Doanh nghiệp

Bị ngừng mua điện đột ngột, Trung Nam kêu cứu Chính phủ

Ngày 31/8 vừa qua, Công ty Mua bán điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có văn bản số 6082 thông báo dừng khai thác đối với phần công suất chưa có cơ chế giá điện của nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam công suất 450MW. Theo đó, EVN dừng khai thác đối với phần công suất 172,12MW kể từ 0h ngày 1/9 do chưa có cơ chế giá điện.

Tháng 2/2022, EVN từng có văn bản thông báo sẽ ngưng mua phần công suất chưa có giá điện (40% trên tổng công suất dự án) nhưng sau đó đã thu hồi văn bản.

Cùng ngày EVN thông báo dừng khai thác lần 2, chủ đầu tư dự án – Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam (thuộc Tập đoàn Trung Nam) ngày 31/8 đã có văn bản gửi Chính phủ, Bộ Công thương, EVN và Công ty Mua bán điện kiến nghị tiếp tục huy động công suất chưa có giá bán điện.

Theo văn bản, Trung Nam cho biết dự án điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450MW đã đi vào hoạt động hơn 16 tháng, được EVN huy động công suất của toàn dự án, trong đó có một phần công suất của dự án chưa xác định được giá bán điện cụ thể làm cơ sở thanh toán cho nhà đầu tư.

Đây là dự án đầu tư có điều kiện được tỉnh Ninh Thuận tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó, nhà đầu tư đã xây dựng trạm biến áp, đường dây 500kV Thuận Nam – Vĩnh Tân với tổng kinh phí gần 2.000 tỷ đồng và sẽ bù đắp bằng doanh thu bán điện từ việc khai thác toàn bộ công suất dự án 450MW.

Trung Nam cho biết do phần công suất chưa xác định giá bán điện chưa được thanh toán trong khoảng 22 tháng khai thác, cùng với đại dịch COVID-19 bùng phát trong 2 năm, dự án bị cắt giảm công suất phát liên tục kéo dài, song song với việc nhà đầu tư phải gánh chịu phần chi phí truyền tải cho các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, đã tác động rất xấu đến dòng tài chính của nhà đầu tư, khiến nhà đầu tư không đủ nguồn tài chính để hoàn thành nghĩa vụ cam kết với đơn vị tài trợ vốn.

"Khi dừng huy động 40% công suất của dự án theo văn bản của Công ty mua bán điện đồng nghĩa dự án chỉ vận hành đạt 60% so với thiết kế, sẽ phá vỡ cam kết của nhà đầu tư về phương án tài chính được tổ chức tín dụng thống nhất, dẫn đến dự án mất khả năng cân đối trả nợ vay. Trong khi đó các nhà đầu tư khác cũng như EVN lại được hưởng lợi trên đường dây truyền tải 500kV do chính nguồn vốn của Trung Nam đã bỏ ra để đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải giải tỏa công suất", phía Trung Nam cho biết.

Bị ngừng mua điện đột ngột, Trung Nam kêu cứu Chính phủ - Ảnh 1.

Trạm biến áp và đường dây 500kV có vốn đầu tư lên tới 2.000 tỷ đồng đã được bàn giao 0 đồng cho Nhà nước. Ảnh: Internet

Mặt khác, theo hợp đồng mua bán điện đã ký với EVN, Trung Nam cho rằng việc dừng huy động công suất chưa có giá điện là không phù hợp theo các điều khoản đã thỏa thuận giữa Trung Nam và EVN. Cụ thể, theo Khoản 5 Điều 4 Hợp đồng mua bán điện số 5, trường hợp đến hạn thanh toán nhưng chưa có văn bản thống nhất của Bộ Công thương về việc một phần nhà máy điện hoặc toàn bộ nhà máy điện được áp dụng giá điện, các bên thống nhất ghi nhận sản lượng điện giao nhận, tiền điện sẽ được thanh toán sau khi có văn bản thống nhất của Bộ Công thương.

“Ngoài ra, Điều 9 hợp đồng đã nêu rõ EVN nếu cắt giảm công suất thì phải thông báo trước 10 ngày. Tuy nhiên, phía EVN thông báo vào ngày 31/8 là 0h ngày 1/9 cắt, tức chưa đến 1 ngày”, đại diện Trung Nam trao đổi.

Bên cạnh đó, phía Trung Nam cũng cho biết trong thời gian chờ bàn giao trạm biến áp 500kV Thuận Nam cho EVN, dự án này đang chịu chi phí truyền tải cho các dự án năng lượng tái tạo khác tại Ninh Thuận với tổng sản lượng lên đến 4,2 tỷ kWh, tương ứng 360 tỷ đồng, và chịu chi phí quản lý vận hành trạm biến áp 500kV Thuận Nam khiến nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn và chịu áp lực lớn trong việc trả nợ ngân hàng theo phương án tài chính.

Do vậy, phía Trung Nam đã đề nghị EVN xem xét tiếp tục huy động và ghi nhận sản lượng đối với phần công suất chưa có giá điện của dự án. "Công ty cam kết tuân thủ chặt chẽ các quy định và yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến việc thực hiện thanh toán sau khi cơ chế giá được áp dụng, không có bất kỳ khiếu nại, khiếu kiện", Trung Nam khẳng định.

Liên quan đến dự án, ngày 15/9/2021 Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì họp với các Bộ ngành và UBND tỉnh Ninh Thuận để giải quyết kiến nghị từ chủ đầu tư dự án. Phó Thủ tướng đã đề nghị EVN xem xét ưu tiên huy động công suất của Nhà máy vì đây là dự án đã tham gia đầu tư hạ tầng truyền tải và đang truyền tải hộ các dự án khác trong khu vực. Tại cuộc họp này, đại diện EVN đã khẳng định riêng đối với Dự án ĐMT Trung Nam Thuận Nam, EVN sẽ ưu tiên cắt giảm công suất phát của dự án dưới 3% do dự án đã hỗ trợ truyền tải cho nhiều dự án khác trong khu vực.

Các tin khác

Giá vàng tiếp tục tăng

Sáng nay (11/5), giá vàng trong nước tiếp tục tăng. Theo đó, vàng miếng SJC lên mốc 122 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn cao nhất 120 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC giảm mạnh

Sáng nay (9/5), giá vàng trong nước giảm mạnh. Theo đó, vàng miếng SJC về quanh mốc 120 triệu đồng/lượng.

Miền Bắc mưa đến bao giờ?

Sáng nay (1/5), mưa lớn đã bao trùm nhiều khu vực ở miền Bắc. Dự báo trong ngày hôm nay, mưa lớn tiếp tục ở khu vực miền Bắc, từ chiều tối và đêm nay mưa giảm dần. Bắc Trung Bộ hôm nay cũng có mưa rải rác. Nam Bộ và Nam Tây Nguyên mưa dông vào chiều tối. Các khu vực khác ít mưa, ngày nắng.

Giá vàng đồng loạt giảm

Lúc 9h sáng nay (28/4), các doanh nghiệp kinh doanh vàng đồng loạt điều chỉnh giảm giá vàng SJC và vàng nhẫn.

VN-Index trở lại mốc 1.200 điểm

Mở cửa với lực bán tháo mạnh, VN-Index mất mốc 1.200 điểm nhưng sau đó dần cải thiện nhờ VIC, VHM, LPB, VNM… và chốt phiên giảm hơn 19 điểm.

Chứng khoán lao dốc

Áp lực bán ngày càng mạnh khiến VN-Index mất hơn 10 điểm, nối dài mạch giảm phiên thứ tư liên tiếp và tiệm cận vùng tâm lý 1.300 điểm.

Bamboo Airways có tổng giám đốc mới

Ông Nguyễn Minh Hải từng là Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, Tổng giám đốc Cambodia Angkor Air, nay chuyển sang làm Tổng giám đốc Bamboo Airways.

Hàng loạt điểm mới trong Dự thảo luật Nhà ở sửa đổi

Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ và lấy ý kiến rộng rãi nội dung dự luật Nhà ở (sửa đổi) để dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào tháng 10 tới; thông qua vào tháng 5/2023; và có hiệu lực từ 1/1/2024.

Hà Nội hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/nhân viên y tế

Kỳ họp thứ 9 (chuyên đề) HĐND thành phố Hà Nội ngày 12/9 đã thông qua Nghị quyết về quy định mức hỗ trợ, động viên đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc thành phố.