Tài chính

Sau Douyin, tới lượt WeChat của Tencent cũng rục rịch ship đồ ăn: Vì đâu các ông lớn Internet Trung Quốc đều lao vào giao thực phẩm?

Mới đây, WeChat - ứng dụng mạng xã hội và nhắn tin của Tencent - đã và đang bắt đầu thử nghiệm mini app giao đồ ăn tại khu vực Quảng Châu và Thâm Quyến, Trung Quốc. Mini app này cho phép người dùng tìm kiếm các dịch vụ giao nhận trong khu vực lân cận.‏

‏Tencent giải thích: "WeChat không tự cung cấp dịch vụ giao đồ ăn. Đây chỉ là một thử nghiệm nội bộ về năng lực giao diện. Mini app này nhằm dành cho các nhà cung cấp dịch vụ giao đồ ăn truy cập và khai thác."

‏Chức năng giao nhận đang thử nghiệm của WeChat hiện bao gồm đồ ăn, đồ uống, thực phẩm tươi sống và cửa hàng bách hóa. Tạm thời, không có hoa hồng trong thời gian thử nghiệm. Đội ngũ giao hàng bao gồm hai nhóm, thứ nhất là do các cửa hàng (ví dụ như KFC, siêu thị,…) tự cung cấp, thứ hai là đội giao hàng của các bên thứ ba. Việc Tencent bỏ công ‘mò mẫm’ mảng giao nhận đồ ăn cho thấy đây đang là một xu hướng đáng lưu tâm.‏

‏Vào đầu tháng 2, nền tảng vận chuyển hàng hóa nội thành Kuaigou đã chính thức gia nhập đội ngũ của Tencent. Cho đến nay, nền tảng đã bao phủ hơn 300 thành phố. ‏Trước đó, tháng 3 năm 2022, Tencent cũng ra mắt một app gọi taxi. Sau 4 tháng hoạt động, dịch vụ này đã phủ sóng hơn một trăm thành phố tại Trung Quốc.‏

‏Cho đến nay, WeChat đã tung ra một loạt các dịch vụ liên quan tới những nhu cầu sát sườn của đời sống như mua sắm, du lịch, sức khỏe hay phim ảnh. ‏Với dịch vụ giao nhận đồ ăn này, Tencent có tham vọng xây dựng một hệ sinh thái toàn diện xoay quanh mọi nhu cầu của cuộc sống thường ngày và chắc chắn sẽ đẩy nhanh thương mại hóa dự án.‏

‏Cách đây không lâu cũng đã rộ lên thông tin vào ngày 1/3/2023, Douyin sẽ cho ra mắt dịch vụ giao đồ ăn. Công ty này cũng đã lên tiếng rằng dự án giao hàng mua theo nhóm ấy hiện vẫn đang được thử nghiệm tại Bắc Kinh, Thượng Hải và Thành Đô. Trong tương lai, Douyin sẽ xem xét mở rộng thử nghiệm ở các nơi khác tùy vào tình hình thực tế chứ chưa có thời gian biểu cụ thể.‏

‏Tuy nhiên, các động thái gần đây đã tiết lộ rõ ý định tiến chân vào mảng giao đồ ăn của Douyin. Vào tháng 8 năm 2022, startup giao đồ ăn bằng xe máy Ele.me và Douyin đã cùng tuyên bố hợp tác. Qua đó, Ele.me tận dụng nền tảng mở của Douyin và các mini app đi kèm để giúp hàng triệu người bán giao đơn hàng tới tay khách.‏

‏Trên thực tế, không chỉ Tencent và Douyin mà cả những cái tên lớn khác như Kuaishou (nền tảng video ngắn, độ phủ ở Trung Quốc chỉ sau Douyin) và JD (công ty thương mại điện tử lớn thứ hai ở đất nước tỉ dân) cũng ít nhiều để lộ tham vọng tiến chân vào mảng giao đồ ăn.‏


‏Hết bán rau củ và nông sản, vì sao các gã khổng lồ Internet ở Trung Quốc lại thi nhau nhảy vào mảng giao đồ ăn? Bởi lẽ đây vốn là mảng có tần suất tiêu thụ cao. Việc triển khai dịch vụ này trên một nền tảng sẵn có (ví dụ như WeChat) có thể tăng tần suất hoạt động của người dùng, thắt chặt thói quen sử dụng và nâng cao sự gắn bó với nền tảng.‏

‏Theo báo cáo năm 2022 của iiMedia (Trung Quốc), tại nước này, 37,2% người tiêu dùng gọi ship đồ ăn 5-8 lần/tuần, 25,1% người tiêu dùng gọi ship đồ ăn 9-12 lần/tuần.‏

‏Tuy nhiên, mảng kinh doanh này vẫn để lại nhiều bài toán cho các công ty kể trên. Khi đơn hàng dày đặc, cần có sự tương thích chặt chẽ giữa đơn hàng, người bán và người ship trên nền tảng. Để làm được một hệ thống vận hành hoàn chỉnh thì đòi hỏi vốn rất cao. Ngoài ra, nếu dựa vào hợp tác với bên thứ ba như WeChat đang thử nghiệm thì rất khó để mang lại hiệu suất ổn định. Trong khi đó, khác với việc mua sắm các mặt hàng online khác, tính kịp thời lại là yếu tố quan trọng nhất trong giao nhận đồ ăn. ‏

‏Chưa kể, thị trường giao nhận đồ ăn của Trung Quốc hiện đang gần như ở trong thế "độc quyền" rất khó phá vỡ của Meituan và Ele.me. Meituan được thành lập từ năm 2010. Kể từ năm 2019, tổng thị phần của cả hai công ty này vượt quá 90%, mà trong đó Meituan đã nắm trọn 70%.‏

Tham khảo từ: Sina Finance


Cùng chuyên mục

Đọc thêm