Thương vụ chuỗi phân phối heo ăn chuối Bapi HAGL dài 583 ngày của Bầu Đức
Ngày 30/12/2023, công chúng được phen bất ngờ khi CTCP tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) công bố nghị quyết hội đồng quản trị về việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần sở hữu tại Bapi Hoàng Anh Gia Lai. Sau khi hoàn tất thủ tục chuyển nhượng toàn bộ 2,75 triệu cổ phần, Bapi HAGL sẽ không còn là công ty liên kết của Hoàng Anh Gia Lai.
Ban đầu, khi mới bắt tay với công ty TNHH TM Dược phẩm Đông Á thành lập Công ty CP Bapi Hoàng Anh Gia Lai (Bapi HAGL) nhằm mục đích phát triển hệ thống bán lẻ sản phẩm thịt "heo ăn chuối", HAG chiếm tới 55% cổ phần.
Cụ thể, Bapi có vốn điều lệ ban đầu là 50 tỷ đồng, tương đương 5 triệu cổ phần, với 2 cổ đông sáng lập là HAG nắm giữ 55% và Dược phẩm Đông Á nắm giữ 40% số lượng cổ phần.
Sau màn ra mắt hoành tráng vào cuối năm 2022, bất ngờ đầu năm 2023, HAG tuyên bố chuyển nhượng bớt cổ phần của Bapi. Theo đó, bầu Đức cho biết mời thêm ông Đỗ Xuân Diện tham gia nắm 35% vốn tại Bapi và khẳng định: "Chuyển nhượng cửa hàng heo ăn chuối là kêu thêm đối tác chứ không phải lỗ".
Trước đó, vào ngày 16/01/2023, Bapi HAGL đã đăng ký thay đổi kinh doanh, tăng vốn điều lệ lên 100 tỷ đồng, tương đương phát hành thêm 5 triệu cổ phiếu. Trong số đó, HAGL mua thêm 650.000 cổ phiếu, nâng tổng số sở hữu lên 3,4 triệu cổ phiếu, tương đương 34% vốn tại Bapi HAGL. Từ đây, Bapi HAGL chuyển từ công ty con thành công ty liên kết của HAG.
Bầu Đức cũng chia sẻ ông không bán đứt Bapi như dư luận xôn xao mà muốn phát triển mạnh Bapi nhưng làm không xuể vì vậy gọi thêm vốn để phát triển.
"Còn Bapi HAGL, tôi cũng nhấn mạnh Bapi ra đời để tiêu thụ toàn bộ các sản phẩm HAGL làm ra. Mà mình tôi thì không thể ôm xuể, và nói thẳng là làm đến nay tôi chưa thấy hiệu quả dù có sản phẩm riêng biệt. Nên tôi mời anh Diện (Đỗ Xuân Diện - PV) vào với 35% vốn", ông Đức giải thích với nhà đầu tư.
Tham vọng của bầu Đức và Bapi là muốn phủ "từ trang trại đến bàn ăn, có đủ thứ người tiêu dùng cần tù thịt, rau, tỏi, ớt...". Giai đoạn này, chủ tịch HAG đã chia sẻ, Bapi sẽ không chỉ bán thịt heo ăn chuối mà còn gà đi bộ, thịt bò Lào và rau củ quả do chính HAG trồng.
Thậm chí, tại phiên họp với nhà đầu tư cùng ngày 10/02, đại diện HAG còn chia sẻ dự kiến tới 15/4 sẽ ra mắt thị trường sản phẩm rau củ quả của HAG.
Tuy nhiên, kế hoạch này đã nhanh chóng "quay xe" khi bầu Đức tìm ra "chân ái" sầu riêng. Trong cuộc họp nhà đầu tư vào tháng 8, bầu Đức cho biết định hướng của HAG trong tương lai sẽ là tập trung vào chuối - heo và sầu riêng, đồng thời tuyên bố từ bỏ kế hoạch từ "trang trại đến bàn ăn".
