Pyn Elite Fund vừa công bố báo cáo hoạt động tháng 2 với hiệu suất danh mục giảm 2,85% so với tháng trước và giảm 0,21% so với đầu năm do ảnh hưởng bởi biến động các cổ phiếu như CTG, VHM, HDB và VRE. Trong khi đó, các cổ phiếu ACV, VEA, NLG, KDH là những cái tên mang đến sự tích cực cho danh mục quỹ.
Xung đột giữa Nga và Ukraine vào cuối tháng 2 đã tạo ra sự phân hóa lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Một số ngành có sự tăng trưởng tốt như năng lượng (+10%), vật liệu (+12%), ngược lại là sự sụt giảm của một số ngành như tài chính (-2,3%), bất động sản (-2,7%).
Theo đánh giá của Pyn Elite Fund, kinh tế Việt Nam sẽ không chịu tác động lớn từ căng thẳng Nga – Ukraine vì các quốc gia này chỉ chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch thương mại. Áp lực lạm phát dù có tăng nhưng vẫn có thể được kiểm soát quanh mục tiêu 4% mà Chính phủ đề ra vì các thành phần liên quan đến năng lượng (không bao gồm điện) chỉ chiếm khoảng 5% trong rổ tính CPI.
Tính tới cuối tháng 2/2022, quy mô danh mục Pyn Elite Fund đạt 857 triệu Euro (khoảng 943 triệu USD), trong đó VHM vẫn là khoản đầu tư lớn nhất với tỷ trọng 17,9%, xếp tiếp theo lần lượt là CTG (14,7%), TPB (9,9%), MBB (9,4%), VRE (9,4%)…Nhìn chung, top 10 cổ phiếu lớn nhất danh mục quỹ không có nhiều xáo trộn so với tháng trước.
Trong tháng qua, ACV là cổ phiếu nổi bật nhất danh mục Pyn Elite Fund với mức tăng trưởng 10,2% nhờ vào những kỳ vọng về sự tăng trưởng trở lại của ngành hàng không. Số lượng khách hàng nội địa tăng lên 4 triệu vào tháng 1 và 6 triệu vào tháng 2, gần tương đương mức trước Covid-19 vào năm 2020. Đây là kết quả tích cực sau khi dỡ bỏ các yêu cầu kiểm tra Covid-19 đối với du khách nội địa từ thang 1/2022.
Theo Pyn Elite Fund, việc khách nội địa hồi phục cùng với kế hoạch mở cửa dần các chuyến bay quốc tế của Việt Nam được kỳ vọng sẽ giúp lợi nhuận ACV vào năm 2023 trở lại mức tương tự năm 2019, thời điểm đỉnh cao trước dịch Covid-19 (năm 2019 ACV lãi trước thuế hơn 10.000 tỷ đồng).