Xã hội

Sống như ông Năm Nghị

Tóm tắt:
  • Ông Phạm Chánh Trực là hình mẫu cho nhiều thế hệ, với cuộc đời cống hiến nối tiếp lý tưởng sống.
  • Ở tuổi 86, ông vẫn truyền lửa cho thế hệ trẻ và khắc ghi những kỷ niệm đáng nhớ từ kháng chiến.
  • Ông đã tham gia hoạt động cách mạng từ khi còn học sinh, không ngừng dấn thân cho đất nước.
  • Sau 1975, ông đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng và sáng lập các phong trào thanh niên mạnh mẽ.
  • Ông cảm thấy hạnh phúc về sự phát triển của đất nước nhưng cũng nhận thấy nợ nần với dân và đồng bào.

Tôi đến gặp ông Phạm Chánh Trực (bí danh Năm Nghị) - nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM - trong những ngày tháng 4 lịch sử. Cuộc gặp gỡ tuy ngắn ngủi nhưng lại mở ra một hành trình dài - đi qua cả một thời tuổi trẻ cống hiến cho cách mạng, những năm tháng dựng xây thành phố giữa bao thử thách sau ngày thống nhất và dừng lại ở hiện tại - một người âm thầm truyền lửa cho thế hệ trẻ, như cách ông đang sống và cống hiến.

Dấn thân giữa "bão lửa"

Ở tuổi 86, ông vẫn nhanh nhẹn, giọng trầm ấm, ánh mắt sáng như thể bao năm tháng chiến đấu và xây dựng thành phố vẫn còn đang hừng hực trong ông. Ông kể, rất nhẹ nhàng mà như mở ra cả một chặng đường dài của thành phố, của đất nước.

Khi còn nhỏ, ông đã theo học ở trường kháng chiến - nơi mà thầy cô, bạn bè đều là những người yêu nước, sẵn sàng dấn thân. Ba ông tham gia cách mạng từ kháng chiến chống Pháp. "Cách mạng" như máu chảy trong người ông. Thế nên, ông tham gia rất tự nhiên, không có đắn đo, không có ngã rẽ.

Sống như ông Năm Nghị- Ảnh 1.

Ông Phạm Chánh Trực. Ảnh: PHAN ANH

Ông nhớ lại những trận càn quét của Pháp, làng xóm tan hoang, gia đình ông ly tán. Mẹ ông mất sớm, anh chị đi kháng chiến. Cha gửi ông và em trai đến nhà thầy giáo quen ở thị xã Vĩnh Long, còn mình thì ở lại vùng kháng chiến. Lúc đó, ông mới 13 tuổi, em của ông 8 tuổi. Cũng từ lúc đó, ông tham gia phong trào học sinh thị xã Vĩnh Long. Rồi đến năm 1958, ông lên Sài Gòn học, bắt đầu gắn bó với phong trào học sinh, sinh viên, rồi cứ thế mà đi sâu vào hoạt động cách mạng.

Ban đầu, ông hoạt động công khai ở nội thành Sài Gòn. Năm 1961, ông bị bắt, giam ở nhà lao Chợ Quán, quận 5. Nhưng chỉ vài tháng sau, đầu năm 1962, ông vượt ngục thành công, rút vào hoạt động bí mật. Ông tiếp tục hoạt động trong lòng đô thị, trực tiếp xây dựng cơ sở nội thành, kết nối các nhóm thanh niên, sinh viên, trí thức yêu nước, phát động các phong trào phản đối chế độ Sài Gòn.

Năm 1969, ông bị bắt lần hai nhưng vẫn không thể khiến người chiến sĩ trẻ ấy khuất phục. Năm 1970, ông lại vượt ngục thành công, tiếp tục hoạt động bí mật, trở thành một trong những nhân tố giữ lửa cho phong trào đô thị Sài Gòn - Gia Định, góp phần thành công trong Đại thắng mùa xuân 1975. Thời điểm năm 1975, ông làm Bí thư Ban Cán sự quận 11, trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ông nhớ như in thời khắc ngày 30-4-1975 lịch sử, người dân đổ xuống đường, reo hò chào mừng đoàn quân giải phóng tiến vào Sài Gòn. Giây phút đó, ông biết chúng ta đã thắng.

Dấu ấn thủ lĩnh thanh niên

Sau ngày 30-4-1975, ông Năm Nghị là một cán bộ trẻ đầy nhiệt huyết, được trao trọng trách Bí thư Thành Đoàn TP HCM. Ông được tham gia trực tiếp các cuộc họp tái thiết của Thành ủy, cùng lãnh đạo đi xuống cơ sở, khảo sát thực tế. "Mỗi chuyến đi lại khiến tôi càng thêm thấm thía sự ngổn ngang, phức tạp và đầy xáo trộn của thành phố vừa bước ra từ chiến tranh" - ông kể.

Thành ủy giao nhiệm vụ tìm lời giải cho tình hình ngổn ngang ấy, Thành Đoàn họp khẩn, quyết định tổ chức lực lượng Thanh niên xung phong, vừa để giải quyết nạn thất nghiệp vừa giáo dục thanh niên bằng lao động, sản xuất. Tháng 7-1975, Thành Đoàn thí điểm đưa 2 đội thanh niên xung phong ra Lê Minh Xuân và Thái Mỹ (huyện Củ Chi). Thành công ban đầu ở Củ Chi đã dẫn đến quyết định táo bạo hơn: Ra quân đồng loạt, quy mô lớn. Ngày 28-3-1976, lễ ra quân lịch sử diễn ra, ghi dấu một sự kiện quan trọng của TP HCM. Ông Võ Văn Kiệt, Chủ tịch UBND Cách mạng TP HCM khi ấy, đích thân trao lá cờ truyền thống "Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên" cho ông Năm Nghị.

Sống như ông Năm Nghị- Ảnh 2.

Ông Phạm Chánh Trực giao lưu với thế hệ trẻ (đoàn viên) tại chương trình sinh hoạt truyền thống với chủ đề “Tiếp bước truyền thống - Vững xây tương lai” Ảnh: THIỆN AN

"Cầm chặt lá cờ trong tay từ đồng chí Võ Văn Kiệt trao, tôi vô cùng cảm kích. Đó là sự tin yêu của Đảng đối với thế hệ trẻ thành phố. Tôi cũng xúc động trước tập hợp lạ lùng: hơn 10.000 thanh niên là binh lính, công chức, viên chức của chế độ cũ, sát cánh cùng thanh niên, sinh viên, học sinh cách mạng…" - ông nói, ánh mắt ánh lên niềm tự hào. Hành trang chỉ có 2 bộ đồ, một cái võng để ngủ, một tấm ni-lông, thêm cuốc, xẻng; không máy móc nhưng tràn đầy khí thế, mang theo khát vọng của một thế hệ đi khai phá vùng kinh tế mới, làm chủ vận mệnh sau chiến tranh. "Đây không chỉ là một phong trào kinh tế mà còn biểu hiện của sự hòa hợp dân tộc. Còn là cách xây dựng lại con người mới sau chiến tranh, rèn giũa ý chí, trách nhiệm và bản lĩnh của tuổi trẻ thành phố trong thời bình" - ông đúc kết.

Cùng lúc đó, tại nội đô, Thành Đoàn dưới sự dẫn dắt của ông đã khởi xướng hàng loạt phong trào: Từ xóa bỏ tệ nạn, văn hóa đồi trụy thời Mỹ - Ngụy đến khôi phục sản xuất theo kế hoạch A, B, C "xé rào", "bung ra", rồi "Luyện tay nghề, thi thợ giỏi", "Bàn tay vàng", "Thi đua về trước kế hoạch"… Tất cả hội tụ vào một mục tiêu lớn: Giáo dục thanh niên sống có lý tưởng, kỹ năng, trách nhiệm với thành phố - đất nước.

Một đời không nghỉ ngơi

Cuộc đời ông không dừng lại ở phong trào thanh niên mà còn bước tiếp trên hành trình gánh vác trọng trách trong quản lý Nhà nước.

Từ Bí thư Thành Đoàn đầu tiên của thành phố mang tên Bác, ông trở thành Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Bí thư Quận ủy quận 5, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP HCM, Bí thư Đảng Đoàn Ủy ban MTTQ TP HCM kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy kiêm Chủ tịch HĐND TP HCM, Phó Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM.

Ở đâu, ông cũng để lại dấu ấn một người lãnh đạo khai mở, tận tâm, cởi mở và luôn đau đáu với sự phát triển của thành phố. Ông đã có những đóng góp quan trọng trong hoạch định các chính sách phát triển thành phố, tiên phong đề xuất các mô hình mới. Thời kỳ giữ chức Phó Chủ tịch UBND TP HCM phụ trách kinh tế, đối ngoại, ông đã góp phần hình thành khu chế xuất đầu tiên cả nước - Tân Thuận, đại lộ Nguyễn Văn Linh - trục xương sống đô thị mới, đến giấc mơ Khu Công nghệ cao tưởng chừng bất khả thi khi đất nước còn nghèo và lạc hậu thập niên 90 của thế kỷ XX. Sau 10 năm "thai nghén", năm 2002, Chính phủ quyết định thành lập Khu Công nghệ cao TP HCM và bổ nhiệm ông làm Trưởng ban. Khi ấy, ông đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng Bí thư Thành ủy Nguyễn Minh Triết đã ra tận Hà Nội xin Trung ương để ông ở lại, tiếp tục cống hiến cho dự án mà ông từng ấp ủ như một sứ mệnh.

Dù đã nghỉ hưu, ông Năm Nghị vẫn dõi theo thời cuộc, đau đáu với sự phát triển của TP HCM - nơi ông xem là máu thịt. "Thành phố này có sức bật rất lớn, vấn đề là phải dám nghĩ, dám làm" - ông nói, mắt ánh lên niềm tin quen thuộc. Ông hiện là Chủ nhiệm CLB Truyền thống Thành Đoàn, thường xuyên gặp gỡ, nói chuyện với thanh niên để truyền ngọn lửa yêu nước, lý tưởng sống và khát vọng cống hiến. Nơi nào thanh niên cần, nơi đó có ông.

Cuộc đời ông là một dòng chảy liền mạch của tinh thần cống hiến từ tuổi trẻ xuống đường tranh đấu, đến những năm tháng gánh vác vận mệnh thành phố và cả khi đã về hưu vẫn không ngơi nghỉ suy tư. Ấy vậy mà qua lời kể của ông, nghe nhẹ tênh. Không có vạch ngăn giữa "cách mạng" và "cuộc sống", vì chính cuộc đời của ông là một hành trình cách mạng từ tâm. Với ông, sống là cống hiến. Vì thế, ông trở thành hình mẫu - lặng lẽ mà rực rỡ - cho biết bao thế hệ. 

Trọn nghĩa, vẹn tình

Trong không khí những ngày tháng 4 lịch sử, ông Năm Nghị có hai cảm xúc rất rõ ràng. Thứ nhất là hạnh phúc - một niềm hạnh phúc vô bờ bến. Tham gia kháng chiến chống Mỹ từ những ngày đầu đến lúc đất nước được giải phóng, rồi vượt qua biết bao sóng gió, ông rất hạnh phúc khi dân tộc mình độc lập, hòa bình và phát triển. "Tất nhiên, hành trình đó không thiếu mất mát. Anh và em tôi hy sinh. Anh vợ và em vợ cũng hy sinh. Nhưng so với nhiều người khác, tôi thấy mình vẫn là người may mắn và hạnh phúc hơn rất nhiều" - ông bộc bạch.

Cảm xúc thứ hai là ông thấy mình còn nợ dân, nợ đồng bào rất nhiều. Bởi vì, trong suốt thời kỳ hoạt động cách mạng, ông sống nhờ lòng dân, sự cưu mang của nhân dân. Thế nên, ông luôn tự nhủ phải sống sao cho xứng đáng với nghĩa tình to lớn đó.


Các tin khác

Ăn ít vào buổi tối có tốt không?

Tôi có thói quen ăn ít vào buổi tối, nhưng nhiều thông tin nói rằng bữa tối cũng rất quan trọng, vậy việc ăn ít đem lại lợi ích hay hại sức khỏe? (Đức, 38 tuổi, Hà Nội).

Giá vàng giảm mạnh

Sáng nay (2/5), giá vàng trong nước giảm mạnh. Vàng miếng SJC có nơi giảm còn 118,5 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn về 114,5 triệu đồng/lượng.

Vỡ vật hang do quan hệ sai tư thế

Người đàn ông 35 tuổi bầm tím dương vật sau khi quan hệ tình dục, bác sĩ phát hiện dọc thể hang có nhiều điểm rách, tụ máu.

Tập đoàn Đài Loan sản xuất bảng mạch điện tử đã đầu tư gần 700 triệu USD ở Quảng Ninh, 100 triệu USD ở Hải Phòng, sẽ đầu tư thêm hàng triệu USD để mở rộng sản xuất

Tập đoàn Lite-on Technology của Đài Loan (Trung Quốc), vốn là một trong 10 tập đoàn lớn trên thế giới chuyên sản xuất các linh kiện điện tử máy tính, điện thoại, sẽ đầu tư thêm 25 triệu USD vào Việt Nam.

Mẹ nuôi con học lớp 11 chỉ với chi phí tổng cộng 9 triệu/tháng – không vay nợ, không áp lực

Một mình nuôi con gái học lớp 11, với thu nhập 9 triệu/tháng, chị Liên từng nhiều lần hoảng loạn vì con ốm, học phí tăng, điện nước leo thang. Nhưng nhờ thay đổi tư duy tiêu tiền, lên kế hoạch chi tiêu sát thực tế và giữ vững kỷ luật, chị đã sống ổn định suốt hơn một năm qua mà không cần vay mượn bất kỳ ai.

Lý do tái định cư Hà Nội bị bỏ hoang nhiều năm

Trong khi người dân "khan" nhà ở, nhiều dự án nghìn tỷ phục vụ tái định cư, giải phóng mặt bằng tại Hà Nội xây xong lại bỏ hoang, gây lãng phí lớn nguồn lực xã hội, chủ đầu tư lao đao.

Ngày tự do đầu tiên ở nhà tù Côn Đảo

6h sáng 1/5/1975, chúng tôi được thông báo hơn 4.000 tù chính trị ở Côn Đảo được trả tự do và 2 tiếng sau, lực lượng cách mạng làm chủ thị trấn Côn Đảo.

Giá vàng rơi thẳng đứng

Giá vàng thế giới rơi thẳng đứng trong phiên giao dịch Mỹ ngày 1.5, nâng tổng mức giảm trong ngày lên 84 USD/ounce, tương ứng mức mất giá mạnh nhất lên 2,6%.

Cấm xe tải 5 tuyến đường cửa ngõ TP.HCM gần 1 tuần

Sở Xây dựng TP.HCM vừa có thông báo cấm xe tải, tổ chức giao thông trên các tuyến đường xung quanh khu vực Học viện Phật giáo Việt Nam, huyện Bình Chánh trong thời gian diễn ra Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc năm 2025.