Doanh nghiệp

Cổ đông nước ngoài bán cổ phiếu, một công ty của PVN "sạch" vốn ngoại

Cổ đông ngoại liên tục bán ra cổ phiếu, một công ty của PVN còn bị 'rút' sạch - Ảnh 1.

Khối ngoại liên tục bán ròng cổ phiếu Việt Nam - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Gần đây nhiều nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đã rút vốn khỏi nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Giá trị bán ròng của khối ngoại tiếp tục được ghi nhận trong tháng đầu năm 2025, sau khi trải qua một năm rút kỷ lục năm ngoái.

Doanh nghiệp lục đục, cổ đông ngoại "chạy"

Technip Energies (M) SDN. BHD., một cổ đông ngoại, vừa có báo cáo gửi Ủy ban Chứng khoán về việc bán toàn bộ 2,5 triệu cổ phiếu PVE của Tổng công ty Tư vấn thiết kế Dầu khí - CTCP (PV Engineering).

Sau giao dịch, Technip Energies (M) SDN. BHD - nhà đầu tư tổ chức đến từ Malaysia đã giảm sở hữu tại PV Engineering từ 10% xuống 0%.

Đáng chú ý, cổ đông này rút chân khỏi PV Engineering trong bối cảnh doanh nghiệp có nhiều biến động về nhân sự lãnh đạo.

Theo biên bản được gửi Ủy ban Chứng khoán, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) đã đứng ra triệu tập họp đại hội đồng cổ đông bất thường. Tại cuộc họp, hàng loạt nhân sự trong hội đồng quản trị đã bị miễn nhiệm.

PVN hiện nắm 29% vốn của PVE. Ông Tạ Đức Tiến, người đại diện vốn PVN tại PVE, vừa được bổ nhiệm làm chủ tịch hội đồng quản trị doanh nghiệp này.

Ngoài ông Lê Hữu Bốn bị miễn nhiệm chức chủ tịch, còn có 3 thành viên khác trong hội đồng quản trị và nhiều thành viên trong ban kiểm soát cũng không còn đảm nhận nhiệm vụ từ ngày 8-1.

Ngoài ra, biên bản cuộc họp bất thường cũng tường thuật lại việc thành viên hội đồng quản trị PVE đã nhận trách nhiệm do không làm tròn trách nhiệm, không chỉ đạo được tổng giám đốc...

Về tình hình kinh doanh, báo cáo tài chính cho thấy 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu của PVE ghi nhận ở mức gần 82 tỉ đồng, giảm gần 40% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của PVE giảm 24%, còn 921 triệu đồng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PVE thuộc diện cảnh báo và hạn chế giao dịch. Thị giá sau một thời gian đi xuống hiện chỉ còn 2.200 đồng/cổ phiếu.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng ghi nhận sự rút lui của cổ đông ngoại

Cũng trong đầu năm 2025, quỹ đầu tư Tael Two Partners đã thông báo tới Ủy ban Chứng khoán việc đã bán toàn bộ 5 triệu cổ phiếu VNS của Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun).

Với việc đưa tỉ lệ sở hữu về 0% sau giao dịch, cổ đông ngoại đã chính thức rút khỏi hãng taxi lớn của Việt Nam sau hơn 11 năm rót vốn.

Trước đó theo đăng ký giao dịch, Tael Two Partners muốn bán số cổ phần nêu trên trong giai đoạn từ ngày 19-12-2024 đến ngày 17-1-2025. Tuy nhiên, tính đến ngày 6-1, quỹ này đã hoàn tất việc bán ra theo phương thức thỏa thuận.

Sau 10 năm rót vốn, Tael Two Partners có thể đã nhận về hơn 140 tỉ đồng cổ tức từ hãng taxi Việt. Nhưng nếu tính về thị giá cổ phiếu, khoản đầu tư của quỹ ngoại này đang lỗ khá lớn. Kết phiên ngày 7-1, mỗi cổ phiếu VNS chỉ còn có giá 10.400 đồng.

Việc thoái vốn khỏi VNS cũng được Tael Two Partners thực hiện gần 1 năm nay, trong bối cảnh hãng taxi này kinh doanh gặp nhiều khó khăn, giá cổ phiếu đi xuống.

Ở nhiều tập đoàn lớn trong VN30 cũng ghi nhận động thái bán ra cổ phiếu từ khối ngoại. 

Năm ngoái, sau khi bán 76 triệu cổ phiếu MSN, tỉ lệ sở hữu của SK Group tại Masan cũng chỉ còn 3,67% vốn điều lệ. Đồng thời, SK Group không còn là cổ đông lớn tại Masan.

Mới đây, Vingroup (VIC) cho biết SK Investment Vina II (thuộc SK Group) đã đăng ký bán ra hơn 50,8 triệu cổ phiếu theo phương thức thỏa thuận từ 16-1 đến 14-2. Mục đích giao dịch là nhằm tái cơ cấu danh mục đầu tư.

Nếu thực hiện thành công giao dịch này, tập đoàn đến từ Hàn Quốc chỉ còn nắm hơn 180,6 triệu cổ phiếu. Đồng nghĩa, tỉ lệ sở hữu cũng giảm tương ứng từ 6,05% về 4,72% vốn, tức không còn là cổ đông lớn.


Trái ngược với những kỳ vọng về sự quay trở lại của dòng vốn ngoại, năm 2024 lại là năm bán ròng kỷ lục của khối ngoại với cổ phiếu Việt Nam.

Cụ thể, theo dữ liệu từ Fiintrade - nền tảng phân tích giao dịch chứng khoán của Fiingroup, trong năm 2024 nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng tổng cộng hơn 93.000 tỉ đồng (3,7 tỉ USD) cổ phiếu Việt Nam, trong đó bán ròng trên HoSE khoảng 90.000 tỉ đồng, gấp gần 4 lần năm 2023.

Như vậy, lũy kế 5 năm từ sau khi dịch COVID-19 xuất hiện, nước ngoài đã bán ròng tổng cộng 167.200 tỉ đồng, gần gấp đôi giá trị họ mua ròng trong 13 năm trước đó (2007 - 2019). Đáng chú ý trong tháng 1-2025, khối ngoại tiếp tục bán ròng cổ phiếu Việt Nam với giá trị ghi nhận gần 7.000 tỉ đồng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm