Theo báo cáo chiến lược tháng 5 của SSI Research, trong ngắn hạn, cụ thể là trong tháng 5, động lực đi lên của thị trường sẽ rất hạn chế bởi cơ hội thử thách đỉnh lịch sử trong mùa cao điểm thông tin ở tháng 4 đã đi qua. Trong khi đó thị trường cũng cần thêm chất xúc tác mới để kích hoạt yếu tố định giá thấp.
Trước xu hướng chưa rõ ràng của thị trường, đội ngũ phân tích SSI khuyến nghị danh mục 7 cổ phiếu tiềm năng trong tháng 5 gồm GMD, PVT, FPT, NT2, PTB, DGW và QNS.
GMD
Cảng Gemalink tăng sản lượng nhanh chóng và bắt đầu đóng góp lợi nhuận cho CTCP Gemadept (Mã: GMD). Gemalink đã đạt sản lượng 300.000 TEU trong quý I và kỳ vọng có thể đạt mức 1,4 triệu TEU trong năm 2022.
Theo đó, SSI Research ước tính lợi nhuận của cảng này đạt 18 triệu USD trong năm 2022 so với mức hòa vốn trong năm 2021 giúp tạo sức bật đáng kể cho GMD. Gemalink đi vào hoạt động giúp hoàn thiện hệ sinh thái của GMD, thúc đẩy sản lượng và các dịch vụ gia tăng cho các cảng vệ tinh như Phước Long ICD, cảng Bình Dương, và cụm cảng phía Bắc.
Bên cạnh đó, kỳ vọng thoái vốn các dự án trồng cao su có thể được thực hiện trong năm 2022 trong bối cảnh vườn cây có diện tích đủ lớn, cây phát triển tốt, hạ tầng kết nối đã hoàn thiện và giá cao su có xu hướng phục hồi tốt. Ước tính lợi nhuận trước thuế (LNTT) của GMD đạt 1.215 tỷ đồng, tăng 50% trong năm 2022.
PVT
SSI Research kỳ vọng Tổng Công ty Vận tải Dầu khí (Mã: PVT) sẽ hưởng lợi trong dài hạn từ: (1) Sự phục hồi nhu cầu sử dụng xăng dầu của Việt Nam; (2) Nhu cầu vận tải xăng dầu từ việc cấm vận đối với các sản phẩm dầu khí của Nga.
Với đội tàu được đầu tư ở mức giá tốt và tuổi tàu trẻ (10 - 20 tuổi), nhóm phân tích kỳ vọng PVT sẽ tiếp tục duy trì các hợp đồng cho thuê tàu định hạn với các hợp đồng kí mới có thể tốt hơn so với các năm trước. Ngoài ra, cơ chế tự chủ cho các công ty thành viên đang chứng minh hiệu quả, với việc đóng góp từ các công ty thành viên ngày càng lớn trong tổng lợi nhuận của PVT.
Trong quý II/2022, PVT có thể sẽ ghi nhận lợi nhuận bất thường từ việc bán tàu PVT Athena với giá ước tính khoảng 6 triệu USD. Ước tính lợi nhuận sau thuế (LNST) của PVT trong năm 2022 sẽ duy trì mức tăng trưởng 12,5% so với cùng kỳ, tương đương với mức PVT đã làm được trong các năm vừa qua. Giá dầu đang hồi phục có thể là động lực ngắn hạn cho giá cổ phiếu.
FPT
Mảng Công nghệ thông tin (CNTT) nước ngoài kỳ vọng tiếp tục là động lực tăng trưởng mạnh mẽ với giá trị hợp đồng ký mới tăng 57% trong quý I vừa qua. Trong đó, số lượng khách hàng có quy mô doanh thu từ 1 triệu USD trở lên tăng 47,6% so với cùng kỳ năm ngoái; số lượng hợp đồng có quy mô từ 1 triệu USD & 5 triệu USD lần lượt tăng 93% và 75%.
Doanh thu từ thị trường Nhật Bản cũng lấy lại động lực tăng trưởng tốt với 9% trong quý I và mức tăng trưởng đạt gần 20% nếu loại sự ảnh hưởng của đồng Yên Nhật (-11%). Các thị trường còn lại như Mỹ, EU, APAC cũng đều giữ mức tăng ấn tượng với lần lượt 61%, 31% và 41%.
Biên LNTT mảng này cải thiện 60 điểm cơ bản lên 16,2% nhờ doanh thu dịch vụ chuyển đổi số tăng 72% và nâng tỷ trọng đóng góp từ 27% lên 40%.
Mảng CNTT trong nước cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng với 75% trong quý I và cao hơn ước tính cả năm của SSI Research là 30%. Biên LNTT mảng này cũng cải thiện gần 100 điểm cơ bản.
Mức tăng trưởng LNTT của FPT trong quý I đạt 27,3%, cao hơn mức dự báo 24,6% của nhóm phân tích. Hiện tại FPT đang giao dịch ở mức P/E năm 2022 là 19x nhưng ước tính tăng trưởng EPS là 25%, tương ứng tỷ lệ PEG là 0,7x.
NT2
Ước tính giá chào của CTCP Điện Lực Dầu Khí Nhơn Trạch 2 (Mã: NT2) trên thị trường cạnh tranh trong tháng 4, đạt khoảng 1.700 đồng/kwh (tăng 54% so với cùng kỳ). Lũy kế 4 tháng đầu năm, giá trên thị trường cạnh tranh đạt 1.559 đồng/kwh (tăng 41%), cao hơn giả định của SSI Research là 1.300 đồng.
Nhu cầu tiêu thụ điện toàn quốc cải thiện là một trong những yếu tố giúp cải thiện giá chào trên thị trường và qua đó hỗ trợ tích cực cho mức tăng trưởng lợi nhuận cho NT2 dù giá khí ở mức cao.
Trong quý I vừa qua, NT2 đạt 159 tỷ đồng LNST, tăng 38,8% so với cùng kỳ và hoàn thành 32% ước tính lợi nhuận cả năm của SSI Research. Với diễn biến giá chào trên thị trường cạnh tranh thuận lợi như vậy thì khả năng công ty có thể vượt dự báo lợi nhuận của đội ngũ chuyên gia. LNST trong quý II của NT2 ước đạt trên mức 159 tỷ đồng và gần gấp 6,6 lần so với cùng kỳ.
PTB
Trong quý I, doanh thu thuần của CTCP Phú Tài đạt mức 1.722 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, hoạt động sản xuất gỗ tăng trưởng 14%, sản xuất đá giảm 2%, mua bán xe Toyota tăng trưởng tích cực 14%. Đồng thời, PTB tiếp tục ghi nhận doanh thu từ dự án bất động sản Phú Tài Residence với 147 tỷ đồng trong quý I. Theo đó, LNST đạt mức 145.6 tỷ đồng, tăng 42%.
Sang đến quý II, kế hoạch tiếp tục tăng trưởng 41%. Các đơn hàng sản xuất gỗ vẫn duy trì tích cực đến tháng 4 và dự kiến duy trì mức tăng trưởng 15 - 16%. Bên cạnh đó, PTB tiếp tục ghi nhận hơn 145 tỷ đồng doanh thu từ bất động sản.
Hoạt động sản xuất đá dự báo tích cực nhờ nhà máy đá thạch anh. Sau 2 năm ảnh hưởng mạnh bởi COVID-19, dự báo hoạt động sản xuất đá sẽ được khôi phục với mức tăng trưởng dự báo đạt 15%. Bên cạnh đó, biên lợi nhuận ròng trước thuế cũng cải thiện từ 13% lên 14% nhờ vào kỳ vọng nhà máy thạch anh (đi vào hoạt động quý IV/2021), xuất khẩu tích cực khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với đá thạch anh của Trung Quốc 297 - 337%, Ấn Độ là 3,19 - 5,15%.
Tuy nhiên, PTB cũng sẽ đối mặt với một số rủi ro: (1) Chi phí nguyên gỗ nguyên liệu tăng và (2) Pha loãng cổ phiếu. PTB dự kiến phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 20%, giá phát hành 25.000 đồng/cp.
DGW
Lợi nhuận quý I của CTCP Thế giới số tăng trưởng ấn tượng 97% so với cùng kỳ, đạt 211 tỷ đồng. Các mảng kinh doánh chính như laptop và điện thoại có mức tăng trưởng là 62% và 36%.
Từ cuối tháng 4, DGW bắt đầu kinh doanh mặt hàng mới là thiết bị gia dụng của nhãn hàng Whirlpool và Joyoung. Ngoài ra, DGW cũng bắt đầu bán TV Xiaomi và TV TCL từ tháng 5, tận dụng nhu cầu tăng nhờ các hoạt động thể theo như Seagame và World Cup.
Lợi nhuận quý II của DGW dự kiến tăng trưởng 40 - 50% so với cùng kỳ. SSI Research ước tính lợi nhuận cho cả năm 2022 có thể đạt 990 tỷ đồng (tăng 50% so với cùng kỳ) với giả định laptop tăng 24%, điện thoại tăng 29% và phần đóng góp từ ngành hàng mới (thiết bị gia dụng). Ngành hàng gia dụng sẽ là động lực tăng trưởng trong dài hạn khi tăng trưởng từ điện thoại và laptop chậm lại.
QNS
Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh, SSI Research đánh giá cao việc CTCP Đường Quảng Ngãi (Mã: QNS) tiếp tục lấy được thị phần sữa đậu nành và tăng trưởng tốt hơn toàn ngành (thị phần tăng từ 86% lên hơn 90% năm 2021). Sang năm 2022, mảng sữa đậu nành được kỳ vọng tiếp tục đà tăng trưởng, trong đó doanh thu mảng sữa tăng 23% quý I.
Bên cạnh đó, mảng đường tiếp tục đà tăng trưởng nhờ sản lượng tăng và giá bán duy trì ở mức cao năm 2022. Cho cả năm, nhóm phân tích ước tính QNS đạt tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ở mức 19,8% và 13,5% trong năm 2022.
Mức định giá hiện tại 2022 P/E chỉ 9,9 lần, thấp hơn nhiều các doanh nghiệp hàng tiêu dùng cùng ngành trong khi công ty vẫn đạt được tăng trưởng khả quan. Trong ngắn hạn, nếu thuế chống lẩn trốn đối với đường Thái Lan được thông qua, dự kiến vào cuối tháng 5, nếu được thông qua sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá cổ phiếu.