Chứng khoán

Sếp doanh nghiệp bất động sản liên tục mua bán cổ phiếu

Giữa tuần này, ông Nguyễn Trọng Thông, người sáng lập Tập đoàn Hà Đô, đăng ký mua 3,25 triệu cổ phiếu HDG để tăng sở hữu tại đây lên 32,8%. Một ngày sau, ông Nguyễn Trọng Minh - con trai ông Thông, đồng thời là Tổng giám đốc Hà Đô - cũng muốn gom thêm 4 triệu cổ phiếu.

Cổ phiếu HDG đang trong nhịp tăng mạnh, từ vùng giá dưới 20.000 đồng vào đầu tháng 4 lên trên 26.000 đồng. Theo giá đóng cửa phiên cuối tuần, cha con nhà sáng lập Tập đoàn Hà Đô có thể chi hơn 190 tỷ đồng để mua khối cổ phiếu vừa đăng ký.

Cùng giai đoạn này, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Địa ốc Hoàng Quân, đang mua 25 triệu cổ phiếu để tăng sở hữu lên 8,6%, qua đó trở thành cổ đông lớn. Trước đó một tháng, ông Tuấn đã mua 23 triệu cổ phiếu.

Giao dịch được người đứng đầu Địa ốc Hoàng Quân công bố vài ngày trước phiên họp cổ đông thường niên. Khi phiên họp diễn ra, ông Tuấn cho biết "thương" cổ đông cũng như bản thân và gia đình mình bởi đầu tư rất nhiều vào cổ phiếu HQC, trong khi vùng giá hiện tại (3.000 đồng) chưa phản ánh đúng sức khỏe thực tế và nội tại doanh nghiệp. Ông cho rằng nếu tính theo giá trị sổ sách, cổ phiếu phải đạt 15.000 đồng.

Giao dịch chứng khoán tại sàn Yuanta ở quận 1, tháng 3/2021. Ảnh: Quỳnh Trần/VnExpress

Giao dịch chứng khoán tại sàn Yuanta ở quận 1, tháng 3/2021. Ảnh: Quỳnh Trần/VnExpress

Ở chiều ngược lại, không ít lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản và người thân của họ liên tục bán ra cổ phiếu.

Gần đây nhất, 5 cổ đông liên quan Chủ tịch Hội đồng quản trị Novaland Bùi Thành Nhơn đã đăng ký bán gần 19 triệu cổ phiếu để cân đối danh mục đầu tư, hỗ trợ cơ cấu nợ và các lý do cá nhân. Đến cuối tuần này, ông Bùi Cao Nhật Quân (con trai ông Nhơn) thông báo đã bán xong 2,9 triệu cổ phiếu để giảm tỷ lệ sở hữu xuống 3,86%, tương đương 75,3 triệu cổ phiếu.

4 cổ đông khác đang trong thời gian giao dịch là NovaGroup, Diamond Properties và vợ con ông Nhơn là bà Cao Thị Ngọc Sương và Bùi Cao Ngọc Quỳnh.

Với lý do giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân, ông Lê Minh Tuân - Chủ tịch Công ty cổ phần Phát triển đô thị Từ Liêm (mã chứng khoán: NTL) cũng mới bán 2 triệu cổ phiếu, còn một thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc công ty này bán gần 1 triệu cổ phiếu khi thị giá hồi phục sau nhịp giảm mạnh.

Tương tự, một lãnh đạo cấp cao của Rox Key Holdings (mã chứng khoán: TN1) - doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý và vận hành bất động sản - lên kế hoạch bán hơn 343.000 cổ phiếu để cơ cấu lại khoản đầu tư. Sau giao dịch, lãnh đạo này chỉ còn sở hữu 300 cổ phiếu.

Giao dịch cổ phiếu của lãnh đạo các doanh nghiệp bất động sản sôi động khi hiệu suất chung của ngành này vượt trội so với VN-Index. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu bất động sản tăng 38%, trong khi chỉ số đại diện cho sàn TP HCM tăng chưa đến 4%. Tỷ trọng đóng góp vốn hóa của nhóm này đang xấp xỉ 16%.

Trong tháng 5, cổ phiếu bất động sản cũng đang dẫn đầu về hiệu suất sinh lời khi tăng hơn 25%, chủ yếu nhờ sự đóng góp của các cổ phiếu liên quan đến Vingroup gồm VIC, VHM, VRE và VPL.

Nói với VnExpress cách đây không lâu, ông Đỗ Thạch Lam, Trưởng phòng Trung tâm phân tích, Công ty Chứng khoán Rồng Việt, lạc quan về triển vọng cổ phiếu ngành này sau giai đoạn khó khăn chung của thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản.

Những tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025, cổ phiếu bất động sản kém hấp dẫn nhà đầu tư bởi nguồn cung thị trường mới ở bước đầu của giai đoạn hồi phục. Bên cạnh đó, 3 bộ luật gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản được ban hành nhưng vì độ trễ của chính sách nên cần thêm thời gian để thấy chuyển động rõ nét ở các doanh nghiệp vướng pháp lý.

Theo ông Lam, hiện tại, cổ phiếu ngành này có sự phân hóa rõ hơn. Những mã ghi nhận mức tăng mạnh và thanh khoản lớn chủ yếu thuộc về doanh nghiệp có nền tảng tài chính tương đối tốt, đặc biệt là có danh mục dự án tốt, pháp lý đầy đủ hoặc hưởng lợi từ đầu tư công. Đà tăng có thể tiếp diễn khi nhóm bất động sản được dự báo nhân tố chính dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận quý II.

Các tin khác

Giá vàng đồng loạt giảm mạnh

Vào lúc 9h sáng nay (26/5), Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 117 - 120 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, giảm 2 triệu đồng/lượng mua vào và 1 triệu đồng/lượng bán ra so với đầu giờ sáng.

Môi trường nuôi dưỡng mọi hành trình tại HEINEKEN Việt Nam

Tại HEINEKEN Việt Nam, lộ trình phát triển của mỗi cá nhân được định hình thông qua những cơ hội và thử thách trong mọi giai đoạn của sự nghiệp. Mọi thành viên đều được trao quyền để thể hiện năng lực, học hỏi để trở thành phiên bản tốt hơn.

Thời tiết miền Bắc những ngày tới

Miền Bắc sẽ có 2 ngày ít mưa, nắng nhẹ (26-27/5), nền nhiệt thấp như mùa thu. Từ 28-29/5, khu vực này đón một đợt mưa dông lớn vào giữa tuần.

Dùng AI truy tìm nguyên nhân động đất kích thích tại Việt Nam

TPO - Các nhà khoa học Viện Các Khoa học Trái đất, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã thành công trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo cùng các kỹ thuật thống kê hiện đại để phân tích vùng, nguồn phát sinh và quy luật hoạt động của động đất kích thích khu vực hồ chứa thủy điện Lai Châu, mở ra khả năng ứng dụng AI trong “truy tìm” nguyên nhân gây động đất kích thích.

"Con nhà đại gia" mua cổ phiếu ồ ạt

TPO - Ông Nguyễn Trọng Minh, con trai ông Nguyễn Trọng Thông - cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hà Đô - muốn chi hơn trăm tỷ mua vào 4 triệu cổ phiếu HDG; ông Lê Viết Hiếu, con trai của ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình - sẽ bỏ ra số tiền khoảng 3 tỷ đồng để mua vào 500.000 cổ phiếu HBC.

Ông Donald Trump dọa áp thuế 25% với iPhone sản xuất ngoài nước Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tuyên bố sẽ áp mức thuế ít nhất 25% đối với các mẫu iPhone được sản xuất bên ngoài nước Mỹ, trong đó có cả những sản phẩm từ Ấn Độ và Trung Quốc. Phát ngôn này đã khiến cổ phiếu Apple lao dốc, đồng thời làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại mới xoay quanh các mặt hàng công nghệ tiêu dùng.

Dịch bệnh COVID-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng gia tăng: Bộ Y tế ra công điện hỏa tốc

Theo Bộ Y tế, hiện nay tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Nhiều quốc gia đang ghi nhận sự gia tăng của các bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng, COVID-19… Trong nước, dù dịch bệnh vẫn cơ bản được kiểm soát, nhưng đã xuất hiện xu hướng gia tăng cục bộ tại một số địa phương.