CTCP Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 với mức lãi sau thuế gần 154 tỷ đồng, trong khi cả năm 2022 lãi xấp xỉ 1.017 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 2,4%.
Tính tới hết quý II/2023, tổng tài sản của DOJI gần 19.645 tỷ đồng, tăng 5% so với ngày đầu năm. Trong đó, nợ phải trả hơn 13.204 tỷ, gấp 2 lần vốn chủ sở hữu và tăng 800 tỷ so với ngày 1/1, với dư nợ trái phiếu chỉ 129 tỷ đồng.
Trên thị trường, một công ty cũng chuyên kinh doanh vàng bạc đá quý có công bố tình hình tài chính là CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ). Nửa đầu năm 2023, PNJ lãi sau thuế 1.083 tỷ đồng, bỏ xa kết quả của DOJI. Tỷ suất ROE đạt 11,9%, cách xa con số 2,4% của DOJI. Trong khi đó, tổng tài sản của PNJ gần 13.500 tỷ đồng, thấp hơn 31% so với của tập đoàn ông Đỗ Minh Phú.
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh là hoạt động kinh doanh chính của PNJ là kinh doanh trang sức, trong khi DOJI còn lấn sân sang bất động sản, và cả lĩnh vực tài chính.
Từ năm 2012, DOJI bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng, tham gia tái cấu trúc ngân hàng TPBank và sau đó đã trở thành cổ đông chiến lược của ngân hàng này.
Với lĩnh vực bất động sản, tập đoàn thành lập DOJI Land năm 2014 và sở hữu các dự án nổi bật như The Sapphire Residence và Best Western Premium Sapphire Ha Long tại TP Hạ Long (Quảng Ninh); dự án khách sạn 5 sao Diamond Halong Hotel; các dự án tổ hợp trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp và văn phòng cho thuê tại Hải Phòng,...
Tháng 4/2020, DOJI chính thức tiếp quản thêm Công ty Thế giới Kim cương - top 3 doanh nghiệp bán lẻ trang sức lớn nhất Việt Nam.
Website công ty cho biết hiện tập đoàn có 15 công ty thành viên hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con, 5 công ty liên kết góp vốn và 61 chi nhánh, gần 200 trung tâm, cửa hàng trải dài trên toàn quốc cùng với hơn 400 đại lý, điểm bán…
Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng sáng lập DOJI - người nắm giữ 70% vốn điều lệ của tập đoàn cũng đang là Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TPBank.