Siêng năng dưỡng vận khí
Nhiều người cho rằng, may mắn luôn xuất hiện dưới dạng tình cờ. Thực ra không phải.
Người xưa nói, họa phúc vô môn, mọi sự đều là tự con người ta chuốc lấy; trong lòng hướng thiện, lành tuy chưa thấy nhưng thần may mắn sớm đã hiện diện; trong lòng hướng ác, báo tuy chưa tới, nhưng hung thần sớm đã ở sau lưng.
Siêng năng quả thực có thể tạo nên may mắn.
Một người siêng năng, cần cù, luôn có sự chuẩn bị, mỗi khi thời cơ ập đến, tự nhiên sẽ vô cùng tự tin đón nhận và chụp lấy lợi ích.
Ngược lại, những người lười biếng, cái gì cũng không làm không chuẩn bị, chỉ biết đầu cơ trục lợi, khi cơ hội và vận may tìm tới, họ chỉ có thể trơ mắt nhìn nó lướt qua, rồi lại oán than vận may của bản thân không tốt.
Trong cuốn "Lý Gia Thành tự truyện" có nói rằng:
"Bạn cứ đứng đó không động đậy, tất nhiên chân bạn sẽ không bị thương; bạn càng đi nhanh, khả năng bị thương càng lớn, nhưng đồng thời tỷ lệ chớp được một cơ hội nào đó của bạn cũng sẽ càng lớn.
Qua trọng là việc ban sáng bạn phải giải quyết hoặc đưa ra phương pháp ngay trong buổi chiều. Giả sử việc phát sinh của buổi chiều có phần phức tạp, vậy thì được phép lùi lại, có thể đưa ra cách giải quyết trong vòng 24h, đồng hồ của tôi luôn chỉnh nhanh 10 phút để có thể đúng giờ tham dự cuộc gặp mặt tiếp theo."
Chỉnh đồng hồ nhanh hơn 10 phút là thói quen trong vòng nhiều năm của Lý Gia Thành, ông trùm đại gia Hồng Kông.
Đối với Lý Gia Thành, đây chính là một biểu hiện của việc nắm bắt lấy cơ hội. Tất cả những ai muốn sống sót trên thương trường, đều phải rèn luyện cho mình sự siêng năng, và giỏi nắm bắt tiên cơ.
Mỗi ngày sớm thêm 10 phút, đồng nghĩa với việc mỗi ngày có thêm 10 phút cơ hội.
Trong mắt Lý Gia Thành, thế nào gọi là tiên cơ? Khi một sự vật mới xuất hiện, khi mà chỉ có khoảng 5% người biết tới sự xuất hiện của nó, bạn nhanh chóng chớp lấy, đây chính là cơ hội, bạn làm sớm, đó chính là tiên cơ.
Khi có 50% người biết đến nó, vậy thì bạn làm một người tiêu dùng là được rồi. Quá 50%, thì thôi không cần đi tìm hiểu nữa. Đây là một trong những bí quyết làm ăn bách chiến bách thắng của Lý Gia Thành.
Muốn nắm bắt được tiên cơ, bạn phải nhanh nhạy, phải làm sớm, mà muốn làm được sớm, bạn đã phải luôn có sẵn cho mình một sự chuẩn bị sẵn sàng, mà muốn làm được, bạn cần phải không ngừng siêng năng, chăm chỉ! Vậy mới nói, cần cù, tạo ra vận khí!
Rộng lượng dưỡng đại khí
Đại khí ở đây chỉ tấm lòng bao la, rộng rãi, xởi lởi, không tính toán, chấp nhất thiệt hơn.
Càng là người thanh cao, có học thức, càng hiểu thế nào là rộng lượng, càng rộng lượng thì tấm lòng càng bao la.
Người hẹp hòi, tâm cũng hẹp hòi, tính toán, chi li, suốt ngày chỉ biết suy tính thiệt hơn.
Cụ của Tào Tháo, Tào Manh (hay Tào Tiết) nổi tiếng trong vùng là một người rộng lượng thời bấy giờ. Một lần, nhà hàng xóm có con lợn chạy mất, mà con lợn này lại giống y như con lợn nhà Tào Manh.
Hàng xóm trông thấy liền chạy sang nhà Tào Manh đòi lợn. Tào Manh không tranh cãi với hàng xóm, ông đưa luôn lợn của nhà mình cho họ.
Sau đó, người hàng xóm tìm thấy lợn của mình, biết mình sai liền tìm tới Tào Manh xin lỗi. Tào Manh chỉ cười mà không trách móc họ.
Quan hệ giữa người với người, quý ở ôn hòa, nếu cứ ghi nhớ mãi tật xấu, lỗi lầm, bới móc chuyện riêng tư của người khác, nó sẽ biến chúng ta trở thành người hẹp hòi, dần dần, ta sẽ mất đi những mối quan hệ lúc nào không hay, hoặc thậm chí còn rước thêm kẻ thù.
Ngược lại, một người khoan dung độ lượng, nhân ái xởi lởi, họ luôn đặt hòa khí với mọi người lên hàng đầu. Không có kẻ địch, cả đời tự dưng sẽ sống bình an.
Người khác có ơn với ta, ta ngàn đời không quên; người khác có thù với ta, ta ngay lập tức cho vào dĩ vãng.
Trông thấy điểm tốt của người khác, ta ngay lập tức tán dương; nhìn thấy khuyết điểm của họ, ta kín như miệng bình.
Đó chính là đạo xử thế.
Con người sống ở đời, muốn phải sống sao cho rực rỡ, sống sao cho an nhiên, thì tuyệt đối không thể thiếu đi cái tâm độ lượng, muốn độ lượng thì tấm lòng phải bao la. Tâm không rộng, trời đất tự nhiên sẽ trở nên nhỏ bé, đường đi sẽ ngày càng hẹp, thậm chí còn chẳng có đường ra.
Trong hiện thực cuộc sống, có không ít người vô cùng nóng tính, cục súc, hở ra một chút là tức giận, cáu gắt, nhưng cũng có không ít người luôn đặt chữ "hòa" lên đầu, đối với họ thì "gia hòa vạn sự hưng".
Muốn tu tâm trước tiên phải tu đức, muốn thân thanh tịnh, trước tiên phải gạt bỏ hết "máu nóng" trong người ra.
Có câu "nhẫn một lúc, mưa thuận gió hòa; lùi một bước, trời rộng sông dài."
Một người, nếu có thể đối nhân xử thế với tấm lòng bao la, độ lượng, nhường nhịn, không cãi vã, tự nhiên sẽ tránh xa được khỏi những rắc rối, thị phi, vô lo vô nghĩ, sống một cuộc đời tiêu diêu tự tại.
Thanh bạc dưỡng chí khí
Thanh bạc ở đây chỉ sự ung dung, coi nhẹ danh lợi, cám dỗ.
Chí khí ở đây là chí hướng.
Gia Cát Lượng trong cuốn "Giới tử thư" có viết: "phi đạm bạc vô dĩ minh chí, phi ninh tịnh vô dĩ trí viễn". Ý muốn nói, xem nhẹ danh lợi thế tục, mới có thể nhận rõ ra được chí hướng của bản thân; tâm an tĩnh, không vội vàng nhanh nhảu, mới có thể thực hiện được lý tưởng xa vời.
Con người sống ở đời, sẽ luôn bị đủ mọi loại cám dỗ, tham vọng vây quanh. Tâm của con người, rất dễ bị dục vọng thao túng, bởi lẽ, tâm là con ngựa chạy trên thảo nguyên, thả ra thì dễ nhưng bắt lại thì khó.
Chỉ khi ở vào trạng thái của sự thanh tịnh và thanh bạc, chúng ta mới thực sự hiểu được mình cần gì, mình muốn theo đuổi điều gì.
Và con người ta, một khí đã lập chí đi làm một việc gì đó, vậy thì nhất định phải xem nhẹ mọi cám dỗ xung quanh, không được tùy tiện nhụt chí, đừng mài mòn ý chí của mình chỉ vì theo đuổi mấy thứ ăn chơi hưởng lạc tầm thường.
Sống ở đời, xem nhẹ cám dỗ, danh lợi, thay vì mỗi ngày đều phải khư khư tính toán thiệt hơn, chi bằng hãy ung dung, thư thái dệt nên cho mình một hành trình giản đơn tuy không đầy nhung lụa gấm vóc nhưng lại giàu sức sống, rực rỡ và tràn đầy ý nghĩa.