Ngày 22.4, Tỉnh ủy Bình Định cho biết công tác chuẩn bị cho việc sáp nhập Gia Lai và Bình Định đang được triển khai khẩn trương. Hiện Đảng ủy UBND tỉnh Bình Định đang phối hợp với các đơn vị liên quan để hoàn thiện đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, trình HĐND tỉnh xem xét, cho ý kiến.
Song song đó, tỉnh Bình Định cũng đang xúc tiến các thủ tục xây dựng trung tâm chính trị - hành chính mới tại Khu kinh tế Nhơn Hội (TP.Quy Nhơn). Ngoài ra, phương án đi lại và bố trí nơi ở cho đội ngũ cán bộ từ Gia Lai xuống Quy Nhơn làm việc sau hợp nhất cũng đang được nghiên cứu, lên kế hoạch kỹ lưỡng.

Một góc Khu kinh tế Nhơn Hội
ẢNH: DŨNG NHÂN
Giữ nguyên số lượng cán bộ, chính sách ổn định
Theo Tỉnh ủy Bình Định, tỉnh mới sau hợp nhất lấy tên là Gia Lai, diện tích tự nhiên khoảng 21.576 km², dân số hơn 3,1 triệu người, có 135 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc (gồm 110 xã và 25 phường). Tỉnh Gia Lai mới có trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP.Quy Nhơn hiện nay.
Việc hợp nhất các cơ quan chuyên môn cũng được tiến hành theo hướng tinh gọn, tránh chồng chéo chức năng, đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động. UBND tỉnh Gia Lai (mới) sẽ có 14 cơ quan chuyên môn, còn HĐND tỉnh gồm 3 ban và 1 văn phòng.

Tỉnh Gia Lai mới có trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP.Quy Nhơn
ẢNH: DŨNG NHÂN
Sau khi sáp nhập Gia Lai và Bình Định, số lượng cán bộ, công chức, viên chức hiện có của hai tỉnh được giữ nguyên. Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành rà soát, tinh giản biên chế gắn với việc cơ cấu lại tổ chức và nâng cao chất lượng đội ngũ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Việc tinh giản sẽ được thực hiện theo lộ trình, bảo đảm sau 5 năm (đúng theo quy định của Trung ương), số lượng cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với biên chế được giao.
Về chế độ, chính sách, cán bộ, công chức, viên chức chịu ảnh hưởng do sắp xếp đơn vị hành chính nhưng vẫn tiếp tục công tác trong hệ thống chính trị sẽ được giữ nguyên mức lương, phụ cấp chức vụ (nếu có) trong thời gian 6 tháng kể từ ngày có quyết định bố trí lại công việc. Sau thời gian này, các chế độ và phụ cấp sẽ được áp dụng theo quy định hiện hành.
Sức mạnh cộng hưởng khi sáp nhập Gia Lai và Bình Định
Theo Tỉnh ủy Bình Định, sau khi hợp nhất, ưu thế của mỗi địa phương sẽ là bệ đỡ cho nhau. Nếu Gia Lai mạnh về nông nghiệp công nghệ cao, lâm nghiệp, năng lượng tái tạo thì Bình Định lại nổi trội ở công nghiệp, dịch vụ, cảng biển và du lịch. Hợp nhất Gia Lai và Bình Định được kỳ vọng sẽ tạo ra một chỉnh thể phát triển toàn diện, kết nối từ cao nguyên xuống duyên hải.

Sau hợp nhất tỉnh, vùng cao nguyên ở Gia Lai sẽ kết nối với biển thuận lợi hơn
ẢNH: TRẦN HIẾU
Hệ thống hạ tầng của tỉnh hợp nhất cũng được đánh giá là đặc biệt chiến lược, với hai sân bay Phù Cát (Bình Định) và Pleiku (Gia Lai), cảng biển Quy Nhơn, cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, cùng mạng lưới giao thông liên vùng đồng bộ, nổi bật là trục QL19, tuyến huyết mạch nối Tây nguyên với Biển Đông và khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam.
Tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku đang được đẩy nhanh tiến độ sẽ rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển giữa hai khu vực, thúc đẩy mạnh mẽ giao thương, du lịch và logistics. Thêm vào đó, cao tốc Bắc - Nam phía Tây và tuyến đường sắt Đà Nẵng - Tây Nguyên - Bình Phước đang trong giai đoạn quy hoạch sẽ góp phần tăng cường liên kết vùng, tạo hành lang phát triển công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp công nghệ cao chạy dọc từ duyên hải lên cao nguyên và kết nối đến các trung tâm kinh tế lớn của cả nước.
Sáp nhập Gia Lai và Bình Định dựa trên sự cộng hưởng toàn diện về địa lý, kinh tế, văn hóa, chính trị và quốc phòng - an ninh. Hai tỉnh đã có quan hệ hợp tác lâu dài, tạo thuận lợi cho việc điều hành chung sau khi sáp nhập. Việc tái cấu trúc đơn vị hành chính sẽ giúp tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp và là bước đệm cho chính quyền điện tử - chính quyền số.

Khu đô thị khoa học và giáo dục Quy Nhơn (TP.Quy Nhơn, Bình Định) có nhiều doanh nghiệp, đơn vị hàng đầu về lĩnh vực công nghệ đang hoạt động
ẢNH: DŨNG NHÂN
Trong dài hạn, tỉnh Gia Lai mới được kỳ vọng trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước, đồng thời là điểm đến du lịch quốc gia - quốc tế, với lợi thế tự nhiên phong phú, bản sắc văn hóa đa dạng, môi trường đầu tư cởi mở.
Không dừng lại ở đó, đây còn là vùng đất hứa cho các ngành công nghiệp chế biến, dịch vụ hậu cần cảng biển, nông nghiệp hữu cơ và chuyển đổi số, nơi quy tụ các tập đoàn lớn trong và ngoài nước, dẫn dắt phát triển toàn vùng miền Trung - Tây nguyên.