"Trước kia có thí điểm nuôi gà, nhưng đến nay HAGL dừng lại do hiệu quả so với các mảng hiện tại thì không bằng, đồng thời để tránh dàn trải nguồn lực. Cũng như kế hoạch trồng cây rau củ quả, thực tế đất ở Gia Lai rất tốt, nhưng hiệu quả tính ra cũng không bằng 3 mảng kia. Kế hoạch trồng rau củ quả đầu năm nay đưa ra là nhằm tận dụng hệ thống Bapi Food hiện tại, tuy nhiên sau thời gian thực hiện HAGL quyết định dừng lại, để chuyên tâm cho 3 trụ cột chính và tránh cạnh tranh trực tiếp với ngưởi nông dân", bầu Đức nói trong cuộc họp với nhà đầu tư hồi tháng 8.
"Ai nói nuôi heo lỗ là SAI BÉT", Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức)
Không công bố nguyên nhân thoái vốn tại Bapi HAGL nhưng động thái này của bầu Đức nằm trong bối cảnh HAG đã và đang tích cực bán hàng loạt tài sản từ bệnh viện, khách sạn, cổ phần,... để có dòng tiền trả nợ các nghĩa vụ đã trễ hạn nhiều năm.
Về kết quả kinh doanh, thời gian đầu, bầu Đức luôn rất tích cực chia sẻ về hiệu quả kinh tế của heo ăn chuối nhờ lợi thế sử dụng chuối loại làm thức ăn đầu vào, giảm chi phí chăn nuôi.
"Đúng là với HAGL, heo là một ngành mới, nhưng nói đến chăn nuôi heo quan trọng phải nằm ở vùng cách ly tuyệt đối được, cho nên vị trí chăn nuôi là rất quan trọng và yếu tố này HAGL đang có lợi thế rất tốt. Chưa bao giờ tôi tự tin như hôm nay, HAG sẽ làm mảng heo mạnh hơn những gì báo cáo. Nói tới nuôi heo thì HAG không có chuyện lỗ", bầu Đức chia sẻ trong một sự kiện.
Tuy nhiên, cái "dớp" giảm giá nhiều năm nay vẫn đeo đuổi ông chủ HAG. Từ cuối năm 2022 và sang 2023, giá heo hơi liên tục giảm. Hết quý I/2023, bầu Đức đã phải thừa nhận, HAG không có lãi từ chăn nuôi heo, vì giá heo giảm quá sâu.
Tuy nhiên, bầu Đức vẫn khẳng định với nhà đầu tư HAGL nuôi heo không lỗ, chỉ có Bapi lỗ do phân phối chưa ổn, nhưng lỗ không đáng kể.
“Nói HAGL nuôi heo lỗ là hoàn toàn không đúng, sai bét!” ông Đức nói tại hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư hồi tháng 8 năm ngoái và nhấn mạnh thêm: Phải phân biệt giữa HAG và Bapi là 2 pháp nhân độc lập, HAGL chỉ tham gia Bapi trên 30%, nếu lỗ thì lỗ liên kết, không nhiều.
Mặc dù vậy, lãnh đạo HAGL cũng thẳng thắn thừa nhận năm 2022 hệ thống phân phối Bapi của HAGL không đủ sức cạnh tranh, trong khi thực tế rất khốc liệt. Ngay sau khi ra đời, Bapi đã cấp tập mở gần 200 cửa hàng nhưng hệ thống này không đạt yêu cầu, ghi nhận lỗ. Vì vậy, HAGL đã giảm số lượng cửa hàng xuống chỉ còn 52 cửa hàng, siêu thị, trong đó 46 cửa hàng đặt tại TP.HCM (số liệu công bố tại cuộc họp Nhà đầu tư hồi tháng 8/2023).
Trên thực tế, thâm nhập vào thị trường thịt heo - thị trường rộng và đã sớm được khai thác bởi loạt tay chơi lớn, Bapi HAGL phải đối mặt với rất nhiều thách thức để có thể giành được thị phần.
