Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán SSI (SSI Research) nhận định trong tháng 11 khối ngoại có tháng bán ròng gần như xuyên suốt tại TTCK Việt Nam và có dấu hiệu quay lại mua ròng trong tuần cuối tháng khi tỷ giá trong nước hạ nhiệt.
Giá trị bán ròng của khối ngoại tăng lên gần 12.000 tỷ đồng trong tháng 11. Tỷ trọng giao dịch của khối ngoại tăng lên ngưỡng 13,92% vào cuối tháng 11, cao nhất kể từ tháng 4/2023. Điều này tương đồng với diễn biến dòng vốn toàn cầu với xu hướng vào ròng quỹ cổ phiếu tiếp diễn mạnh mẽ nhưng chủ yếu tập trung ở TTCK Mỹ và dòng vốn vào thị trường đang phát triển (EM) đảo chiều rút ròng.
Về TTCK Việt Nam những ngày đầu tháng 12, SSI nhận định thị trường đã lấy lại cân bằng với sự cải thiện trở lại của nhiều cổ phiếu trong rổ VN30, trong đó có nhóm Tài chính (Ngân hàng và Chứng khoán); bên cạnh các nhóm Cảng & Logictics, Dệt may, Thủy sản và Bất động sản vẫn đang duy trì động lực tăng giá tốt.
Đội ngũ phân tích nhận định có một số yếu tố đang thu hút sự chú ý của thị trường.
Thứ nhất, tăng trưởng GDP Quý 4 được kỳ vọng duy trì tích cực. Một số ngành như Đầu tư công dự kiến tăng tốc không chỉ vào quý 4 mà tiếp tục trong năm 2025; XNK kỳ vọng sẽ duy trì khả quan trước khi các chính sách thuế quan mới của Mỹ được đưa ra.
Thứ hai, kế hoạch hành động của Chính phủ cho năm 2025 với các cải cách và giải pháp tăng trưởng kinh tế mang tính đột phá đang được chờ đợi.
Thứ ba, mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi vẫn được đẩy mạnh. Tuy còn một số vướng mắc trong vận hành, FTSE đã có đánh giá khả quan về việc đưa sản phẩm NPS vào thực tế. Dự kiến, FTSE sẽ có cuộc họp đánh giá triển vọng nâng hạng của Việt Nam vào tháng 1/2025.
"Kết quả khả quan sau 1 tháng triển khai sản phẩm NPS và các đánh giá tích cực của FTSE Russell đối với sản phẩm này sẽ là yếu tố có thể thu hút dòng tiền khối ngoại quay trở lại Việt Nam trong năm 2025 khi dòng tiền chuyển dịch tìm tới thị trường đang phát triển", SSI đánh giá.
Sau một tháng điều chỉnh, nhóm phân tích cho rằng lợi thế sẽ thuộc về các nhóm ngành đang ở vùng định giá thấp và có các yếu tố hỗ trợ ngắn hạn như Ngân hàng, Chứng khoán, Xuất khẩu (Dệt may, Thủy sản), Bất động sản . Tận dụng biến động giảm để tích lũy cổ phiếu đầu ngành các nhóm này, NĐT cần đa dạng hóa danh mục và chủ động bảo vệ lợi nhuận khi đạt kỳ vọng.
Dù vậy, về các chỉ báo kỹ thuật, RSI duy trì trạng thái trung tính từ 45-55, cho thấy động lực tăng hoặc giảm mạnh đều chưa rõ ràng. ADX dưới ngưỡng 20, phản ánh thị trường vẫn trong trạng thái tích lũy, chưa hình thành xu hướng mạnh mẽ. Thị trường được kỳ vọng tiếp tục trạng thái tích lũy trong tháng 12, với ngưỡng hỗ trợ 1.230 và ngưỡng cản cần thử thách 1.295.
Rủi ro cho nhịp phục hồi đến từ biến động tỷ giá quay lại, rủi ro khó đoán định từ các thông điệp chính sách thương mại của Tổng thống đắc cử Donald Trump.