Chuỗi giảm sàn liên tục
Chứng khoán Việt Nam tiếp tục chứng kiến một năm đầy biến động. Khởi đầu từ trên 1.000 điểm, VN-Index từng có lúc vượt trên 1.200 điểm (vào tháng 8 - 9) nhưng sau đó quay đầu rơi về dưới 1.100 điểm vào tháng 10.
Không dày đặc như năm 2022 với những NVL, PDR, IBC, HPX... song thị trường vẫn xuất hiện một số trường hợp cổ phiếu có chuỗi giảm sàn kéo dài nhiều phiên, điển hình như VNE hay DDG.
DDG từng tăng giá đều đặn kể từ khi niêm yết lên sàn HNX vào 2019, bất chấp những xáo động của thị trường chung xuyên suốt những năm qua. Thị giá đạt đỉnh lịch sử 43.300 đồng/cp vào tháng 3/2023, gấp khoảng 6 lần so với giá chào sàn HNX (các mức giá đã điều chỉnh sau phát hành thêm cổ phiếu).
Tình thế bất ngờ thay đổi kể từ tháng 4. Xu hướng tăng giá (uptrend) kết thúc khi DDG giảm sàn 19 phiên liên tiếp từ 10/4 đến 9/5. Thị giá rơi 86% chỉ sau khoảng một tháng, vốn hóa bốc hơi gần 2.200 tỷ đồng về dưới 360 tỷ đồng. DDG sau đó tăng trần 7 phiên liên tiếp rồi dần điều chỉnh trở lại. Đến 10/11, DDG một lần nữa quay lại đáy một năm quanh vùng 6.000 đồng/cp.
Cùng với diễn biến thị giá lao dốc, hàng loạt lãnh đạo và người liên quan tại Indochine Imex cũng bán ra cổ phiếu trong tháng 5, bao gồm nhiều giao dịch đến từ việc công ty chứng khoán thực hiện giải chấp.
Đà giảm của VNE vào tháng 10 với 8 phiên sàn liên tiếp kéo dài từ 17/10 đến 26/10 cuốn mất 44% thị giá. VNE sau đó chủ yếu đi ngang quanh 6.000 đồng/cp.
Giống DDG, VNE cũng chứng kiến lãnh đạo bị bán giải chấp cổ phiếu. Thêm vào đó, một cổ đông lớn là ông Smit Cheancharadpong thoái sạch 4,3 triệu đơn vị, tương ứng với 5,3% vốn.
Theo quy định, khi cổ phiếu giảm sàn hoặc tăng trần 5 phiên liên tiếp, doanh nghiệp có nghĩa vụ giải trình. Tuy vậy, các văn bản công bố của cả Indochine Imex và Vneco đều "như văn mẫu", khi cho biết cổ phiếu biến động đến từ thị hiếu nhà đầu tư, quy luật cung cầu thị trường, nằm ngoài kiểm soát của ban lãnh đạo, doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường.
Indochine Imex lỗ gần 200 tỷ đồng trong 9 tháng, "ế" trái phiếu phát hành
Ngoài diễn biến cổ phiếu, điểm chung của hai đơn vị là đều kinh doanh kém khả quan. Indochine Imex lỗ trong 9 tháng đầu năm còn Vneco duy trì thu nhập thấp.
Hoạt động sản xuất kinh doanh chính của Indochine Imex tập trung vào lĩnh vực thiết kế, đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp hơi nhiệt, điện và thương mại nhiên liệu biomass và phế phẩm nông nghiệp (trấu, mùn cưa).
Quý III, Indochine Imex báo doanh thu thuần 178 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn giảm chậm hơn doanh thu do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Chi phí lãi vay gấp rưỡi cùng kỳ lên 18 tỷ đồng. Công ty gần như thoát lỗ nhờ có khoản thu khác 11 tỷ đồng, lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ thu được 1,6 tỷ đồng, giảm 88%.
Với việc lỗ trong 6 tháng đầu năm, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã đưa DDG vào danh sách không cấp ký quỹ từ 6/9. Indochine Imex báo lỗ lũy kế 9 tháng 192 tỷ đồng, lỗ sau thuế chưa phân phối tính đến thời điểm cuối tháng 9 gần 80 tỷ đồng.
Indochine Imex từng muốn huy động 150 tỷ đồng qua phát hành lô 1.500 trái phiếu vào tháng 5, dự kiến hoàn tất vào tháng 8. Tuy nhiên, không có nhà đầu tư nào tham gia mua trái phiếu. Vào tháng 8, ban lãnh đạo còn thông qua phương án phát hành 20 triệu cổ phiếu với giá chào bán 10.000 đồng/cp, cao hơn thị giá trên sàn.
Vneco duy trì lãi mỏng, gánh áp lực nợ vay tài chính
Về phần Vneco, đơn vị được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ thông tin Quy hoạch điện VIII phát đi vào giữa năm. Theo đó, nhu cầu năng lượng cao sẽ càng thúc đẩy khối lượng xây dựng công trình điện gia tăng.
Đó là câu chuyện dài hạn, còn trong ngắn hạn tình hình kinh doanh của đơn vị vẫn còn mặt hạn chế. Doanh thu quý III giảm phân nửa so với cùng kỳ về 172 tỷ đồng và lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ nhỉnh hơn 1 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 5 tỷ đồng). Nếu loại trừ quý II/2022 có lãi 24 tỷ đồng, lợi nhuận mỗi quý dưới mức 10 tỷ đồng từ quý III/2019 đến nay, tức hơn 4 năm, dù luôn đem về doanh thu hàng trăm tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu ghi nhận 647 tỷ đồng, giảm hơn 60% so với cùng kỳ và lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ trên 4 tỷ đồng. So với nền thấp của cùng kỳ năm trước, con số này gấp 3 lần. Tuy vậy, Vneco vẫn còn cách xa kế hoạch lãi sau thuế 15 tỷ đồng cho cả năm (9 tháng lãi sau thuế chưa đến 600 triệu đồng).
Công ty ghi nhận gặp khó khăn trong những tháng đầu năm. Một số công trình còn tiếp tục vướng các thủ tục đề bù giải phóng mặt bằng thi công, tiền thanh toán từ các chủ đầu tư về chậm đã ảnh hưởng đến việc giải ngân thanh toán vốn cho nhà thầu, nhà cung cấp vật tư, thiết bị... Vì vậy, công ty không thể đẩy nhanh được tiến độ thi công các công trình để nghiệm thu kịp thời với các chủ đầu tư.
Đáng chú ý trong bức tranh kinh doanh của Vneco là khoản chi phí tài chính ở mức 100 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ 9 tháng đầu năm trước, chủ yếu là chi phí lãi vay.