Tài chính

Sau vụ hồi tố "kinh điển" của Hoàng Anh Gia Lai, thêm một công ty khiến giới tài chính ngã ngửa vì "bỏ quên" hạch toán: Sau hồi tố, từ lãi nhẹ thành lỗ, từ lỗ thành lỗ to cả trăm tỷ đồng?

Giới tài chính và các nhà đầu tư chưa hết xôn xao về câu chuyện hồi tố chưa từng có tiền lệ của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) thì mới đây, một doanh nghiệp khác trong ngành xây dựng cũng có tờ trình của hội đồng quản trị (HĐQT) về việc cho phép điều chỉnh số liệu báo cáo tài chính trong quá khứ theo ý kiến kiểm toán. Đó là Công ty cổ phần Xây dựng số 9 (VC9).

Dư luận so sánh và liên tưởng câu chuyện hồi tố này với vụ việc của Hoàng Anh Gia Lai trước đó, nhưng bản chất và tác động đến lợi ích của nhà đầu tư trong hai trường hợp này khác nhau.

Trong tài liệu họp hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, Công ty cổ phần Xây dựng số 9 công bố có nội dung về việc hồi tố báo cáo tài chính năm 2019, 2020 theo ý kiến của kiểm toán. Theo đó, công ty ghi nhận lại hơn 145 tỷ đồng giá vốn hàng bán đã bị "bỏ sót" trong 2 năm 2019 và 2020, đồng thời ghi nhận tăng chi phí dự phòng phải thu khó đòi trong 2 năm 2019 và 2020 thêm 356 triệu đồng.

Theo nguyên tắc kế toán, doanh thu luôn phải đồng thời ghi nhận với giá vốn, bên cạnh đó giá vốn tăng sẽ làm giảm giá trị hàng tồn kho tương ứng. Hậu quả của việc VC9 "bỏ quên" hơn 145 tỷ đồng giá vốn hàng bán nằm trên khoản mục "Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang" làm cho lợi nhuận gộp và tồn kho đã phản ánh trên BCTC trong quá khứ của công ty cao hơn thực tế.

Năm 2019, trước hồi tố VC9 ghi nhận lãi 910 triệu đồng, sau hồi tố thành lỗ hơn 58 tỷ đồng. Tương tự, năm 2020, lợi nhuận sau thuế trước hồi tố âm gần 21 tỷ đồng, sau hồi tố lỗ gấp hơn 5 lần, lên tới 107 tỷ đồng.

Sau vụ hồi tố kinh điển của Hoàng Anh Gia Lai, thêm một công ty khiến giới tài chính ngã ngửa vì bỏ quên hạch toán: Sau hồi tố, từ lãi nhẹ thành lỗ, từ lỗ thành lỗ to cả trăm tỷ đồng? - Ảnh 1.

"Làm ngơ" ý kiến ngoại trừ hai năm liên tiếp của kiểm toán

Trong báo cáo tài chính kiểm toán độc lập năm 2019, đơn vị kiểm toán nêu ý kiến ngoại trừ: "Trong năm, Công ty chưa ghi nhận đầy đủ giá vốn hàng bán tương úng với doanh thu đã ghi nhận của một số công trình xây dựng với số tiền 29,5 tỷ đồng theo các quy định kể toán hiện hành ở Việt Nam".

Đến báo cáo kiểm toán năm 2020, kiểm toán vẫn tiếp tục nêu ý kiến ngoại trừ "Trong năm, Công ty chưa ghi nhận đầy đủ giá vốn hàng bán tương ứng với doanh thu đã ghi nhận của một số công trình xây dựng với số tiền 111 tỷ đồng theo các quy định kế toán hiện hành ở Việt Nam".

Ngoài ra, theo ý kiến của kiểm toán, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi của công ty cũng cần tăng thêm hơn 10 tỷ đồng.

Có thể thấy, ở thời điểm đầu năm 2021 khi phát hành BCTC năm 2020, nếu công ty ghi nhận điều chỉnh theo số liệu của kiểm toán thì chỉ riêng số lỗ của năm 2020 đã lớn hơn số vốn điều lệ thực góp là 120 tỷ đồng.

Nghị định 155/2020/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, trong đó theo điều 120, mục 2, công ty thuộc diện huỷ bỏ niêm yết bắt buộc do tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp.

Điều 120. Huỷ bỏ niêm yết bắt buộc

e) Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 03 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét;

Năm 2022, đã đến lúc không thể tiếp tục "làm ngơ"

Đối với VC9, việc hồi tố lại giá vốn bị "bỏ quên" trong quá khứ không thể giúp BCTC năm 2021 đẹp hơn nhưng đến thời điểm này, công ty không còn có thể tiếp tục "làm ngơ" trước ý kiến ngoại trừ của Kiểm toán. Cũng trong Nghị định 155, một trường hợp khác bị huỷ niêm yết bắt buộc là BCTC có ý kiến kiểm toán ngoại trừ trong 3 năm liên tiếp? Nếu không thống nhất được với ý kiến của kiểm toán, thì năm 2021 sẽ là năm thứ ba BCTC của công ty có ý kiến kiểm toán ngoại trừ.

