Nối tiếp trào lưu kem cá, kem tự chọn, kem ốc quế dài..., kem hoa hồng đã có mặt và “làm mưa, làm gió” tại thị trường Hà Nội từ tháng 2 năm nay. Khách Việt , khách Tây nô nức kéo nhau đi thưởng thức, rồi chụp ảnh check-in. Tuy nhiên phía sau những cây kem chất lượng, đẹp mắt là cả quá trình dài nghiên cứu, phát triển của một chàng trai 8x Việt.
“Tất cả những người thành công đều có góc khuất, đau khổ, nhục nhã mà ít khi mọi người biết đến”, Triệu Nguyễn Quân chia sẻ.
Kem hoa hồng của Goofoo Gelato
Nước mắt những ngày ở Nhật
Thời còn là sinh viên Đại học Ngoại thương, chàng trai sinh năm 1987 Triệu Nguyễn Quân, người sáng lập thương hiệu kem Goofoo Gelato đã từng trải nghiệm nhiều công việc làm thêm như bán sách, viết sách, để kiếm tiền ăn học. Sau khi tốt nghiệp, Quân sang Nhật để tiếp tục con đường học thuật.
Tại đây Quân vừa học vừa chọn công việc phát báo để làm thêm. Nhớ lại quãng thời gian vất vả đó, Quân cho biết dù đông hay hè, anh đều thức dậy lúc 2 giờ sáng để giao báo. Làm liên tục đến 7 giờ sáng thì đi học, sau đó đến 3 giờ chiều lại đi phát tiếp.
Việc giao báo là một trong những việc “cơ cực” nhất tại Nhật Bản. Mỗi ngày Quân đều phải làm việc trên 10 tiếng, giao hết 700 tờ báo, trong đó có 200 tờ giao cho các gia đình sống ở chung cư nên vừa phải đi xe đạp, vừa leo bộ. Mùa hè không sao nhưng mùa đông tuyết rơi, đường trơn như “đổ mỡ”, đạp xe không cẩn thận là ngã. Đặc biệt với người Nhật chỉ cần giao chậm 5 phút hoặc tờ báo dính chút nước là họ không nhận.
“Có thời kỳ ngày nào mình cũng khóc vì quá vất vả. Nhưng một lần thấy bác trung niên đi phát tờ rơi vào lúc 4 giờ sáng chỉ có một chân, mình biết rằng mình còn may mắn hơn quá nhiều người, từ đó mình chuyển sang vừa giao báo vừa hát”.
Cũng theo Quân, nhờ quãng thời gian bên Nhật, anh học được đức tính cần cù, tỉ mỉ, ý chí quyết tâm, những yếu tố quan trọng trong con đường khởi nghiệp về sau.
Chặng đường 4 năm nhọc nhằn
Sau hơn 1 năm học tại Nhật, Quân trở về Việt Nam, làm việc cho một số công ty trong nước. Nhận thấy tiềm năng kinh doanh trong ngành F&B (Food and Beverage – thực phẩm và đồ uống) còn lớn, Quân quyết định nghỉ việc để khởi nghiệp.
“Mình phân tích báo cáo tài chính của nhiều công ty và nhận thấy trong khủng hoảng họ vẫn phát triển vì nhu cầu ăn uống rất cao. Đơn giản gặp đối tác chúng ta phải uống cà phê, các bạn trẻ gặp nhau thì hay uống trà sữa.”, anh nói
Thời kỳ đầu chỉ có 30 triệu đồng trong tay, Quân dành 16 triệu mua một máy xay nước mía rồi đứng bán ở Xuân Thủy, sau đó ở Chợ Xanh, Hà Nội, buổi tối bán thêm xúc xích. Anh quan niệm muốn chọn đúng sản phẩm thì phải thâm nhập, đi sâu vào thị trường. Sau quá trình thử nghiệm với 40 mặt hàng khác nhau, anh quyết định kinh doanh kem vì phù hợp với tính cách ưa tỉ mỉ, cẩn thận, sản phẩm lại đáp ứng nhu cầu với giới trẻ.
Trong năm 2013, quán kem đầu tiên ra đời tại một ngõ nhỏ trên đường Xuân Thủy. Song song với việc nhập kem về bán, Quân cũng tập trung nhiều vào hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm (R&D) để cho ra đời dòng kem của riêng mình.
“Để được khách hàng chấp nhận sản phẩm thì bên trong sản phẩm đó phải có sự khác biệt. Hoặc là chất lượng bằng đối thủ nhưng giá rẻ hơn, hoặc chất lượng cao hơn, lạ hơn, nhưng giá hợp lý. Đó là lý do R&D rất quan trọng”.
Do không có nhiều chi phí mời chuyên gia nên Quân chủ động học hỏi, cứ ai “mách” cho công thức gì là làm. Càng nghiên cứu sâu càng thấy kiến thức trong nước không đáp ứng được yêu cầu, anh đã phải đọc thêm tài liệu nước ngoài và học hỏi từ các giáo sư người Mỹ và Italy để tiến hành thí nghiệm.
Anh cho biết hoạt động R&D kéo dài trong gần 3 năm, ngày đi làm, tối về lại thí nghiệm đến 4-5 giờ sáng. Quá trình tiêu tốn rất nhiều vốn để nhập nguyên liệu nhập khẩu, trong khi sản phẩm mãi không thành công, nên không ít lần anh lâm vào tình trạng vỡ nợ, bị cầm đồ kéo đến tận nhà.
Có giai đoạn Quân suy sụp đến mức nằm liệt giường một tháng, cứ nhìn thấy mọi người là khóc. Áp lực từ gia đình, vợ con, áp lực từ chính bản thân khiến anh mệt mỏi.
“Trong khó khăn, mình nhận ra đừng tự tạo thêm áp lực cho bản thân mà phải cố gắng động viên chính mình. Đừng bao giờ trông chờ sự đồng cảm từ những người xung quanh, cứ một mình động viên mình mà đi thôi”, Quân tâm sự.
Ý chí quyết tâm đã giúp cựu sinh viên Ngoại thương vực lại tinh thần. Một tháng đó sau anh tìm ra nhiều công thức mới, có ý nghĩa với sự thành công của thương hiệu sau này.
Từ con số không, Quân cùng đội nhóm của anh đã tạo ra những sản phẩm kem chất lượng cao, không sử dụng phẩm màu, hóa chất công nghiệp nhưng giá cả hợp lý, được nhiều chuỗi nhà hàng, khách sạn, cửa hàng tin dùng. Hiện Goofoo Gelato đã có hàng chục cửa hàng tại Miền Bắc và thành phố Hồ Chí Minh, cùng với số lượng hàng trăm đại lý.
Quân cho biết anh rất tự hào khi Goofoo có một đội ngũ các bạn trẻ đã gắn bó từ những ngày đầu khởi nghiệp, luôn làm việc hăng say không kể ngày đêm. Có những năm tháng khó khăn, cả công ty không nhận lương trong 2 tháng liên tiếp nhưng tất cả vẫn quyết tâm ở lại, cùng gây dựng Goofoo thành một thương hiệu kem có uy tín trên thị trường.
Trong năm 2015, Goofoo gọi vốn thành công từ một quỹ đầu tư nước ngoài và hiện tiếp tục gọi vốn vòng 2.
Chia sẻ về bí quyết gọi vốn, anh khuyên các startup nên tập trung chủ yếu vào sản phẩm chứ đừng nói quá nhiều về bản thân. Công ty trong quá trình phát triển vẫn luôn luôn cần nguồn vốn, nhưng phải chứng minh từng giai đoạn làm hiệu quả ra sao chứ không đơn giản là nhận về lượng tiền khổng lồ rồi giải ngân.
“Nhiều startup bây giờ ‘phông bạt’ quá, nói về bản thân thì nhiều mà sản phẩm không có gì. Bọn mình chọn hướng khác. Bọn mình cho họ thấy đang có trong tay những gì, sản phẩm chất lượng ra sao, đầu tư vào thì sẽ phát triển hướng nào, đầu tư vào bao nhiêu đồng sẽ ra lợi nhuận bao nhiêu đồng trong thời gian 1 năm, 3 năm”, Quân tâm sự.
Cuộc đời con người chia làm 3 giai đoạn: Làm thuê, làm chủ, làm nhà đầu tư. Các nhà đầu tư họ đã trải qua cả 3 giai đoạn nên họ rất hiểu các startup đang trong tình trạng ra sao. Nhưng theo người sáng lập Goofoo, các bạn trẻ nên kiên trì, không vì gặp một vài nhà đầu tư họ không đồng ý mà cảm thấy buồn, phải gặp hàng trăm người mới có một người sẵn sàng đồng hành cùng.
Ngoài ra với các bạn trẻ có ý định khởi nghiệp, trước hết “hãy bình tĩnh”, cứ đi làm thuê để tích lũy vốn và kinh nghiệm. Bên cạnh kiến thức về kinh tế ngoại ngữ, phải có chuyên môn giỏi vì bản chất startup không có nhiều vốn để gọi chuyên gia, việc tự học sẽ là con đường đi “rẻ nhất”. Và cuối cùng: “Đừng mong nhàn nhã khi chọn con đường này”, Quân kết luận.