Từ lâu, chúng ta vẫn luôn được nhắc nhở phải ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày để tốt cho sức khỏe. Trên thực tế, kết luận về giấc ngủ này không phù hợp với tất cả mọi người, bởi mỗi cá nhân lại có thói quen sinh hoạt và thể chất khác nhau. Đối với nhiều người, việc sắp xếp giấc ngủ 8 tiếng mỗi ngày là rất khó để thực hiện, thậm chí còn có thể gây ra trạng thái căng thẳng lo âu cho cơ thể.
Hơn nữa, theo nghiên cứu liên quan của Tổ chức Y tế Thế giới, không có cơ sở nào cho thấy việc ngủ 8 tiếng mỗi ngày là chính xác cho tất cả mọi người. Vì vậy, chúng ta không thể khái quát hóa và cho rằng cơ thể sẽ khỏe mạnh nếu ngủ đủ 8 tiếng. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc con người có thể tự ý ngủ bao nhiêu giờ tùy thích. Có rất nhiều khảo sát và nghiên cứu chỉ ra rằng việc ngủ quá ít hoặc quá nhiều đều mang đến những tác động tiêu cực cho sức khỏe, thậm chí là tử vong.
Ngủ quá nhiều hoặc quá ít đều có hại cho sức khỏe
1. Ngủ quá nhiều
Các nhà nghiên cứu từ trường Đại học Manchester ở Anh đã tiến hành một nghiên cứu liên quan đến giấc ngủ với 74 người tham gia trong khoảng thời gian 11 năm. Kết quả của nghiên cứu cho thấy những người có thời gian ngủ trung bình hơn 9 giờ mỗi ngày có nguy cơ tử vong tăng 25 % so với những người khác.
Theo báo cáo của "Science Daily" Mỹ, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng đối với những người từ 60 đến 70 tuổi, nếu họ ngủ trung bình hơn 9 tiếng mỗi ngày, chức năng nhận thức của não có thể sẽ bị suy giảm. Tỷ lệ suy giảm này được chỉ ra là nhanh hơn đáng kể so với những người ngủ 6 đến 8 tiếng mỗi ngày, ngoài ra còn làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
2. Ngủ quá ít
Nghiên cứu của Matthew Walker - Giáo sư khoa học thần kinh tại Đại học California, Berkeley, đã xác nhận rằng những người chỉ ngủ 5 tiếng mỗi đêm có nguy cơ tử vong tăng 15%. Theo đó, việc thức khuya nhiều có thể khiến nhịp sinh học sẽ bị ảnh hưởng, nồng độ melatonin và cortisol vào một số thời điểm trong ngày cũng sẽ cao thấp thất thường. Tình trạng này khiến cơ thể khó ngủ vào ban đêm và dễ mệt mỏi, buồn ngủ vào ban ngày. Nếu tình trạng kéo dài có thể gây ra nhiều hệ lụy khó lường.
Một nghiên cứu do Đại học Bắc Kinh công bố trên "JAMA Network Open" cho thấy ngủ quá ít có thể làm tăng mức độ mảng amyloid và protein tau trong dịch não tủy, dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
Các nhà nghiên cứu Mỹ và Anh cũng đã phân tích thói quen đi ngủ và hồ sơ bệnh án của 461.347 bệnh nhân có độ tuổi từ 40 - 69. Dữ liệu ghi nhận thời lượng giấc ngủ và tình trạng sức khỏe trong suốt 7 năm, kèm theo những kết quả xét nghiệm gen đánh giá nguy cơ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, những người ngủ dưới 6 giờ mỗi ngày có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim lần đầu tiên cao hơn 20% so với những người ngủ từ 6-9 giờ.
Với nam giới sau 50 tuổi, ngủ mấy tiếng một ngày là tốt?
Sau tuổi 50, hoạt động của các cơ quan trong cơ thể chúng ta suy yếu, cơ thể rơi vào tình trạng suy thoái nên chúng ta cần nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe. Thói quen ngủ tốt đặc biệt quan trọng đối với những người sau 50 tuổi. Thời gian ngủ phải được xác định theo tình hình thực tế để đảm bảo sức khỏe không bị tổn hại.
Đối với nam giới sau 50 tuổi, nói chung ngủ 7 tiếng là đủ. Các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Ung thư Quốc gia Nhật Bản đã chọn 322.721 người tham gia vào nghiên cứu này. Những người tham gia đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore và Hàn Quốc. Độ tuổi trung bình là 54,5 tuổi và 55,3% (178.542 người) là phụ nữ. Một trong những kết quả cho thấy người ngủ 7 tiếng mỗi ngày có nguy cơ tử vong thấp nhất, trong khi những người ngủ quá ít (<5 giờ) hoặc quá nhiều (>10 giờ) có nguy cơ tử vong tăng đáng kể.
Trong trường hợp bình thường, bạn có thể chọn đi ngủ trước 10 giờ tối và dậy trước 7 giờ sáng. Đây là thời gian ngủ tương đối lành mạnh nhất. Nhóm nghiên cứu từ Đại học Exeter ở Anh cũng đã công bố một nghiên cứu trên Tạp chí Tim mạch Châu Âu và phát hiện ra rằng thời điểm tốt nhất để đi ngủ là từ 10 đến 11 giờ.
Tổng hợp