thuộc lòng hay vượt qua nỗi sợ hãi đứng trên sân khấu… Nhưng liệu đó có phải là tất cả để có một bài thuyết trình hoàn hảo?
Kỹ năng thuyết trình là một trong những kỹ năng quan trọng hàng đầu trong gần như mọi lĩnh vực. Từ doanh nhân, sinh viên hay kỹ sư trong các ngành nghề khác nhau đều phải sử dụng thành thạo kỹ năng thuyết trình của mình mỗi ngày. Có thể nói, thuyết trình là một trong những kỹ năng thời đại tiếp theo sau Tiếng Anh mà mọi người buộc phải rèn luyện. Theo Forbes, Warren Buffett đã từng thừa nhận rằng việc tham gia khóa học về phát biểu trước công chúng là một trong những khoản đầu tư mang lại lợi nhuận lớn nhất của cuộc đời ông. Thậm chí trong phòng làm việc của mình, Warren Buffett còn trang trọng treo tấm bằng tốt nghiệp khóa học thuyết trình này thay vì các bằng cấp thạc sĩ hay tiến sĩ khác.
Tuy nhiên, không giống như mọi người thường hay nghĩ, kỹ năng thuyết trình không phải là việc thiết kế PowerPoint sao cho thật đẹp, hay cách luyện tập ngôn ngữ cơ thể (Body language) sao cho hoàn hảo nhất. Gần như các bài viết về kỹ năng thuyết trình hiện nay cũng chỉ đều tập trung vào những bộ kỹ năng sân khấu kể trên. Nhưng thực chất, vấn đề cốt lõi quan trọng của diễn thuyết - thuyết trình lại nằm ở giá trị nội tại hay nói cách khác là nội lực bên trong của mỗi diễn giả.
Giá trị nội tại của một diễn giả bao gồm ba cấu thành quan trọng là Kiến thức chuyên môn, Sự say mê, và Lòng thấu cảm.
Một diễn giả giỏi không chỉ biết cách nói, mà còn phải có kiến thức và hiểu biết sâu rộng về những điều mình trình bày.
Không phải ngẫu nhiên khi các chương trình diễn thuyết nổi tiếng hàng đầu thế giới như TED Talks, Talks at Google, 99U, hay Big Think lại toàn những chuyên gia xuất chúng trong lĩnh vực của họ. Kiến thức chuyên môn là thành tố tiên quyết giúp cho diễn giả tin vào điều mình nói, triển khai mạch lạc được vấn đề và giải đáp được các câu hỏi của khán giả. Nếu một diễn giả không có kiến thức chuyên môn, họ vẫn có thể có một bài thuyết trình hay, nhưng chắc chắn họ không hoàn toàn tin vào điều mình nói và có thể gặp rất nhiều rắc rối khi bị chất vấn ở phần giao lưu.
Jamie Oliver là một đầu bếp nổi tiếng với bài diễn thuyết Teach every child about food - chia sẻ tầm quan trọng của việc giáo dục trẻ em về thực phẩm. Ông đã mang đến những câu chuyện cùng thông điệp mạnh mẽ qua dự án chống béo phì ở Huntington, một thị trấn có tỷ lệ béo phì cao nhất nước Mỹ.
Amy Cuddy là nhà tâm lý học xã hội, được biết đến với bài nói Your body language shapes who you are, liên quan đến ngôn ngữ cơ thể và việc "tạo dáng quyền lực" để mang lại sự tự tin ngay cả khi chúng ta không hề cảm thấy tự tin. Bí quyết này có thể ảnh hưởng đến lượng Testosterone và Cortisol trong não, thậm chí có thể ảnh hưởng đến khả năng thành công của chúng ta trong tương lai.
Hay như nhà Ngư học người Mỹ và là Giáo sư về Ngư học - Tiến hóa, Prosanta Chakrabarty, nổi tiếng với bài tóm tắt Bốn tỷ năm tiến hóa chỉ trong vòng sáu phút.
Để đạt được những thành công này, họ đều phải có sự hiểu biết sâu rộng và nắm vững chuyên môn của mình trước khi trở thành một diễn giả tài năng. Vì vậy việc nghiên cứu chắc chắn các kiến thức về lĩnh vực mà mình trình bày là điều tối quan trọng hàng đầu để tạo nên một bài thuyết trình, diễn thuyết thành công.
Nhưng kiến thức không phải là tất cả, sự say mê cũng góp phần không nhỏ tạo nên giá trị nội tại của người nói.
Sự say mê này là một tình cảm mãnh liệt, bền vững, chiếm ưu thế so với các thôi thúc khác của con người, dẫn đến sự tập trung mọi ham muốn và sức lực của họ vào đối tượng mà mình say mê. Chúng ta chỉ mất vài chục phút để nghe bài thuyết trình huyền thoại của Steve Jobs khi ra mắt iPhone, nhưng Steve Jobs đã mất nhiều năm trời để nói về sản phẩm của mình với tất cả nhân viên và người thân bằng sự say mê vô hạn.
Những diễn giả hàng đầu luôn nghĩ về vấn đề mà họ muốn truyền tải trong đầu, ở mọi nơi, mọi lúc, trên ô tô hay kể cả khi đi tắm. Martin Luther King đã dành cả đời mình để đấu tranh chống nạn phân biệt chủng tộc. Vì vậy bài thuyết trình mà người Mỹ nào cũng biết - I have a dream (Tôi có một giấc mơ) gần như là giấc mơ thường trực đã xuất hiện cả đời trong đầu của Martin.
Hay như Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từng câu từ ngắn gọn nhưng là cả một hành trình dài dành trọn cả cuộc đời của Bác để tìm kiếm con đường giải phóng dân tộc.
Sự say mê được biểu hiện thông qua việc muốn nói về điều đó ở mọi lúc, mọi nơi, kể cả khi không ở trên sân khấu và muốn truyền đạt, lan tỏa nó đến tất cả mọi người.
Bên cạnh đó, thành tố thứ ba là lòng thấu cảm cũng góp phần quan trọng không kém trong việc xây dựng giá trị nội tại cho diễn giả, thậm chí còn là tiền đề của nhiều kỹ năng sân khấu khác.
Thấu cảm là sự hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn một ai đó, hiểu được những suy nghĩ của họ, cảm được những cảm xúc của họ và tất cả xảy ra mà không có sự phán xét. Chính vì vậy mà thấu cảm cũng là thành tố quan trọng giúp diễn giả biết được điều mà khán giả muốn nghe, hiểu được cách tiếp cận của khán giả, từ đó có được sự truyền đạt tốt nhất, cung cấp thông tin trực diện nhất mà không lòng vòng, khó hiểu.
Để rèn luyện được thấu cảm không phải dễ, điều này đòi hỏi trí thông minh cảm xúc (EQ) cao và sự tinh tế trong cảm nhận. Chính vì thế mà các lãnh đạo trên thế giới khi sang bất kỳ một quốc gia nào, họ đều tự mình tìm hiểu rất kỹ văn hóa quốc gia đó và học thuộc những câu chào bằng tiếng nước sở tại để tạo sự kết nối với người dân khi có bài phát biểu trước công chúng tại nơi mình tới. Dễ thấy nhất là bài giao lưu của Tổng thống Mỹ Barack Obama trước người dân Việt Nam năm 2016.
Sự thấu cảm này còn thể hiện rất rõ khi các diễn giả phát biểu trước các khán giả là "khách hàng mục tiêu" của mình. Donald Trump nổi tiếng với bài diễn thuyết có giá 1,5 triệu USD/tiếng vì người ta chấp nhận bỏ ra từ 100 - 500 USD cho một vé tới nghe ông nói, để có thể thỏa mãn trí tò mò về một tỷ phú trong lĩnh vực bất động sản, casino, thể thao, giải trí và được cung cấp nhiều lời khuyên để làm giàu một cách nhanh gọn và trực tiếp nhất.
Hay như bài diễn văn Gettysburg của Tổng thống Abraham Lincoln sau gần 160 năm vẫn mãi đi vào lòng người vì đó là tiếng nói từ trái tim, trở thành một trong những bài diễn thuyết hay nhất mọi thời đại.
Tất cả những thành công đó đều nhờ vào khả năng thấu cảm khán giả cực cao, hiểu khán giả của mình và biết họ muốn nghe gì, hấp thụ kiến thức, giá trị như thế nào, kích thích họ hành động ra sao.
Bất kỳ một diễn giả tài năng nào đều có đủ ba cấu thành năng lực này trước khi rèn luyện thêm các kỹ năng sân khấu khác. Nhiều "nhà diễn giả tài năng tương lai" thường bộc lộ đủ ba yếu tố trên và truyền đạt chúng say mê trong những nhóm nhỏ hay bất kỳ ai mà họ gặp, mặc dù họ có thể sẽ khá lúng túng khi trình bày ở sân khấu lớn do chưa được rèn luyện.
Các kỹ năng sân khấu phổ biến mà chúng ta hay nghe như mở đầu ấn tượng, kết thúc tạo điểm nhấn hay ngôn ngữ cơ thể, nhịp điệu, tông giọng, tập trung vào ý chính… sẽ tạo thêm tiếng vang và ấn tượng cho một bài thuyết trình. Nhưng đó là những kỹ năng rất đơn giản mà bất kỳ ai cũng có thể học tập và rèn luyện trong một thời gian ngắn. Quan trọng hơn hết vẫn là các giá trị nội tại bên trong diễn giả mà họ đã âm thầm rèn luyện trong suốt quãng thời gian dài.
Nói ngắn gọn thì một diễn giả giỏi cần quá trình rèn luyện nội lực liên tục trong nhiều năm, chứ không phải chỉ cần sử dụng thành thục những kỹ năng sân khấu. Mà trong đó, nội lực là ba thành tố bao gồm kiến thức chuyên môn, sự say mê và lòng thấu cảm. Còn kỹ năng sân khấu là các kỹ năng như ngôn ngữ cơ thể, giao tiếp bằng mắt, tốc độ nói, mở đầu ấn tượng,…
Những diễn giả xuất sắc như Steve Jobs, Brian Tracy, Lê Thẩm Dương, Giản Tư Trung, William McRaven… hơn ai hết đều là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực của họ, say mê với công việc của mình và có lòng thấu cảm cực cao. Vì vậy, trước khi luyện tập các kỹ năng khác cho thuyết trình như sự tự tin, sắp xếp câu từ, phương pháp rèn hơi thở… thì ba thành tố trên là điều tiên quyết quan trọng và là ưu tiên hàng đầu cho mỗi người. Xây dựng tốt ba giá trị cốt lõi này không chỉ giúp chúng ta có nội dung trình bày hoàn hảo mà còn góp phần phát triển các kỹ năng khác cũng như phát triển giá trị nội tại của bản thân.