Trong đó, ông Nguyễn Đức Tài muốn mua một triệu cổ phiếu MWG của Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động từ 14/11 đến 13/12 theo phương thức khớp lệnh hoặc thoả thuận. Nếu mua đủ số lượng cổ phiếu đăng ký, ông Tài sẽ sở hữu hơn 35,1 triệu cổ phiếu Thế Giới Di Động, tương ứng tỷ lệ 2,4%.
Còn CEO Trần Huy Thanh Tùng đăng ký mua 500.000 cổ phiếu MWG từ 11/11 đến 9/12. Sau giao dịch, ông Tùng sẽ sở hữu 11,1 triệu cổ phiếu MWG, tương ứng tỷ lệ 0,76%.
Cổ phiếu MWG ngay lập tức phản ứng với thông tin lãnh đạo công ty muốn "bắt đáy". Mã này đảo chiều từ mức giảm hơn 3% trong phiên sáng thành tăng 4,6% trước giờ đóng cửa, hiện giao dịch ở vùng 44.800 đồng và cắt chuỗi giảm hết biên độ hai phiên liên tiếp.
Tuy nhiên, so với đầu năm, MWG hiện vẫn giảm đến 33,6% (theo giá điều chỉnh sau khi phát hành cổ phiếu để trả cổ tức). Cổ phiếu này đang ở vùng giá thấp nhất 15 tháng qua. Nếu căn cứ theo mức giá hiện tại, Chủ tịch Thế Giới Di Động sẽ phải chi gần 45 tỷ đồng để mua cổ phiếu MWG.
Lần gần nhất ông Tài giao dịch cổ phiếu này là cách đây một năm. Người đứng đầu Thế Giới Di Động khi đó bán một triệu cổ phiếu vì nhu cầu tài chính cá nhân. MWG giai đoạn đó dao động quanh 130.000-135.000 đồng, mức cao nhất trong năm 2021 và liên tục được các công ty chứng khoán khuyến nghị mua vào.
9 tháng đầu năm nay, Thế Giới Di Động đạt doanh thu hơn 102.800 tỷ đồng và lãi sau thuế 3.480 tỷ đồng, tăng lần lượt 18% và 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức lợi nhuận này mới đạt phân nửa chỉ tiêu cả năm của doanh nghiệp. Tính riêng quý III, đại gia bán lẻ này lãi hơn 900 tỷ đồng. Đây là quý thứ 3 liên tiếp Thế Giới Di Động ghi nhận lợi nhuận đi xuống.
Trong quý cuối năm, doanh nghiệp này sẽ dừng mở mới cửa hàng, ngoại trừ những cửa hàng có tính thử nghiệm hoặc có thể mang lại lợi nhuận ngay lập tức. Doanh nghiệp này muốn ưu tiên bảo vệ dòng tiền hoạt động nhằm trụ vững qua giai đoạn thách thức và tăng tốc trở lại khi thị trường thuận lợi hơn.