Tháng 3/2020 có thể coi là cột mốc lịch sử với thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây là thời điểm dịch bệnh Covid-19 bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam và thế giới, khiến VN-Index giảm từ 900 điểm xuống dưới 700 điểm, với nhiều phiên cổ phiếu sàn hàng loạt.
Tuy nhiên, kể từ sau tháng 3/2020, VN-Index liên tục tăng, đã có lúc vượt 1.500 điểm và đóng cửa phiên 18/3 vừa qua ở 1.469,1 điểm.
Trong khi đó, cổ phiếu VNM của Vinamilk chỉ "cùng sóng" với VN-Index cho đến cuối năm 2020. Bắt đầu từ năm 2021, Vinamilk liên tục giảm giá và kết thúc phiên giao dịch ngày 18/3/2022 vừa qua chỉ còn 76.000 đồng/cổ phiếu, tương đương mức giá hồi cuối tháng 3/2020. Như vậy, sau 2 năm Covid, Vinamilk đã quay về vạch xuất phát, dù VN-Index tăng gấp hơn 2 lần.
So sánh VN-Index và VNM từ cuối tháng 3/2020 tới nay
Việc liên tục giảm giá còn khiến Vinamilk ra khỏi top 10 doanh nghiệp lớn nhất trên sàn chứng khoán, dù cách đây 2 năm là doanh nghiệp lớn thứ 4 thị trường.
Vốn hóa Vinamilk hiện tại là 159.000 tỷ đồng, đứng thứ 11. Một số doanh nghiệp có vốn hóa tăng mạnh trong 2 năm qua gồm Hòa Phát, VPBank, MB, Tập đoàn Cao su (tăng 3-4 lần).
Nếu tính về giá trị tuyệt đối, Vietcombank đứng đầu khi vốn hóa tăng thêm 172.000 tỷ trong 2 năm qua.
Giá cổ phiếu Vinamilk giảm trong bối cảnh lợi nhuận doanh nghiệp cũng vừa giảm năm 2021. Trong năm qua, Vinamilk chịu tác động tiêu cực từ giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Theo báo cáo của Công ty chứng khoán VCBS, "giá sữa bột và giá đường đã tăng khoảng 35% so với cùng kỳ. Trong các năm tới, giá sữa bột nguyên liệu đầu vào là sữa nguyên kem (WMP) và sữa tách béo (SMP) vẫn trong xu hướng tăng. Giá đường cũng trong xu hướng tăng mạnh do Việt Nam áp Thuế CBPG đối với đường có nguồn gốc từ Thái Lan."
Sang năm 2022, Vinamilk dự kiến lợi nhuận sẽ tiếp tục tăng trưởng âm với lãi trước thuế khoảng 12.000 tỷ đồng, thấp nhất 6 năm.
Tuy nhiên, Vinamilk dự kiến đến năm 2026, lợi nhuận công ty sẽ tăng lên 16.000 tỷ đồng, với doanh thu 86.200 tỷ đồng.