"Sau khi nâng Xiaomi 14 phiên bản nội địa Trung Quốc bằng rom quốc tế, cả hai sim lắp trong máy đều bị mất sóng", thành viên Lam Phạm viết trên một nhóm chuyên về điện thoại Xiaomi. Anh cho biết lỗi xảy ra cả khi nâng cấp bản rom cho thị trường Đài Loan, Ấn Độ và quốc tế nói chung. Ngoài Mi 14, nhiều người dùng cũng đang phản ánh Redmi Note 13 Pro gặp tình trạng tương tự.
"Up rom" là thao tác thay đổi hệ điều hành điện thoại sang một phiên bản khác. Smartphone nội địa Trung Quốc cũng chạy Android nhưng không có chợ ứng dụng Play Store, thiếu một số dịch vụ của Google... Khi máy nội địa được bán ra quốc tế, người dùng sẽ lấy phiên bản phần mềm của máy quốc tế để cài vào máy nội địa. Trước đây, đa số điện thoại xách tay Xiaomi sau khi nâng cấp rom đều có thể hoạt động như máy quốc tế.
Theo anh Lê Công Minh Khôi, người am hiểu về điện thoại Xiaomi xách tay, đây là lần đầu các mẫu điện thoại mới của Xiaomi đồng loạt gặp lỗi mất sóng khi "up rom" quốc tế. "Động thái này có thể là dấu hiệu Xiaomi tiếp tục siết việc sử dụng máy nội địa ở bên ngoài Trung Quốc", anh cho biết.
Nếu không thể "up rom", người dùng Xiaomi 14 hay Redmi Note 13 Pro xách tay sẽ phải chấp nhận các điểm khó chịu như thông báo bị chậm, không có tiếng Việt hay thiếu một số dịch vụ của Google như Android Auto.
Một model khác của Xiaomi là 14 Ultra cũng đã có hàng xách tay tại Việt Nam nhưng chưa có bản rom quốc tế để thử nghiệm. Model này cũng chưa được bán chính hãng tại Việt Nam.
Đại diện Xiaomi Việt Nam chưa đưa ra bình luận. Tuy nhiên, từ cuối năm ngoái, hãng đã thông báo ngừng hỗ trợ mở khóa bootloader - thao tác quan trọng biến điện thoại xách tay thành bản quốc tế, có thêm giao diện tiếng Việt và sử dụng được đầy đủ dịch vụ từ Google. Quy định áp dụng lập tức với thế hệ Xiaomi 14 series chạy hệ điều hàng HyperOS và Redmi K70 series. Với dòng máy cũ sử dụng MIUI, Xiaomi yêu cầu người dùng khóa bootloader mới có thể tiếp tục cập nhật phần mềm từ hãng.
Để hạn chế gian lận, Xiaomi cũng chỉ cho phép một tài khoản mở khóa tối đa ba thiết bị mỗi năm. Quá trình mở khóa chỉ kéo dài 12 tháng, hết thời hạn cần đăng ký lại. Hiện một số cửa hàng xách tay tại Việt Nam cho biết có thể mở khóa bootloader các dòng máy mới của Xiaomi nhưng phí dịch vụ cao.
"Điều này cho thấy việc kinh doanh điện thoại Trung Quốc xách tay ngày càng nhiều rủi ro", Thế Quân, chủ một cửa hàng điện thoại Trung Quốc ở Kim Giang (Hà Nội), nói. Hiện anh chỉ nhập các model mới theo đặt hàng của khách, không cam kết các vấn đề liên quan đến lỗi khi tự nâng cấp rom quốc tế.
Anh cho biết nhiều người vẫn tìm đến điện thoại xách tay vì giá rẻ hơn cũng như đa dạng mẫu mã để lựa chọn. "Một số model cấu hình cao, chụp ảnh đẹp và rất nổi trong giới yêu thích công nghệ như Xiaomi 13 Ultra chỉ có thể mua xách tay vì không bán chính hãng", anh nói.