Bất động sản

Sau cơn sốt đất điên đảo, bất động sản Bắc Giang vẫn neo giá cao, nhà đầu tư vắng bóng

Nhìn lại cơn "sốt giá" ở Bắc Giang

Ông L.V.K (Lục Ngạn, Bắc Giang) kể lại, không nghĩ rằng có một ngày, đất ở quê ông có thể lên tới tiền tỷ một mảnh. Bao năm qua, ông thấy quê mình chẳng có nhiều đổi thay, dù đường xá mở rộng và khang trang hơn. Những căn nhà xưa cũ được thay bằng căn nhà 2-3 tầng hiện đại. Nhưng đất đắt tăng gấp 3-4 lần là điều khiến ông thấy ngạc nhiên. 

Ông K. bảo, xung quanh quê ông chỉ có dự án quy hoạch trên giấy, mãi chưa tìm được chủ đầu tư nào về. Nhưng giá đất đã tăng vù vù trong vòng 2 năm nay. Lô đất sát trục đường chính lên tới 2 tỷ đồng trong. Ngay cả đất trong làng cũng được nhà đầu tư tìm mua. 

Sau cơn sốt đất điên đảo, bất động sản Bắc Giang vẫn neo giá cao, nhà đầu tư vắng bóng - Ảnh 1.

Một dự án ở Bắc Giang.

Cách đây 1 năm, các lô đất ở khu vực trung tâm, sát khu công nghiệp và thậm chí đất giáp núi cũng hút nhà đầu tư đổ xô đi mua. Báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam quý I/2021, đất nền ven các khu công nghiệp như Vân Trung, Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng, Quang Châu là điểm nóng của thị trường, giá dao động khoảng 25 - 40 triệu đồng/m2, tăng khoảng 50 - 70% so với cuối năm 2020.

Tại xã Nội Hoàng (huyện Yên Dũng, Bắc Giang) giá đất sau Tết Nguyên đán 2021 ở mức 25 - 30 triệu đồng/m2. Cơn sốt đất ập đến một số khu vực ở Bắc Giang khiến cho tình trạng mua bán, trao tay bằng cọc với suất ngoại giao diễn ra gần như phổ biến. Một số dự án chưa hoàn thiện về thủ tục pháp lý đã bắt đầu giao dịch các suất ngoại giao bằng "cọc". Nhiều môi giới khi đó còn thông báo với khách hàng: "Nếu không cọc sớm thì giá tăng theo ngày".

Sốt đất đi qua và những thương vụ đi đòi cọc

Cơn sốt đất ở Bắc Giang gần như bị dập tắt bởi Covid-19 khi tỉnh này trở thành "ổ dịch" vào hồi tháng 4/2021. Dù dịch cơ bản được kiểm soát nhưng ngay sau đó, Hà Nội cũng thực hiện chính sách giãn cách xã hội kéo dài trong nhiều tháng. Thời điểm đó, nhiều nhà đầu tư Hà Nội bị "mắc kẹt" vì tiền vốn đổ vào hàng loạt lô đất ở Bắc Giang nằm trong tình trạng "án binh bất động".

Đến thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản Bắc Giang đã rơi vào giai đoạn "trầm lắng" kéo dài. Không ít nhà đầu tư đang phải chấp nhận chôn vốn vì khó thoát hàng. Ông K. cho biết, giá đất huyện Lục Ngạn sau Tết Nguyên đán 2022 dao động hàng chục triệu/m2 đối với mảnh đất vị trí đường lớn. Giá cao nhưng đã vắng nhà đầu tư đi ô tô tới hỏi thăm, tìm mua.

Trong khi đó, anh Nguyễn Thắng (nhà đầu tư ở Hà Nội) đang dự tính xuống tiền vào thị trường Bắc Giang chia sẻ: "Mấy hôm trước tôi về Bắc Giang khảo sát lại thị trường, vắng lắm! Không sôi động, ồn ào như trước. Nếu như cách đây hơn 1 năm, về một số điểm nóng ở Bắc Giang, môi giới xuất hiện ven đường hay sát các cửa dự án, các sàn giao dịch mở la liệt thì hiện tại đã không còn. Chỉ lác đác một số môi giới hay sàn giao dịch còn cắm biển".

Tuy nhiên, anh Thắng cho biết, giá đất ở Bắc Giang hiện vẫn còn cao, gần như không có dấu hiệu cắt lỗ dù thực tế, lượng giao dịch gần như ít. Người bán muốn đẩy hàng nhanh chóng là có nhưng họ đều tâm lý neo giá lại. Nhiều lô đất nền dự án chỉ cắt lỗ nhẹ từ 3-5%, không đáng kể.

Chia sẻ với chúng tôi, anh N.T (nhà đầu tư lâu năm ở Hà Nội) tiết lộ, cơn sốt đất đi qua kéo theo hệ luỵ khiến một số người chôn vốn mãi chưa thoát. Nhưng điều đáng nói, đó là tình trạng có nhà đầu tư F0 mất tiền cọc. "Trước đó, ở Bắc Giang rộ lên giao dịch bằng cọc với suất ngoại giao. Dự án chưa ra hàng, chưa có pháp lý, nhưng suất ngoại giao đã được giao dịch sôi động. Tuy nhiên, để sở hữu suất ngoại giao, người mua chỉ được ký hợp đồng cọc với sàn. Mấy tháng qua, các sàn nhổ biển rời đi. Người mua ký với sàn, còn chẳng biết tìm chủ sàn ở đâu để lấy lại tiền cọc. Trường hợp này khá nhiều. Chỉ có số ít người mua đòi được tiền cọc". 

Anh T. cho rằng, đây chính là bài học cho nhà đầu tư muốn mua rẻ, lướt lời nhanh mà bỏ qua yếu tố pháp lý của dự án. Hệ quả sau cơn sốt đi qua là mất cọc. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư ôm vốn tới 1-2 năm ở Bắc Giang.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm