Tình trạng khan hiếm rau quả trên có thể sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới, dẫn đến lo ngại về việc tăng giá. Trong khi hầu hết các quan chức Anh nói rằng thời tiết xấu và giá năng lượng tăng cao là nguyên nhân cho thực trạng này, một số nhà quan sát lại đổ lỗi cho Brexit.
Khi Anh gặp phải tình trạng thiếu một số loại trái cây và rau quả, một số chuỗi siêu thị đã buộc phải hạn chế số lượng sản phẩm mà mỗi khách hàng được mua, ví dụ chỉ cho phép mỗi khách hàng được mua ba quả cà chua, ớt và dưa chuột .
Chính phủ Anh đã đổ lỗi cho sự thiếu hụt rau xanh là do điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Tây Ban Nha và Bắc Phi, nơi Anh nhập khẩu hầu hết các loại trái cây và rau quả được tiêu thụ ở nước này vào thời điểm này trong năm, ảnh hưởng đến vụ thu hoạch.
Hiệp hội Bán lẻ Anh (BRC) cho biết, tình trạng thiếu hụt dự kiến sẽ kéo dài trong "vài tuần" cho đến khi vụ trồng trọt ở Anh bắt đầu vào mùa xuân, mang đến cho các cửa hàng nguồn cung rau quả thay thế.
Bộ trưởng Bộ Môi trường Anh Therese Coffey hôm 23/2 đã gợi ý rằng người dân Anh nên ăn ít cà chua hơn và ăn nhiều củ cải hơn, thúc đẩy cuộc tranh luận về lý do khan hiếm rau quả này. Trong khi nhiều người nói rằng điều kiện thời tiết xấu và giá năng lượng tăng cao là nguyên nhân, những người khác lại đổ lỗi cho Chính phủ Anh và Brexit.
Theo BRC, thời tiết lạnh giá bất thường ở Tây Ban Nha, lũ lụt ở Morocco và những cơn bão đã làm gián đoạn nghiêm trọng việc vận chuyển hàng hóa chỉ là một trong số các lý do khiến Anh gặp phải tình trạng thiếu rau quả. Trong những tháng mùa đông, Anh nhập khẩu khoảng 95% cà chua và 90% rau diếp từ Tây Ban Nha và Bắc Phi.
(Ảnh: Daily Express)
Tuy nhiên, Vương quốc Anh cũng đã trải qua điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Các đợt nắng nóng vào đầu năm nay đã dẫn đến mùa hè nóng thứ tư trong lịch sử, với nhiệt độ lần đầu tiên vượt quá 40°C. Vào tháng 12/2022, nước này đã phải hứng chịu một đợt sương giá nghiêm trọng và kéo dài.
Điều này khiến Anh khó có thể dựa vào các nhà sản xuất địa phương, hoặc thậm chí là những người ở Hà Lan, đối tác thương mại thực phẩm lớn khác của Anh. Do giá điện tăng, nông dân ở cả hai quốc gia buộc phải sử dụng ít năng lượng cho nhà kính hơn và tập trung nỗ lực vào vụ đông.
Sau cuộc chiến ở Ukraine, Hà Lan bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng năng lượng. Hà Lan hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao nhất châu Âu, có thời điểm vượt quá 17%.
Tim O'Malley, giám đốc điều hành của Nationwide Produce, một trong những nhà sản xuất thực phẩm tươi sống lớn nhất của Anh, nói với BBC vào tuần trước rằng tình trạng thiếu hụt có thể dẫn đến tăng giá trong những tuần tới.
Các nhà bán lẻ của Anh sẽ phải tìm các nguồn cung cấp thay thế và dựa vào các loại cây trồng được tại địa phương. Hiệp hội Nông dân Quốc gia Anh đã yêu cầu Chính phủ nước này đưa ra một kế hoạch hỗ trợ hướng đến các nhà sản xuất.
Theo Hiệp hội Nông dân Anh, các quy định của Brexit là một trong những lý do khiến Anh gặp phải tình trạng này. Và thực trạng thiếu một số loại trái cây và rau quả có thể chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm".
Tờ The Guardian đã trích dẫn lời Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông dân Anh, Tom Bradshaw, cho rằng sự thiếu hụt có lẽ là hậu quả gián tiếp của quyết định rời khỏi EU của Vương quốc Anh.
Ông nói: "Điều thực sự thú vị là trước Brexit, chúng tôi không sử dụng bất cứ thứ gì, hoặc rất ít, từ Morocco. Nhưng chúng tôi đã buộc phải nhập khẩu xa hơn (từ Morocco) và những cú sốc khí hậu ngày càng phổ biến đã có tác động thực sự đến thực phẩm có sẵn trên kệ hàng hiện nay".
Justin King, cựu CEO của Sainsbury’s (chuỗi siêu thị lớn thứ hai ở Anh), là một trong nhiều chuyên gia có cùng ý kiến với ông Bradshaw. Trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh LBC, ông nói rằng lĩnh vực siêu thị đã bị "ảnh hưởng nặng nề" bởi Brexit.