Phó TGĐ mới học hết lớp 4
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long và các đơn vị liên quan; khởi tố, bắt tạm giam với 6 nghi can trong đó có Nguyễn Văn Hậu (tên thường gọi “Hậu Pháo”), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn; Nguyễn Thị Hằng, sinh năm 1977; Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn cùng 4 người khác.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn (bên trái) và Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn (bên phải). Ảnh: Bộ Công an
Đặc biệt, Phó Tổng giám đốc của công ty Phúc Sơn mới học xong chương trình lớp 4/12. Theo Trung tướng Tô Ân Xô: "Nghèo vượt khổ là tốt, là đáng khuyến khích nhưng trong quá trình làm giàu không được xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của Nhà nước và nhân dân".
"Chân rết" từ Bắc đến Nam của Tập đoàn Phúc Sơn
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2024, Trung tướng Tô Ân Xô, Người Phát ngôn Bộ Công an đã trả lời một số vấn đề báo chí quan tâm liên quan đến vụ án tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn.
Người phát ngôn Bộ Công an cho biết: Công ty hoạt động từ 2004, là công ty vừa phải, hoạt động trong phạm vi cấp huyện. Từ năm 2015, công ty này "vươn mình mạnh mẽ" khi nhận được nhiều công trình từ Bắc đến Nam. Hiện, doanh nghiệp này có 21 dự án với tổng mức đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra bước đầu xem xét hai dự án ở Vĩnh Phúc cho thấy, công ty đã bỏ ngoài sổ sách, không kê khai tài chính, trốn thuế gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 640 tỷ đồng. Hiện nay, công ty này còn nợ thuế hàng chục nghìn tỷ đồng.
Theo Người Phát ngôn Bộ Công an, vi phạm của Công ty Phúc Sơn có trách nhiệm của cơ quan quản lý đó là không kiểm soát hoạt động kê khai tài chính nên mặc dù doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ tài chính, thuế nhưng vẫn hoạt động.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng không nắm được năng lực thực tế của doanh nghiệp khi nhận dự án dẫn đến việc doanh nghiệp nhỏ, cấp huyện nhưng vươn ra khắp nơi, trúng thầu nhiều dự án hàng nghìn tỷ đồng, trong khi năng lực của công ty vừa phải, nhiều tập đoàn hùng mạnh cũng không nhận được các dự án này.
Trung tướng Tô Ân Xô cho biết thêm, hiện Cơ quan điều tra đang tập trung làm rõ, mở rộng điều tra để xử lý đúng người, đúng tội, thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước và nhân dân.
Lùm xùm dự án tại sân bay Nha Trang
Bộ Công an xác định, Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn có 21 dự án với tổng mức đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng trên khắp cả nước. Tuy nhiên, Cơ quan điều tra bước đầu mới xem xét hai dự án ở Vĩnh Phúc.
Không chỉ ở Vĩnh Phúc, tập đoàn này còn đầu tư mạnh các dự án ở địa phương khác, trong đó có Khánh Hòa. Tại Khánh Hòa, doanh nghiệp này vướng nhiều lùm xùm liên quan dự án tại Sân bay Nha Trang.
Tháng 10/2016, UBND tỉnh Khánh Hòa thu hồi hơn 62,3 ha đất tại sân bay Nha Trang giao cho Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn do ông Nguyễn Văn Hậu làm Chủ tịch, để thực hiện dự án khu trung tâm đô thị, dịch vụ, tài chính, du lịch Nha Trang.
Năm 2021, Thanh tra Chính Phủ đã có kết luận về việc chấp hành chính sách, pháp luật liên quan đến các dự án BT sử dụng quỹ đất thanh toán tại khu vực Sân bay Nha Trang, Khánh Hòa.
Kết luận cho biết có 3 dự án do Công ty Phúc Sơn làm chủ đầu tư với tổng mức hơn 3.300 tỷ gồm: nút giao thông Ngọc Hội; đường vành đai kết nối nút giao thông Ngọc Hội, các tuyến đường, các nút giao thông kết nối Sân bay Nha Trang.
Đối với 3 dự án trên, qua thanh tra vẫn còn có một số tồn tại, vi phạm như sau:
Việc công nhận chủ đầu tư dự án không thông qua đầu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án là vi phạm quy định. Phê duyệt đề xuất dự án, tổng mức đầu tư, ký hợp đồng BT không phù hợp với Tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
Việc lập, thẩm định, ký kết hợp đồng BT còn có một số sai sót trong áp dụng định mức, đem giá, biện pháp thủ công, đền bù giải phóng mặt bằng và đưa một số hạng mục vào dự án đầu tư chưa đúng quy định (hạng mục đường dây cấp điện) làm tăng tổng mức đầu tư 3 dự án BT lên 499,202 tỷ đồng.
Không hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng vào khoảng cuối năm 2017, Mặc dù đã gia hạn đến tháng 6/2021 nhưng thực tế đến thời điểm thanh tra mới thi công đạt khoảng 27% khối lượng xây lắp (tương đương 558 tỷ đồng xây lắp và 394,407 tỷ đồng chi phi đến bà giải phóng mặt bằng). Không thực hiện đúng tiêu chỉ công trình cấp bách để được áp dụng hình thức lựa chọn Nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu năm 2013.
Chủ đầu tư (Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn) đưa bất động sản vào kinh doanh, thu tiền của khách hàng khi bất động sản của dự án chưa đủ điều kiện được đưa vào kinh doanh là vi phạm pháp luật về kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, hành vi vi phạm đã được UBND tỉnh Khánh Hòa kịp thời phát hiện và ban hành Quyết định số 1268/QĐ-XPVPHC Xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, với mức phạt tiền là 275.000.000 đồng.
Trách nhiệm để xảy ra những vi phạm vừa nêu của 3 dự án BT thuộc về UBND tỉnh Khánh Hòa; Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Ban Quản lý dự án các công trình Giao thông và Thủy lợi Khánh Hòa, Ban quản lý dự án phát triển tỉnh, Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn…
Ngoài kết luận từ Thanh tra Chính phủ, theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, tỉnh Khánh Hòa cũng đã thông báo Công ty Phúc Sơn phải nộp 11.994,92 tỉ đồng nhằm khắc phục sai phạm về việc giao đất dự án tại sân bay Nha Trang nhưng doanh nghiệp chưa nộp.
Để phục vụ công tác điều tra, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Cục Cảnh sát kinh tế đã đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa cung cấp và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cung cấp toàn bộ thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến quá trình phê duyệt chủ trương đầu tư; lựa chọn nhà đầu tư; thực hiện đầu tư, xây dựng; kê khai, thực hiện nghĩa vụ thuế; thanh tra, kiểm tra… các dự án, công trình do Công ty CP tập đoàn Phúc Sơn và các công ty thành viên làm chủ đầu tư, thi công trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.