Trong cuốn The Nvidia Way xuất bản cuối tuần trước, nhà báo công nghệ kỳ cựu Tae Kim mô tả hành trình Nvidia phát triển trong 30 năm qua là "không tưởng", khi phải đương đầu trong một lĩnh vực đông đúc và khốc liệt như công nghệ. "Nvidia thành công vì họ phát triển một văn hóa độc đáo về sự xuất sắc mà ông gọi là The Nvidia Way (Phong cách Nvidia)", ông Kim mở đầu cuốn sách.
Theo mô tả của nhân viên Nvidia trong sách, CEO Jensen Huang là nhà lãnh đạo "rất thuyết phục và làm việc cực kỳ chăm chỉ". Trong văn hóa The Nvidia Way, đầu tiên là tuyển dụng người giỏi nhất. Theo ông Huang, nếu phân vân, hãy chọn tài năng thô thay vì kinh nghiệm. Khi làm việc, nên thưởng cho hiệu suất và trả lương cao cho những người giỏi. Tuy nhiên, họ cũng được yêu cầu phải thực sự xuất sắc và trách nhiệm mọi lúc.
Sau khi nhen nhóm ý tưởng về một công ty sản xuất chip đồ họa, Huang đã tìm được một số người đồng hành với mình. Ông thuyết phục Curtis Priem, người đã học lập trình máy tính từ thời trung học, và Chris Malachowsky, người ban đầu muốn trở thành bác sĩ nhưng sau đó thích làm việc tại Thung lũng Silicon.
"Qua vô số lần uống cà phê, cả ba rủ nhau bỏ công việc đang có và bắt đầu với một công ty khởi nghiệp mới. Từ ngày đầu, Huang là CEO", theo nội dung cuốn sách.
Năm 1993, Nvidia ra đời trong bối cảnh nhu cầu về chip đồ họa, cung cấp sức mạnh cho trò chơi điện tử, đang bùng nổ. Tuy nhiên, dù điều kiện thị trường thuận lợi, mẫu đầu tiên là NV1 thất bại.
"Không ai ra cửa hàng mua dao đa năng Thụy Sĩ dịp cuối năm, bởi đó là thứ bạn sẽ nhận được vào dịp Giáng sinh", Huang nói về NV1 trong sách. "Khi còn trẻ, chúng tôi kém ở nhiều thứ. Nvidia có thể đã làm tốt hơn nếu bản thân tôi không có mặt trong năm năm đầu tiên".
Đến 1997, mẫu RIVA 128 ra đời và đã cứu công ty. Nvidia thậm chí kiếm được một khoản lợi nhuận nhỏ, nhưng thành công này không kéo dài. Nửa thập kỷ tiếp theo được mô tả với cụm từ "những chiến thắng vang dội và những thất bại lớn".
"Xây dựng một công ty là một kỹ năng mới", Huang thừa nhận.
Theo ông, Nvidia thường xuyên bị đặt vào thế yếu. Thiết kế và ra mắt một card đồ họa mất hơn một năm, nhưng đối tác mua chip thường làm mới sản phẩm của họ theo chu kỳ 6 tháng. "Chúng tôi quyết định phải tái cấu trúc bộ phận kỹ thuật để phù hợp với lộ trình mới", Huang cho hay.
Quyết định này sau đó thay đổi ngành công nghiệp chip, khi một công ty muốn tồn tại buộc phải theo kịp hoặc bị loại bỏ. CEO Nvidia gọi điều này là "di chuyển với tốc độ ánh sáng" để chiến thắng.
Vài năm sau, Nvidia bắt đầu đạt được bước tiến. Công ty IPO năm 1999 và giành được hợp đồng sản xuất chip cho Microsoft Xbox. Chip của Nvidia sau đó có mặt trên hầu hết sản phẩm khác, trong đó có các dòng máy của Apple.
Khi ngày càng thành công, Huang trở nên ám ảnh với The Innovator’s Dilemma (Thế lưỡng nan của Nhà cải tiến), một khái niệm do giáo sư Clayton Christensen đặt ra, mô tả các công ty lớn có thể thất bại khi đối mặt với những thay đổi của thị trường so với các công ty khởi nghiệp.
Nỗi sợ đó thúc đẩy Huang. "Thứ duy nhất tồn tại lâu hơn sản phẩm của chúng tôi là sushi", ông đùa. Ông thích bảng trắng có thể xóa được, vì "đại diện cho niềm tin rằng một ý tưởng thành công, dù tuyệt vời đến đâu, cuối cùng cũng bị xóa đi và được một ý tưởng mới thay thế".
Sản phẩm ghi dấu ấn đầu tiên của Nvidia là bộ xử lý mới với khái niệm chip đồ họa (GPU) năm 2003. GPU đã thay đổi nhận thức thị trường bằng cách đặt chip này ngang hàng với bộ xử lý trung tâm (CPU).
Ban đầu, Nvidia cũng không biết GPU linh hoạt đến mức nào. "Thực sự GPU hiện đại, và chúng tôi đã tình cờ phát hiện ra một số thứ", nhà khoa học Nvidia David Kirk nói trong cuốn sách.
Khi đó, nhóm nghiên cứu phát hiện khả năng tính toán của GPU không chỉ giới hạn ở sức mạnh đồ họa cho máy tính, mà còn có thể xử lý những vấn đề phức tạp hơn, như phục vụ hệ thống trí tuệ nhân tạo. Nhận ra cơ hội AI sớm, Huang tuyên bố năm 2012: "Chúng ta cần coi việc này là ưu tiên cao nhất".
Để làm cho GPU dễ tiếp cận hơn với người không am hiểu đồ họa lập trình, Nvidia tạo một giao diện phần mềm được gọi là Cuda (Compute Unified Device Architecture) vào năm 2007 - nền tảng sau này trở thành yếu tố sống còn của công ty. Quan trọng hơn, Cuda giúp nhà phát triển sử dụng GPU cho những tác vụ xử lý chung, vượt ra ngoài vai trò truyền thống trong việc kết xuất đồ họa.
Sự chuyển đổi này ở GPU cho phép cải thiện hiệu suất đáng kể trong nhiều tác vụ tính toán so với CPU truyền thống. Bởi, công cụ đơn giản hóa lập trình GPU bằng cách cung cấp nền tảng mở rộng các ngôn ngữ lập trình tiêu chuẩn, cho phép nhà phát triển sử dụng GPU cho nhiều tác vụ, bao gồm nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, lập mô hình tài chính và quan trọng nhất là AI.
Nvidia cũng bắt đầu tích cực "chăm lo" cho giới nghiên cứu AI thông qua những khoản tài trợ, liên doanh và hợp tác với các trường đại học. Nỗ lực kéo dài hơn thập kỷ này giúp mang đến nhiều lợi ích.
Nhưng kể cả khi Nvidia phát triển, ông Jensen Huang vẫn cảnh giác với sự phình to và trì trệ - yếu tố có thể giết chết bất cứ công ty nào. Ông ghét cấu trúc thứ bậc: "Bạn cần một công ty đủ lớn để làm tốt công việc, nhưng cấu trúc phải nhỏ nhất có thể". Với nhân viên, ông cho rằng mọi người cần có môi trường "có thể chia sẻ và dự đoán suy nghĩ của nhau".
"Big Bang" của Nvidia diễn ra năm 2023, sau khi ChatGPT ra mắt. Với một số người, việc Nvidia trở thành công ty lớn nhất thế giới quá nhanh là một cú sốc. Tuy nhiên, với những gì đã tìm hiểu, tác giả Kim cho rằng đó là điều hiển nhiên.
"Ý chí cá nhân của Jensen đã định hình Nvidia", Kim cho biết. "Điều gì sẽ xảy ra khi ông và công ty 'chia tay'?. Câu hỏi vẫn chưa có lời giải. Hiện tại, Nvidia ngồi vững trên đỉnh núi, được bao quanh bởi rào chắn văn hóa ít ai có thể vượt qua".