Tài chính

Lúng túng giảm thuế VAT: Ưu đãi thành ngược đãi

Phản ánh với PV Tiền Phong, nhiều DN chuyên thu mua sắt, thép phế liệu (trên cả nước và nhập cho các nhà máy luyện thép xây dựng) phản ánh đang rơi vào tình trạng "chết lâm sàng" trước cách hướng dẫn thiếu thống nhất của các cục thuế về các mặt hàng được miễn 2% thuế VAT. Theo đó, Nghị định 15/2022 của Chính phủ giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%, trong phụ lục các mặt hàng không được giảm thuế cũng không có sắt thép phế liệu, nhưng lại ghi “mặt hàng sắt thép chưa được xếp vào mục nào”. Khi DN phát văn bản hỏi, Cục Thuế Thái Nguyên, Vĩnh Long hướng dẫn sắt thép phế liệu được giảm VAT còn 8%, thế nhưng các tỉnh khác như Bắc Ninh lại trả lời mặt hàng này không được giảm thuế VAT (giữ nguyên mức 10%).

Trao đổi với PV Tiền Phong, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết đã nắm được sự việc và chỉ đạo nhanh chóng thống nhất cách trả lời. Còn đại diện Tổng cục Thuế cho rằng, cách hiểu sai là do nghị định quy định một số thuật ngữ chưa cụ thể.

Từ đây dẫn tới việc, các DN trên không biết ghi hóa đơn nhập và xuất hàng với mức thuế VAT nào (8 hay 10% với cùng một mặt hàng), nên không được thanh toán tiền hàng, thậm chí đối mặt rủi ro pháp lý về thuế (khi cùng mặt hàng nhưng hóa đơn đầu vào ra và ghi các mức thuế khác nhau). Để ứng phó, giữa các DN phải tự lập biên bản thống nhất mức thuế tạm thời ghi vào hóa đơn để thanh toán và chờ hướng dẫn khác của cơ quan thuế sẽ thực hiện điều chỉnh lại hóa đơn. “DN chỉ cần được hướng dẫn rõ ràng, thống nhất về mức thuế, kể cả không được giảm thuế, tránh rủi ro cho DN”, lãnh đạo Cty D.T nói.

Ông Đặng Mai Dũng, chủ DN ở Hà Nội (chuyên cung cấp dịch vụ môi giới bán hàng và hưởng hoa hồng) cũng gặp vướng với việc tính thuế VAT và ghi hóa đơn. Theo ông Dũng, trong các mặt hàng DN môi giới có thứ được giảm thuế VAT, có loại không, Cty chỉ thu phí môi giới, phần phí này cũng không biết có được giảm thuế không. Cty ông Dũng sẵn sàng xuất hóa đơn tính thuế VAT 10% (không cần giảm thuế) cho tất cả các khoản phí môi giới, nhưng lại lo không hợp lệ, sau này kiểm tra thuế có thể bị xử phạt.

 Lúng túng giảm thuế VAT: Ưu đãi thành ngược đãi  - Ảnh 1.

Trong cùng một sản phẩm làm ra nhưng có nhiều cấu kiện khác nhau, với các mức thuế VAT khác nhau, gây khó khăn cho DN trong việc tính thuế và ghi hóa đơn xuất hàng Ảnh minh họa: Như Ý

Tương tự, chị Trịnh Thị Phúc, kế toán cho một đơn vị sửa chữa ô tô ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) phản ánh, việc ghi hóa đơn cho khách hàng của đơn vị đang gặp vướng mắc về thuế VAT. Chẳng hạn, trong dịch vụ sơn xe ô tô, nguyên liệu sơn không được giảm thuế VAT, nhưng tiền công sơn lại được giảm thuế, nên không biết ghi hóa đơn thế nào cho khách. Vướng mắc tương tự cũng gặp phải với các dịch vụ sửa chữa khác đơn vị đang cung cấp. Tình trạng này cũng gây khó khăn cho các DN xây dựng và gia công cơ khí.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm