4 bảo vật quốc gia được trưng bày, lưu giữ tại không gia Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (BTLSQSVN), bao gồm: máy bay MiG-21 số hiệu 4324; máy bay MiG-21 số hiệu 5121, tấm bản đồ Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh; xe tăng T-54B số hiệu 843.

Bảo vật máy bay Mig 21 số hiệu 4324 của Trung đoàn Không quân 921 (Đoàn Không quân Sao Đỏ) - một biểu tượng chiến thắng của Quân chủng Không quân Việt Nam anh hùng, được treo nổi bật ngay tại sảnh chính của bảo tàng. Hiện vật có giá trị đặc biệt, góp phần đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ lần thứ nhất (1965 – 1968)
ẢNH: TUẤN MINH




Theo hồ sơ hiện vật của BTLSQSVN, máy bay chiến đấu Mig 21 kiểu F94 có 1 chỗ ngồi, lắp động cơ P11 - 300. Chỉ trong năm 1967, 9 phi công thay nhau lái máy bay này, bắn rơi 14 máy bay hiện đại của Mỹ. Những chiến công đó đã góp phần buộc phía Mỹ phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán tại hội nghị Paris để giải quyết vấn đề chiến tranh tại Việt Nam
ẢNH: TUẤN MINH

Đặc biệt, đây là chiếc máy bay chiến đấu được in nhiều sao nhất của Không quân nhân dân Việt Nam với 14 ngôi sao đỏ, tương ứng với 14 máy bay địch bị bắn rơi
ẢNH: TUẤN MINH

Xe tăng T-54B số hiệu 843 là chiếc xe tham gia trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với số lượng hồ sơ lưu trữ lên tới gần 10 trang. Xe chiến đấu trong đội hình Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 do Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy, dẫn đầu đội hình thọc sâu đánh chiếm. Trên đường tới Dinh Độc Lập, xe tăng mang số hiệu 843 đã bắn cháy 2 xe thiết giáp M41 và M113 của địch
ẢNH: TUẤN MINH




11h30 ngày 30.4.1975, trung úy Bùi Quang Thận từ xe tăng 843 lao lên cắm lá cờ Quân giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, đặt dấu chấm hết đối với chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Hiện nay, những vết tích khi tham gia chiến trường vẫn còn được lưu lại nguyên vẹn trên bảo vật này
ẢNH: TUẤN MINH

Mẫu xe tăng này có trọng lượng chiến đấu 30 tấn với kíp xe 4 người. Tầm bắn xa nhất bằng kính ngắm khoảng 600 - 900 m. Trên tháp pháo có gắn súng 12,7 ly. Dù trải qua nhiều trận chiến và huấn luyện, đến nay xe tăng T-54B số hiệu 843 là một trong số ít hiện vật vẫn có thể hoạt động
ẢNH: TUẤN MINH

Máy bay Mig 21 kiểu F96 mang số hiệu 5121 là một trong những máy bay do Liên Xô chế tạo và viện trợ cho Việt Nam. Đây chính là máy bay do Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trung tướng Phạm Tuân điều khiển, ghi dấu lần đầu tiên Không quân Việt Nam bắn rơi "pháo đài bay" B-52 vào ngày 27.12.1972. Cho tới nay, máy bay tiêm kích mang số hiệu 5121 vẫn là chiếc duy nhất trên thế giới bắn hạ được B-52 bằng tên lửa không đối không
ẢNH: TUẤN MINH





Theo hồ sơ hiện vật, đây là loại máy bay chiến đấu 1 người lái, sơn màu nhũ bạc, có khối lượng mang vũ khí từ 1.500 - 1.700 kg
ẢNH: TUẤN MINH

Phía đầu máy bay sơn 5 ngôi sao đỏ, ứng với 5 máy bay Mỹ bị bắn rơi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không năm 1972
ẢNH: TUẤN MINH

Bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh có chiều dài 185,5 cm, rộng 170 cm, can 12 mảnh. Tấm bản đồ này được đại tướng Văn Tiến Dũng lưu giữ từ năm 1975 đến năm 1990, sau đó trao tặng BTLSQSVN nhân dịp kỷ niệm 15 năm Ngày đất nước thống nhất
ẢNH: TUẤN MINH


Trên bản đồ, những mũi tên màu đỏ thể hiện hướng tiến công của quân ta tiến về giải phóng Sài Gòn - Gia Định
ẢNH: TUẤN MINH

Chữ ký của đại tướng Văn Tiến Dũng, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Tư lệnh chiến dịch và Bí thư T.Ư Cục miền Nam, Chính ủy chiến dịch Phạm Hùng trên bản đồ, phê duyệt lần cuối ngày 22.4.1975. Bản đồ là minh chứng cho những tháng ngày hào hùng của dân tộc, ghi dấu sự kiện Bộ chỉ huy chiến dịch hoàn thành kế hoạch tác chiến, chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, trận quyết chiến có quy mô lớn nhất của quân đội ta trong suốt 20 năm kháng chiến chống Mỹ đánh thẳng vào đầu não quan trọng nhất của chính quyền và quân đội ngụy Sài Gòn với kết thúc thắng lợi trọn vẹn
ẢNH: TUẤN MINH