Điều 120. Huỷ bỏ niêm yết bắt buộc

h) Tổ chức kiểm toán không chấp nhận thực hiện kiểm toán hoặc có ý kiến kiểm toán trái ngược hoặc từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm gần nhất của tổ chức niêm yết hoặc có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm trong 03 năm liên tiếp;

Sau khi hồi tố, lỗ luỹ kế của công ty là 163,9 tỷ đồng, lớn hơn vốn điều lệ 120 tỷ đồng, điều này khiến cổ đông của công ty vô cùng "sốt ruột" vì "án" huỷ niêm yết bắt buộc vẫn treo lơ lửng trên đầu cổ phiếu VC9.

Nhưng, cổ đông của công ty không phải lo lắng lâu, ngày 02/03/2022, một "tia sáng" đã loé lên. Trong nội dung tờ trình số 58/2022/Ttr-HĐQT lấy ý kiến Đại hội đồng cổ đông, Ban lãnh đạo đề xuất phương án khắc phục lỗ bằng cách giảm "Quỹ đầu tư phát triển" và giảm "Thặng dư vốn cổ phần" với giá trị lần lượt là 34,8 và 21,8 tỷ đồng.

Điều này đồng nghĩa với việc hơn 56 tỷ đồng từ hai khoản mục này trên BCĐKT sẽ bù đắp một phần lỗ luỹ kế, làm số dư lỗ luỹ kế giảm từ gần 164 tỷ đồng xuống còn hơn 107 tỷ đồng. Mức lỗ luỹ kế này vừa đủ giúp công ty "thoát" án huỷ niêm yết bắt buộc.

Nếu tờ trình số 58/2022/Ttr-HĐQT được thông qua, nhà đầu tư có lẽ sẽ nhìn thấy những con số trích từ tờ trình số 58 này trên BCTC kiểm toán chính thức.

Sau vụ hồi tố kinh điển của Hoàng Anh Gia Lai, thêm một công ty khiến giới tài chính ngã ngửa vì bỏ quên hạch toán: Sau hồi tố, từ lãi nhẹ thành lỗ, từ lỗ thành lỗ to cả trăm tỷ đồng? - Ảnh 4.

Gia cảnh trước đó có chút điều kiện nên VC9 đã dùng hết "của cải để dành" bù đắp một phần thua lỗ từ kết quả hoạt động kinh doanh 2 năm 2019, 2020. Nhờ đó sẽ cứu được công ty "thoát án" huỷ niêm yết?

Nói qua một chút về Quỹ đầu tư phát triển và Thặng dư vốn cổ phần.

Quỹ đầu tư phát triển được trích ra từ lợi nhuận chưa phân phối và được sử dụng vào việc đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh hoặc đầu tư chiều sâu của doanh nghiệp. Việc trích và sử dụng quỹ đầu tư phát triển phải theo chính sách tài chính hiện hành đối với từng loại doanh nghiệp hoặc quyết định của chủ sở hữu.

Thặng dư vốn cổ phần có được từ chênh lệch giữa giá phát hành và mệnh giá cổ phiếu hoặc/và chênh lệch giữa giá mua lại và tái phát hành cổ phiếu quỹ, hiểu đơn giản là lãi có được từ việc bán ra cổ phiếu quỹ.

Bản chất của phương án này là lấy tiền từ túi trái bỏ sang túi phải, tổng nguồn vốn chủ sở hữu không thay đổi, cũng không sinh ra dòng tiền cho doanh nghiệp. Nhưng chừng ấy thôi đã đủ giúp công ty "chiến thắng" Nghị định 15, và có lẽ cổ đông của VC9 sẽ hoan hỉ vỗ tay cho việc điều chỉnh này, chứ không bức xúc "đi kiện" như cổ đông của Hoàng Anh Gia Lai.

Trong trường hợp thoát được "kiếp nạn" trước mắt thì năm 2022 VC9 cũng cần phải cố gắng rất nhiều vì vốn chủ sở hữu của công ty hiện đang dương một cách rất "mong manh", chỉ còn lại hơn 9 tỷ đồng.

Nếu không thể nâng cao hiệu quả kinh doanh thì sang năm tới doanh nghiệp lại có thể phải đối mặt với tình trạng "âm vốn chủ sở hữu", cũng là một tình huống sẽ bị huỷ niêm yết bắt buộc.

Qua những câu chuyện "hồi tố" liên tiếp gần đây, nhà đầu tư khi xem xét BCTC của doanh nghiệp niêm yết nên để ý đến một chi tiết quan trọng, đó là ý kiến ngoại trừ của kiểm toán (nếu có). Với quy định pháp luật như hiện nay, trong trường hợp công ty đã có ý kiến ngoại trừ của kiểm toán trong 2 năm liên tiếp thì rất có thể đến năm thứ 3 chúng ta sẽ lại được chứng kiến một "cú quay xe" ngoạn mục của số liệu.

Việc đọc và đánh giá một cách nghiêm túc ý kiến của Kiểm toán sẽ giúp nhà đầu tư có được sự đánh giá đúng đắn, thận trọng với tình hình tài chính của doanh nghiệp bạn quan tâm.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm