Trả lời:
Phẫu thuật là một trong các phương pháp điều trị chính ung thư vú. Bác sĩ cắt bỏ khối u, hạch hoặc các cơ quan chứa khối u ác tính, có thể tái tạo ngực giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Sau mổ, bạn nên ăn đa dạng các loại thực phẩm như thịt, cá, trứng, đậu, nấm, rau xanh, trái cây, sữa... Tăng cường rau xanh, trái cây trong thực đơn hàng ngày, không nên kiêng khem quá mức vì có thể dẫn đến suy kiệt.
Thành phần chính của gạo nếp là tinh bột. Ăn nhiều gạo nếp dễ gây tăng cân nhưng cơ thể không nhận được nhiều chất dinh dưỡng khác như chất đạm, vitamin, khoáng chất, chất xơ... Gạo nếp có tính nóng, dẻo, dễ làm vết thương sưng, mưng mủ. Vết thương lâu lành có nguy cơ cao gây viêm nhiễm, để lại sẹo mất thẩm mỹ. Người có cơ địa khó tiêu ăn nhiều gạo nếp dễ đầy hơi, ợ chua... Sau phẫu thuật ung thư, bạn có thể ăn gạo nếp với lượng vừa phải tùy nhu cầu cơ thể.

Bác sĩ Mạnh tư vấn cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Cơ thể cần đủ chất dinh dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch, giảm căng thẳng, mệt mỏi trong quá trình điều trị và phục hồi sau đó. Bạn nên chọn thực phẩm tươi sống, tránh các món chế biến sẵn, chiên, xào nhiều dầu mỡ... góp phần giảm nguy cơ gây bệnh tim mạch, huyết áp, suy thận...
Bạn nên tập thể dục 15-30 phút mỗi ngày, sinh hoạt lành mạnh, giữ tinh thần thoải mái để nâng cao hệ miễn dịch, chống lại tế bào ung thư, giảm mắc các bệnh cảm cúm, ho, sốt... Nếu có dấu hiệu bất thường, bạn cần đến bác sĩ tái khám để được tư vấn phù hợp.
Khoa Ngoại Vú - Đầu Mặt Cổ
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |