Sau đây là 9 kinh nghiệm quản lý nhân sự mà tôi tìm hiểu được từ anh ấy, hy vọng sẽ giúp ích được phần nào cho những ai đang chuẩn bị khởi nghiệp hoặc đã bắt đầu kinh doanh.
1. Nên tuyển nhân tài có thiên phú
Mỗi cá nhân đều là độc nhất vô nhị và có tài năng riêng của mình. Khi tuyển dụng nhân viên, yêu cầu của mỗi vị trí là khác nhau, khả năng và tài năng cần sử dụng cũng khác nhau.
Tuyển vào nhiều, mà ra đi cũng nhiều. Do đó, trong buổi phỏng vấn, bạn nên tìm hiểu kỹ hơn về quan điểm của ứng viên đối với vị trí ứng tuyển. Hãy thuê những người có tài và yêu thích vị trí công việc.
"tài năng" là giấy đảm bảo chất lượng của năng lực. "Hứng thú" là động lực để phát huy hết năng lực của nhân tài. Tài năng + yêu thích + nỗ lực = chuyên gia.
2. Dốc sức trọng dụng người trẻ tuổi
Một công ty cần có 20% nhân viên có kinh nghiệm làm việc phong phú, 80% còn lại không cần có kinh nghiệm, chỉ cần biết tự giác và hăng hái là được.
Trong công ty của người anh 8x, có rất nhiều sinh viên mới tốt nghiệp biểu hiện rất xuất sắc, và khoảng 20% nhân tài có tính tự giác hàng đầu công ty kiếm được hơn 30 triệu mỗi tháng. Thực tiễn đã chứng minh rằng những người trẻ hăng hái và có tính tự giác chấp hành tốt hơn những nhân viên công sở lớn tuổi.
3. Trọng dụng nhân viên có tính tự kỷ luật
Những người có tính tự kỷ luật tuyệt đối xứng đáng được đề bạt và trọng dụng. Người như vậy có yêu cầu rất cao đối với bản thân, do đó, họ cũng sẽ hoàn thành công việc của mình tốt nhất có thể.
Người anh 8x nói, năm ngoái, có 2 nhân viên vào công ty cùng một lúc, một người thì đến công ty sớm hơn nửa tiếng mỗi ngày để làm việc. Người còn lại thì hấp tấp chạy đi chấm công vì trễ giờ. Bây giờ hai người họ, một người là quản lý dự án lãnh đạo một nhóm 10 người, một người thì vẫn đang làm những công việc lặt vặt.
4. Đừng tuyển những kẻ lõi đời vào cấp quản lý
Những kẻ lõi đời thường ỷ vào thâm niên làm việc mà đi bắt nạt nhân viên mới. Những công việc được giao, họ đều sẽ đẩy cho những người mới đến làm, còn mình thì ngồi uống trà nhàn nhã.
Công ty của người anh 8x rất hiếm khi tuyển dụng người bên ngoài vào các vị trí lãnh đạo, cấp quản lý hiện tại đều là từ những nhân viên thâm niên nỗ lực mà leo lên. Bởi vì cấp quản lý là một vị trí trí mạng của công ty. Nếu không khéo léo, có thể bạn sẽ tự tay đưa rắn vào nhà đấy!
Công ty khi trước mà tôi từng làm là một ví dụ điển hình. Lãnh đạo đã tuyển một người rất "trâu bò" đến làm phó tổng giám đốc của chúng tôi, vào công ty chưa đầy 4 tháng, anh ta đã "khai thác" mất 20 cốt cán của công ty. Sau đó tự mình mở công ty riêng quay lại cạnh tranh với công ty tôi.
5. 3 loại nhân viên phải sa thải ngay lập tức
Bạn phải cứng rắng, những nhân viên phạm "quân quy" phải bị sa thải
Trước đây, tôi có một đồng nghiệp là người cực kỳ có năng lực, nhưng thay vì tập trung toàn bộ sức lực cho công ty, anh ta thường sử dụng nguồn lực của công ty để kiếm thêm tiền từ việc riêng. Anh ấy không bao giờ tham gia vào việc xây dựng đội ngũ và cũng không chia sẻ một tí kinh nghiệm nào cho mọi người. Không những thế còn che giấu thành quả làm việc của cả đội. Cuối cùng, anh ấy đã mang theo cả đội ra thành lập một mô hình kinh doanh riêng, lĩnh vực tương tự như công ty cũ.
Những nhân viên "thân ở Tào doanh, tâm ở Hán" như vậy nhất định phải sa thải ngay lập tức.
Những người làm nhiều việc riêng trong thời gian làm việc cũng cần phải bị thanh lý
Có một nhân viên làm việc thì bình bình, hở chút là xin nghỉ, lý do thì nhiều vô kể. Có lần anh ấy đi vội, chưa tắt máy nên có nhiều cửa sổ chat hiện lên. Hóa ra anh ấy đăng nhập 5 nick mạng xã hội cùng lúc trong giờ làm việc để tán gẫu với nhiều cô gái trẻ khác nhau. Tâm trí nằm ở nơi khác thì làm thế sao hoàn thành tốt công việc được.
Nếu bạn đã nhắc nhở họ hết lần này đến lần khác mà vẫn không chịu sửa đổi thì đã đến lúc bạn nên thẳng tay hơn, sa thải họ
Một nhân viên nọ ít khi phạm sai lầm lớn nhưng lại liên tục mắc phải những lỗi nhỏ. Khi bị chỉ ra những sai lầm thì anh ấy chỉ hứa qua loa rồi thôi chứ không thật sự sửa đổi. Tái phạm nhiều lần không còn là vấn đề về khả năng làm việc nữa, mà là vấn đề về thái độ.
6. Cơ chế khảo hạch là cần thiết
Cơ chế khảo hạch là cách tốt nhất để kiểm tra tình hình công việc. Công ty nên tổ chức kiểm tra mỗi tuần một lần, nếu tuần này không đạt chỉ tiêu thì bù vào tuần sau, cố gắng để hoàn thành chỉ số của tháng hiện tại và thưởng phạt phân minh dựa trên kết quả kiểm tra.
Tỷ phú Du Mẫn Hồng từng nói: "Một hệ thống tổ chức tốt nằm ở việc có khả năng thiết lập một cơ chế khảo hạch khoa học và công bằng. Nếu cơ chế không công bằng, nhất định sẽ bỏ sót "con sâu" lại ở trong nồi canh".
Thông qua cơ chế khảo hạch, có thể cải thiện năng lực điều hành của cấp quản lý, nhờ đó cũng nâng cao tính chấp hành của nhân viên.
7. Hệ thống tổ chức quan trọng hơn nhân tài
Một hệ thống tổ chức tốt chính là một bộ máy giỏi tạo ra nhân tài và giúp họ có thể phát huy hết tiềm lực của mình. Trong hầu hết các ngành, dù 1 người có giỏi đến đâu thì giá trị tạo ra cũng không thể sánh bằng với 3 người bình thường. Dù có nhiều nhân tài đến mấy, mà hệ thống tổ chức không tốt thì cũng không thể khai thác đúng tiềm năng của nhân tài được.
Vì vậy, các công ty cần có một hệ thống tổ chức tốt để kích hoạt giá trị lao động. Hệ thống tổ chức và cơ chế khảo hạch bổ trợ cho nhau, như vậy thì từ cấp quản lý đến nhân viên bình thường đều có thể phát huy khả năng của mình đến cực hạn.
Chỉ bằng cách bồi dưỡng những nhân viên hiện có thành nhân tài, thì chúng ta mới có thể tiếp tục tuyển dụng thêm người mới.
8. Phân công rõ ràng, phân quyền thích đáng
Sau khi công ty đã phát triển rồi, mà việc gì cũng phải cần sếp để mắt tới thì chắc chắn ngày công ty phá sản không còn xa. Phân quyền thích đáng là trao cho cấp dưới nhiều quyền hơn, việc này không chỉ có thể thúc đẩy sự tiến bộ của công ty mà còn nâng cao năng lực của nhân viên. Kể từ khi trao cho các nhà quản trị dự án nhiều quyền tự chủ hơn, công ty đã đạt được những thành tựu to lớn trong việc quản lý nhân tài và xây dựng một số đội ngũ mạnh nhất.
9. Văn hóa doanh nghiệp "chinh phục"
Khi bắt đầu thành lập công ty, sự cạnh tranh khốc liệt là điều tất yếu, sở dĩ người anh 8x có thể đứng vững đến ngày nay là vì công ty lấy "chinh phục" làm văn hóa doanh nghiệp của mình. Nhân viên gặp chuyện dám chống đỡ, gặp hào dám bắt cầu. Thay đổi từ làm việc thụ động sang làm việc chủ động, chuyển từ trốn tránh trách nhiệm sang chủ động nhận trách nhiệm khi có vấn đề phát sinh.
Văn hóa "sói" của Huawei cũng được biết đến như một văn hóa doanh nghiệp kinh điển. Chỉ tuyển dụng sói, không tuyển dụng thỏ.
Trong công ty của người anh 8x có một cô gái sinh năm 1994, cô ấy có sức chiến đấu rất cao, thành tích hàng tháng đều vượt chỉ tiêu, thưởng cao hơn lương, tổng thu nhập hàng tháng hơn 30 triệu. Những tân binh mà cô ấy đào tạo ra cũng giỏi y như cô ấy vậy. Có thể thấy rằng một nhân viên tốt sẽ không chỉ chiến đấu, mà còn dẫn dắt đội quân của mình, trở thành một con sói đầu đàn.