Đến thời điểm hiện tại, theo thông tin trên website Heo Bapi HAGL, số lượng các điểm bán của Bapi HAGL co lại, chỉ còn lại 33 điểm ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hưng Yên, Đà Nẵng. Trong đó có tới 13 điểm bán tại các siêu thị Fresh Market tập trung ở TP Hà Nội.
Thoái vốn toàn bộ, bầu Đức để lại gì cho Bapi HAGL?
Sau khi "quay xe" với kế hoạch đẩy mạnh Bapi rồi quyết định bán toàn bộ cổ phần, di sản mà bầu Đức để lại cho các nhà đầu tư của Bapi HAGL có lẽ chính là Heo ăn chuối Bapi HAGL, một thương hiệu nông sản Việt được công chúng quan tâm, bàn luận ngay từ khi còn chưa ra mắt?
Ở Việt Nam, không có quá nhiều doanh nhân thu hút được nhiều quan tâm của dư luận như Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức. Công chúng luôn đầy ắp sự tò mò dõi theo những chuyển động trong kinh doanh của ông bầu này, đặc biệt mỗi lần ông triển khai kế hoạch gì đó mới.
Còn nhớ, trong lễ ra mắt sản phẩm Bapi- heo ăn chuối HAGL, bầu Đức từng tâm sự, ông đã mất ngủ, vì vui mừng, khi có được công thức thức ăn từ chuối giúp heo mau lớn, giá thành thấp.
"Lúc mới phát hiện con heo ăn chuối, tôi đã không ngủ được", Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức chia sẻ.
Sau nhiều năm vật lộn và gồng gánh khối nợ khổng lồ ngày một phình ra vì quá hạn, bầu Đức tuyên bố đã tìm được lối ra trong kinh doanh bằng mô hình trồng chuối, nuôi heo.
Theo bầu Đức, HAG đã thành công với bài toán “heo ăn chuối” khi đưa bột chuối vào chiếm 40% tỷ trọng thức ăn của heo, vừa giúp tăng chất lượng dinh dưỡng đàn heo đồng thời hạ được chi phí chăn nuôi. Điều này đã giúp HAG có lãi nhẹ vào năm 2021 và góp phần vào việc tìm lại lợi nhuận nghìn tỷ trong năm 2022 của doanh nghiệp.
Marketing thời nay luôn gắn với những câu chuyện và bầu Đức đã "kể chuyện" một cách thành công. Những chú heo ăn chuối được ra đời trong bối cảnh thăng trầm, lại hội tụ được các yếu tố cảm xúc, kịch tính,... nhờ đó nhận được sự đồng cảm cũng như chờ đón của nhiều người. Bên cạnh ý kiến ủng hộ, cũng có không ít ý kiến nghi ngờ liệu con đường này có thật sự sáng cửa như bầu Đức nói?
Dù đồng tình hay nghi hoặc, thì nội dung "Heo ăn chuối đưa HAG thoát cửa tử" vẫn là một câu chuyện có sức hút truyền thông trong năm 2022. Nhờ đó, không cần đến ngân sách quảng cáo "khủng", thương hiệu heo ăn chuối Bapi vẫn có độ nhận diện tốt và được người tiêu dùng đón nhận ngay khi mới ra mắt.
Nếu không nhờ sức hút truyền thông của Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức, một thương hiệu mới ra đời như Bapi có lẽ khó mà làm tốt được như vậy!
Cuối cùng, do Bapi HAGL chỉ là chuỗi phân phối nên động thái rút vốn của HAG sẽ không làm thay đổi kế hoạch nuôi heo ăn chuối của bầu Đức. Vị doanh nhân có sức hút truyền thông bậc nhất Việt Nam này những tháng cuối năm 2023 đang tập trung cho câu chuyện sầu riêng và trả nợ. Còn tương lai của chuỗi phân phối Bapi HAGL sau khi HAG thoái vốn thành công, tất nhiên, sẽ do người khác kể.