Cơ hội để "vương quốc trái cây" vươn mình
Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang và tỉnh Đồng Tháp đang tích cực phối hợp để triển khai góp ý nhằm hoàn chỉnh đề án sáp nhập 2 tỉnh với tên gọi mới là tỉnh Đồng Tháp, trụ sở chính trị - hành chính tỉnh đặt tại TP.Mỹ Tho.

Một góc đô thị Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang hiện nay
ẢNH: BẮC BÌNH
Theo đó, Đồng Tháp và Tiền Giang có nét tương đồng về địa lý, tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội và là vùng đất trù phú màu mỡ chạy dọc sông Tiền và một phần giáp sông Hậu (Đồng Tháp). Hai tỉnh đều có thế mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là lúa gạo, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản, đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu quốc gia.
Nếu Tiền Giang nổi tiếng với cây ăn trái đặc sản như sầu riêng Cai Lậy, vú sữa lò rèn Vĩnh Kim, thanh long Chợ Gạo…, thì Đồng Tháp nổi tiếng với sản lượng lúa gạo đứng thứ 2 cả nước và các loại cây trái như xoài Cao Lãnh, quýt hồng Lai Vung, sen Tháp Mười… Tổng diện tích cây ăn trái của 2 tỉnh khoảng 150.000 ha. Vì vậy, khi 2 tỉnh sáp nhập lại đó thực sự là "vương quốc trái cây" của cả nước.

Xoài Cao Lãnh (Đồng Tháp) nổi tiếng ngọt ngon
ẢNH: CTV
Không chỉ có vùng nguyên liệu lớn, Đồng Tháp và Tiền Giang sau sáp nhập sẽ có vị trí địa lý vô cùng đặc biệt, là cửa ngõ giao thông kết nối ĐBSCL với TP.HCM, các tỉnh Đông Nam bộ và cả nước.

Đoạn sông Tiền qua địa phận tỉnh Đồng Tháp
ẢNH: TRẦN NGỌC
Ngoài ra, thế mạnh về giao thông đường thủy của tỉnh sẽ được phát huy, khi sông Tiền chảy gần hết chiều dài 2 tỉnh hiện nay sẽ đóng vai trò trung tâm giao thương hàng hóa, du lịch và logistics liên vùng.

Đồng Tháp sau khi sáp nhập với tỉnh Tiền Giang sẽ có biên giới hơn 50 km giáp Campuchia
ẢNH: TRẦN NGỌC
Sắp tới, địa phương sẽ có tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ đi qua, sẽ là sự kết hợp tuyệt vời về mặt giao thông đường thủy - đường bộ - đường sắt để có hệ thống giao thông khá hoàn chỉnh, tạo lực hấp dẫn để các nhà đầu tư vào tỉnh.
Hợp lực nâng cao đời sống người dân sau sáp nhập
Theo đề án đang được bàn thảo, sau sáp nhập 2 tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp thì tỉnh mới Đồng Tháp này có diện tích tự nhiên hơn 5.933 km2 và dân số hơn 4,2 triệu người.
Về phát triển kinh tế năm 2024, giữa Tiền Giang và Đồng Tháp không có sự cách biệt lớn. Trong khi Tiền Giang tăng trưởng GRDP là 7,02%, thu ngân sách hơn 12.191 tỉ đồng thì Đồng Tháp tăng trưởng GRDP 6,44%, thu ngân sách 9.434 tỉ đồng. Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người của cả 2 tỉnh đều hơn 76 triệu đồng/người/năm.

Thế mạnh về các sản phẩm nông sản xuất khẩu của 2 tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp sẽ được phát huy, tạo sức bật cho tăng trưởng kinh tế sau khi sáp nhập
ẢNH: CTV
Theo phân bổ, Đồng Tháp có hơn 29.800 biên chế, Tiền Giang hơn 25.600 người. Cả 2 tỉnh đều tập trung cho cải cách hành chính, đầu tư cho chuyển đổi số, phát triển khoa học, công nghệ để đạt được các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Quan tâm duy trì và giữ vững ưu thế của 2 tỉnh về quy mô kinh tế, trở thành một cực tăng trưởng kinh tế mới với nội lực của 2 tỉnh tổng hợp lại.
Khi sáp nhập, mạng lưới y tế, trường học sẽ tránh được tình trạng đầu tư chồng chéo, manh mún để góp phần nâng cao chất lượng đào đạo, đảm bảo chăm sóc y tế và nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân.
Lý do đặt trung tâm hành chính tại TP.Mỹ Tho
Sau sáp nhập, trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh Đồng Tháp mới được đặt tại TP.Mỹ Tho (Tiền Giang hiện nay). Đây không chỉ là quyết định hợp lý về địa lý, mà còn là lựa chọn chiến lược trên nhiều phương diện.

TP.Mỹ Tho (Tiền Giang) được chọn làm trung tâm chính trị - hành chính tỉnh Đồng Tháp sau khi sáp nhập 2 tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang
ẢNH: BẮC BÌNH
Cụ thể, theo ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, TP.Mỹ Tho là đô thị loại I và là trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Tiền Giang, hệ thống hạ tầng hành chính hoàn chỉnh, vị trí địa lý thuận lợi để đảm đương vai trò trung tâm điều hành của một tỉnh lớn.
Nhìn từ tổng thể, TP.Mỹ Tho hội tụ đầy đủ các yếu tố: trung tâm phát triển đô thị, năng lực hạ tầng, dân số, và vị trí chiến lược. Việc chọn nơi đây làm trung tâm hành chính của tỉnh Đồng Tháp mới không chỉ là giải pháp hợp lý về hiện tại, mà còn mang tầm nhìn dài hạn cho sự phát triển toàn diện của vùng.
Bên cạnh đó, việc chọn Mỹ Tho làm trung tâm hành chính - chính trị sau sáp nhập 2 tỉnh Tiền Giang sẽ giúp tiết kiệm đáng kể chi phí đầu tư xây dựng mới các cơ sở hạ tầng hành chính. Đây là yếu tố then chốt trong bối cảnh chủ trương tinh gọn bộ máy nhà nước và tối ưu hóa ngân sách đang được ưu tiên.