Xã hội

Sáp nhập Quảng Ngãi, Kon Tum: Tiếp nhận con em cán bộ khi chuyển nơi làm việc

Tóm tắt:
  • Sau sáp nhập, khoảng 950 cán bộ có nhu cầu di chuyển giữa Kon Tum và Quảng Ngãi.
  • Hai tỉnh đã thành lập 6 tổ công tác chung để triển khai sáp nhập.
  • Vấn đề bố trí chỗ ở và phương tiện cho cán bộ được đặc biệt quan tâm.
  • Cần nâng cấp tuyến đường nối hai tỉnh để rút ngắn thời gian di chuyển.
  • Quảng Ngãi sẽ tiếp thu ý kiến của Kon Tum về bố trí nhà ở và chính sách cho cán bộ.

Ngày 15.4, tại TT.Măng Đen (H.Kon Plông, Kon Tum), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum và Quảng Ngãi tổ chức hội nghị triển khai thực hiện chủ trương của Trung ương về việc sáp nhập tỉnh.

Sáp nhập tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum: Quan tâm đời sống cán bộ, người dân - Ảnh 1.

Kon Tum và Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện chủ trương của Trung ương về việc sáp nhập đơn vị hành chính

ẢNH: ĐỨC NHẬT

Thành lập 6 tổ công tác chung để sáp nhập tỉnh

Tại hội nghị, lãnh đạo hai địa phương đã bàn bạc, thống nhất thành lập 6 tổ công tác chung để thực hiện chủ trương sáp nhập tỉnh, gồm: tổ công tác về văn kiện đại hội; tổ công tác về đơn vị hành chính; tổ công tác về tổ chức, bộ máy, biên chế; tổ công tác về cán bộ; tổ công tác về chính sách địa phương; tổ công tác về tài chính, ngân sách và trụ sở, tài sản công.

Cũng trong chương trình, vấn đề bố trí chỗ ở và phương tiện đưa đón cán bộ từ Kon Tum đến làm việc tại Quảng Ngãi được đặc biệt quan tâm.

Kon Tum và Quảng Ngãi đều là địa bàn có địa hình miền núi, giao thông còn hạn chế. Nếu không có phương tiện đưa đón phù hợp, cán bộ công chức có thể gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại, ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần cũng như tiến độ công việc.

Hiện quãng đường từ trung tâm hành chính tỉnh Kon Tum đến trung tâm hành chính tỉnh Quảng Ngãi dài khoảng 180 km, phải đi qua hai con đèo quanh co, hiểm trở là đèo Măng Đen và đèo Vi Ô Lắc.

Việc bố trí xe đưa đón cán bộ giúp đảm bảo sự chủ động trong lịch trình, giảm thiểu rủi ro tai nạn giao thông, đồng thời thể hiện sự quan tâm của chính quyền đến phúc lợi cán bộ, góp phần nâng cao tinh thần làm việc và tính gắn kết nội bộ sau sáp nhập tỉnh.

Sáp nhập tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum: Quan tâm đời sống cán bộ, người dân - Ảnh 2.

Tuyến đường từ Kon Tum về Quảng Ngãi phải đi qua đèo Vi Ô Lắc với những khúc cua gấp, dốc cao, nguy hiểm

ẢNH: ĐỨC NHẬT

Bố trí nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức

Phát biểu tại hội nghị, ông Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, bày tỏ mong muốn hai tỉnh sớm hoàn thành việc sáp nhập tỉnh để đưa bộ máy vào hoạt động nhanh chóng và hiệu quả. Theo ông Trang, quá trình này cần đặc biệt chú trọng công tác bố trí cán bộ, nhà ở và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại giữa hai địa phương.

Ông Trang dẫn chứng, nếu cán bộ từ Quảng Ngãi lên xã biên giới của tỉnh Kon Tum thì có thể mất một ngày di chuyển. Nếu đi từ sáng, đến trưa mới tới TP.Kon Tum để ăn cơm, chiều tối mới đến nơi công tác và phải sang hôm sau mới bắt đầu làm việc.

Đối với cán bộ trẻ chưa có điều kiện mua nhà, cần sớm bố trí nơi ăn ở ổn định để họ yên tâm công tác. Đồng thời, Quảng Ngãi cũng cần chuẩn bị phương án tiếp nhận con em cán bộ theo bố mẹ chuyển nơi làm việc.

Sáp nhập tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum: Quan tâm đời sống cán bộ, người dân - Ảnh 3.

Ông Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum,phát biểu tại hội nghị

ẢNH: ĐỨC NHẬT

Về hạ tầng, hai tỉnh thống nhất cần sớm nâng cấp tuyến đường 60 km nối xã Pờ Ê (H.Kon Plông, Kon Tum) và TT.Ba Tơ (H.Ba Tơ, Quảng Ngãi) nhằm rút ngắn thời gian di chuyển. Tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum dự kiến sẽ triển khai chậm hơn.

Dự kiến sẽ có khoảng 950 cán bộ, công chức, viên chức có nhu cầu di chuyển qua lại giữa hai địa phương sau sáp nhập tỉnh.

Kết thúc hội nghị, lãnh đạo hai tỉnh cơ bản thống nhất với dự thảo lần 1 Đề án hợp nhất tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Ngãi, cùng kế hoạch phối hợp thực hiện các nhiệm vụ liên quan. Trong đó, chú trọng các yếu tố đặc thù như lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững và vận hành bộ máy chính trị sau khi sáp nhập tỉnh.

Trước những kiến nghị cụ thể từ phía Kon Tum, bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, cho biết: “Quảng Ngãi đã xây dựng phương án bố trí nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Chúng tôi sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến, đề xuất của tỉnh Kon Tum đã nêu trong buổi làm việc”.

Theo bà Vân, sau sáp nhập tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum, tỉnh mới sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát để duy trì các chế độ, chính sách đặc thù dành cho đồng bào dân tộc tại chỗ. Đồng thời, căn cứ vào thế mạnh đặc thù của từng địa phương, chính quyền sẽ xây dựng các chương trình phát triển kinh tế phù hợp với từng khu vực.

Các tin khác

Chứng khoán giảm sâu

FPT giảm hết biên độ và không có bên mua, trở thành tác nhân chính khiến VN-Index mất 17 điểm, nối mạch giảm 2 phiên liên tiếp.

Giá SJC xô đổ mọi kỷ lục, nhiều người chen chân mua vàng nhẫn

Trong phiên giao dịch sáng 15/4, giá vàng miếng SJC lên mức 108 triệu đồng/lượng - mức cao nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, trên thị trường vàng miếng SJC dường như ngừng giao dịch. Trong khi đó, giá vàng nhẫn thấp hơn vàng miếng từ 1,7 - 2,2 triệu đồng/lượng đang tấp nập, nhiều người xếp hàng cả buổi chỉ để mua 1 chỉ.

Nguyên nhân gây thoái hóa khớp

Thừa cân, chấn thương, tập thể dục quá mức hay ít vận động là những nguyên nhân gây ra hoặc thúc đẩy thoái hóa khớp diễn ra nhanh, nghiêm trọng hơn.