Theo CNBC, tuần trước, chứng khoán đã trải qua đợt bán tháo mạnh khi giá các loại hàng hóa tăng mạnh do lo ngại về nguồn cung, đặc biệt là giá dầu tăng hơn 20%. Hiện tại, các nhà đầu tư Mỹ đang tìm kiếm sự an toàn trong trái phiếu, khiến giá tăng cao và lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng lên 1,72%. Đồng USD cũng tăng mạnh 2% trong tuần.
Tuy nhiên, các nhà dự báo nói rằng chưa thể xác định nền kinh tế Mỹ sẽ phản ứng thế nào trước cú sốc giá dầu, vốn đã tăng tới 130 USD/thùng trong ngày 7/3. Hầu hết các dự báo của họ đều nghiêng về lạm phát cao hơn và tăng trưởng thấp hơn.
Các nhà kinh tế cho biết, việc loại bỏ hoàn toàn dầu của Nga khỏi nguồn cung toàn cầu có thể đồng nghĩa với một kết cục tồi tệ hơn nhiều.
"Hậu quả của việc Nga ngừng bán hoàn toàn 4,3 triệu thùng dầu/ngày cho Mỹ và châu Âu sẽ gây ra những tác động vô cùng khủng khiếp. Quy mô của sự gián đoạn mà nó gây ra sẽ thực sự là cú sốc đối với tăng trưởng toàn cầu", JPMorgan cho biết.
Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng đang rất được các nhà đầu tư quan tâm. Dự kiến, vào cuộc họp ngày 16/3, FED sẽ đưa ra quyết định tăng lãi suất. Tuy nhiên, các quan chức FED không công khai nội dung họ định phát biểu trong cuộc họp sắp tới, khiến thị trường khó có thể đoán định FED sẽ tăng lãi suất thế nào dù khả năng tăng 0,5% là rất khó.
Trong khi đó, Dow Jones dẫn dự báo của các nhà kinh tế cho biết lạm phát sẽ tăng lên 7,8% so với cùng kỳ, vượt mức tăng 7,5% của tháng Giêng. Đây là mức lạm phát cao nhất kể từ năm 1982.
"Sẽ là một cú sốc nếu lạm phát tăng tới 8%", Marc Chandler, chiến lược gia thị trường trưởng tại Bannockburn Global Forex, cho biết.
Các nhà đầu tư cũng sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường. Tuần qua, S&P 500 đã giảm 1,3% xuống 4.328 điểm trong khi Nasdaq mất 2,85 xuống 13.313 điểm.
Paul Hickey, đồng sáng lập Bespoke, cho rằng các nhà đầu tư nên cẩn trọng ở thời điểm hiện tại. Thị trường đang vận hành giống như trong các cuộc xung đột khác. "Trong ngắn hạn, có rất nhiều sự không chắc chắn. Bạn sẽ nhìn thấy nhiều biến động nhưng rồi mọi thứ bắt đầu ổn định sau một vài tháng. Câu hỏi đặt ra là những điều này sẽ dẫn tới đâu", Hickey nói.
Dầu sôi
Tuần qua đã chứng kiến việc giá dầu tăng phi mã. Dầu WTI đã lần đầu tiên vượt 115 USD/thùng trong khi dầu Brent cũng cao kỷ lục. Tuy nhiên, đó chưa phải tất cả. Trong phiên giao dịch sáng 7/3 theo giờ châu Á, dầu Brent có lúc tăng lên 130 USD/thùng trong khi dầu WTI cũng vượt 125 USD. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy giá dầu có thể hạ nhiệt trong thời gian tới.
Trong khi đó, Mỹ đang tính tới việc trừng phạt dầu của Nga, điều có thể tạo ra một tác động trên quy mô toàn cầu. Cùng với đó, lo ngại lạm phát sẽ tăng cao hơn nữa. Không chỉ có dầu, từ kim loại tới ngũ cốc cũng đang tăng giá không ngừng. Đó là lý do các nhà kinh tế đều nâng dự báo lạm phát của họ.