Chứng khoán

SHS: Chứng khoán sẽ có một nhịp điều chỉnh mạnh 15-20% trước khi tăng trưởng ổn định trong năm nay

VN-Index có thể có nhịp điều chỉnh mạnh 15-20% trong năm nay

Trong báo cáo chiến lược năm 2025, Chứng khoán SHS đưa ra góc nhìn lạc quan về triển vọng thị trường chứng khoán. Yếu tố tích cực đến từ nền kinh tế tăng trưởng tốt, kỳ vọng tăng trưởng trung bình lớn hơn 8%/năm trong giai đoạn 2025-2030, lãi suất ổn định trên nền thấp, lạm phát kiểm soát tốt, kỳ vọng nâng hạng thị trường và vốn hóa thị trường tương đối hấp dẫn so với nền kinh tế, GDP.

Tuy nhiên, yếu tố rủi ro, bất định có thể đến từ việc nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khi chênh lệch lãi suất vẫn ở mức cao, thị trường không có nguồn cung chất lượng mới; Tỷ lệ dự nợ vay ký quỹ ở mức cao; Căng thẳng địa chính trị trên thế giới; Diễn biến kinh tế thế giới, Việt Nam trước áp lực áp đặt thuế quan của Mỹ.

SHS: Chứng khoán sẽ có một nhịp điều chỉnh mạnh 15-20% trước khi tăng trưởng ổn định trong năm nay- Ảnh 1.

Năm 2025, đội ngũ phân tích SHS nhận định giá cổ phiếu cơ bản tốt đang ở nền giá cao trong khi các nhóm cổ phiếu khác lại kinh doanh suy yếu tạo khó khăn trong việc lựa chọn cơ hội đầu tư có định giá tốt với cổ phiếu cơ bản. Trong năm nay, VN-Index có thể có sự biến động rất mạnh với một đợt điều chỉnh mạnh từ 15% - 20% trước khi thị trường tăng trưởng ổn định trở lại trong trung và dài hạn sau đó.

Thị trường tích cực hơn khi các yếu tố tích cực duy trì, rủi ro bất định hạ nhiệt. Thị trường bất động sản khởi sắc, các doanh nghiệp bất động sản thoát khỏi giai đoạn suy thoái, doanh thu, lợi nhuận, dòng tiền cải thiện mạnh. Thị trường tiêu cực hơn khi các yếu tố rủi ro bất định vẫn duy trì, gia tăng, nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, thị trường tài chính Mỹ, vàng, tiền kỹ thuật số... suy giảm trong năm 2025.

Thị trường sẽ tăng trưởng khi tỷ lệ cho vay ký quỹ giảm về mức hợp lý

Một yếu tố khác được nhấn mạnh là tỷ lệ cho vay ký quỹ đang ở mức cao kỷ lục. Giai đoạn 2023-2024, dư nợ cho vay ký quỹ liên tục tăng và đạt mức đỉnh  trong cuối quý 2/2024. Tỷ lệ dự nợ trên vốn hóa HOSE cũng lập mức cao mới 4,2% vượt các mức kỷ lục quý 1/2022, thời điểm VN-Index ở mức 1.500 điểm.

SHS: Chứng khoán sẽ có một nhịp điều chỉnh mạnh 15-20% trước khi tăng trưởng ổn định trong năm nay- Ảnh 2.

Tỷ lệ sử dụng đòn bẩy dư nợ gia tăng thể hiện dòng tiền mới gia tăng vào thị trường yếu hơn áp lực bán ròng đột biến của khối ngoại. Đây cùng là một phần nguyên nhân VN-Index tích lũy trong biên độ hẹp trong năm 2024.

Trong năm 2025, để thị trường chung có thể tăng trưởng tốt, tỉ lệ dư nợ vay ký quỹ trên vốn hóa thị trường có thể cần giảm về mức 3,5- 3,7% tương đương thời điểm cao nhất năm 2021-2022. Điều này có thể cải thiện nhờ khối ngoại giảm áp lực bán ròng, dòng tiền mới gia tăng vào thị trường tốt hơn, doanh nghiệp tăng trưởng tốt...

Xét về định giá, P/E của VN-Index đang ở mức 14,84, thấp hơn P/E trung bình 10 năm (16,6x) và trung bình 5 năm (17,1). Với mức P/E Forward 11,4 được xem là khá hấp dẫn so với triển vọng tăng trưởng hiện nay. Tuy nhiên cần lưu ý P/E thấp do lợi nhuận nhóm ngân hàng rất lớn kéo theo mức P/E chung thị trường xuống thấp.

SHS: Chứng khoán sẽ có một nhịp điều chỉnh mạnh 15-20% trước khi tăng trưởng ổn định trong năm nay- Ảnh 3.

Với quan điểm trên, SHS đưa ra 5 nhóm cổ phiếu tiêu biểu trong năm 2025.

Thứ nhất, ngân hàng với tăng trưởng tín dụng tiếp tục được thúc đẩy trong năm 2025. Kỳ vọng thị trường BĐS chạm đáy và phục hồi, nguồn cung gia tăng. Tuy nhiên, NIM có khả năng giảm do cạnh tranh lãi suất cho vay giữa các ngân hàng và rủi ro nợ xấu tiềm ẩn, đặc biệt ở nhóm ngân hàng tư nhân nhỏ.

Thứ hai BĐS KCN có thể hưởng lợi khi dòng vốn FDI tiếp tục duy trì tích cực nhờ chi phí rẻ và xu hướng dịch chuyển "Trung Quốc + 1". Hạ tầng tiếp tục được đầu tư mạnh mẽ giúp thúc đẩy tiềm năng phát triển các khu công nghiệp.

Thứ ba, logistics đón chờ cuộc cách mạng mới. Dự báo 10 - 15 năm tới logistics đóng vai trò quan trọng và là lĩnh vực tăng trưởng nhanh nhất trong nền kinh tế, phấn đấu đạt 20% GDP.

Thứ tư, dịch vụ tài chính  với triển vọng từ định giá hấp dẫn hơn và nâng hạng thị trường lên SEM tại kỳ đánh giá tháng 9/2025 của FTSE, giá trị giao dịch trung bình dự kiến tăng khoảng 11% - 12%, hỗ trợ KQKD của các CTCK. Nhóm CTCK có lợi thế về khách hàng tổ chức nước ngoài là nhóm được hưởng lợi nhiều nhất khi thị trường nâng hạng.

Thứ năm, công nghệ viễn thông có tiềm năng tốt từ nhu cầu đầu tư cho công nghệ gia tăng trên toàn cầu cùng xu hướng AI sẽ là động lực quan trọng cho các công ty công nghệ VN trong mảng cung ứng dịch vụ. Chủ trương, chính sách thúc đẩy CNTT cùng với lợi thế về nhân lực là điều kiện để VN tận dụng được làn sóng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và tham gia vào chuỗi giá trị bán dẫn, AI toàn cầu.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm