Sau phần phát biểu của ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp, và đại diện SVF là phần doanh nghiệp trao đổi và nói về họ. Hơn 10 doanh nghiệp của tỉnh đã có cơ hội giới thiệu sản phẩm và tâm tư, nguyện vọng của họ.
Anh Nguyễn Chí Công, người đang khởi nghiệp với các sản phẩm từ sen, biểu tượng của Đồng Tháp, đã chia sẻ những câu chuyện hiện tại để thực hiện giấc mơ mang sen đi khắp năm châu.
"Tỉnh Đồng Tháp có nhiều cây tốt cho môi trường, tốt cho nền kinh tế địa phương. Tôi chọn cây sen để khởi nghiệp sau 2 lần thất bại. Các loại sản phẩm chính của hoa sen ướp khô, lá sen, đồ lót ly, bóp…", anh Công nói về các sản phẩm của mình. Và vấn đề anh đang gặp phải là "cần một chuyên gia tư vấn, cần bao bì đẹp hơn và mô hình kinh doanh để có các kênh tiếp cận thị trường", anh Công nói.
Anh Công cho biết, tỉnh đã hỗ trợ anh rất nhiều trong thời gian tới. Sắp tới, anh sẽ cho ra đời sản phẩm về lá sen để tiếp cận thị trường du lịch, cụ thể như nón lá sen, đồ trưng bày từ sen.
Trước những trăn trở của anh Công, đại diện SVF cho rằng anh Công đang “nợ” Đồng Tháp, bởi cây sen là biểu tượng của tỉnh. Món “nợ” ấy chính là việc anh phải đưa những sản phẩm từ sen không chỉ trong thị trường tỉnh, Việt Nam mà còn ra ngoài thế giới.
Trước những chia sẻ của anh Công, ngay tại sự kiện, SVF đã cam kết cố vấn, cùng tìm ra các sản phẩm chiến lược, hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm của anh Công.
Quỹ cũng đã cam kết hợp tác tiêu thụ tinh dầu cho cô gái Đoàn Ngọc Minh Thùy, chủ dự án Hương Đồng Tháp, và hỗ trợ cô một bộ máy 100 triệu đồng.
Quỹ cũng tạo điều kiện giao thương cho các startup khác trong các sự kiện sắp tới.
"Chúng tôi thực sự ấn tượng về thế hệ lãnh đạo đồng hành cùng doanh nghiệp của Đồng Tháp", ông Phạm Duy Hiếu, Giám đốc SVF chia sẻ về lãnh đạo của tỉnh Đồng Tháp. Các lãnh đạo tỉnh đã rất gần startup trong phòng trào khởi nghiệp. Theo ông Hiếu, Đồng Tháp so với nhiều tỉnh có điều kiện tự nhiên không bằng nhiều tỉnh khác, hạn chế nhiều ở lợi thế cạnh tranh trong nhưng năm 2016, chỉ số năng lực cạnh tranh đứng thứ 3 trong cả nước, chỉ sau TP HCM và Hà Nội. Văn hóa cà phê chủ tịch cũng đã lan tỏa cảm hứng tới nhiều tỉnh thành khác.
Ấn tượng về lãnh đạo cùng phong trào khởi nghiệp đã vẫy gọi SVF và quỹ đã đến để chung tay cùng Đồng Tháp trong phong trào khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo lãnh đạo SVF, Đồng Tháp có giá trị cốt lõi là tinh thần đồng hành của lãnh đạo đối với doanh nghiệp. Theo ông Hiếu, Việt Nam không phát triển bền vững vì chưa đặt rõ mục tiêu về giá trị cốt lõi. Giá trị cốt lõi phải dựa trên công nghệ của người Việt.
Theo ông Phạm Duy Hiếu, Giám đốc SVF, các startup đều là thành phần được hỗ trợ, nhưng Quỹ sẽ ưu tiên theo những ngành nghề mũi nhọn, sản phẩm đặc trưng của Đồng Tháp. 80% vốn và các hỗ trợ đầu tư của SVF chú trọng vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Theo ông, nông nghiệp là “cái gốc” của nền kinh tế Việt Nam nhưng các sản phẩm nông nghiệp chưa được đầu tư đúng mức về công nghệ, thương hiệu, sản xuất manh mún.
Ông Hiếu tin rằng, với tinh thần của lãnh đạo Đồng Tháp và giá trị cốt lõi mà tỉnh có, Đồng Tháp sẽ có nhiều startup thành công.
Đại diện UBNB tỉnh Đồng Tháp và SVF đều kỳ vọng, việc ký kết này sẽ đẩy mạnh sự hợp tác sâu rộng, mang tính chiến lược cho hai bên trong công tác xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại Đồng Tháp.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương cho rằng, sự kết nối này có giá trị cực kỳ quan trọng với một địa phương còn nhiều khó khăn như Đồng Tháp. Đồng Tháp không còn cách nào khác phải tự cứu mình bằng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo để vượt qua khó khăn.
Theo ông Dương, từ 2015, Đồng Tháp đã phát động phong trào khởi nghiệp, đến nay tinh thần ấy đã được lan tỏa và có không ít dấu ấn đáng tự hào như mô hình sản xuất lúa sạch của Võ Văn Tiếng hay trường hợp của thạc sỹ du học từ Pháp - Ngô Chí Công, với sản phẩm như hoa sen sấy khô, đĩa, nón từ lá sen...
Ông Dương tin rằng, ngoài hỗ trợ những yếu tố như vốn, kinh nghiệm... thì tìm đúng người cố vấn sẽ là chìa mở khóa. Và ông kỳ vọng vào sự hợp tác của SVF.
SVF là Quỹ xã hội hóa và phi lợi nhuận đầu tiên của Việt Nam, nhằm hỗ trợ các hoạt động phát triển khởi nghiệp và đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
SVF cũng là tổ chức có thế mạnh về vốn, kinh nghiệm, mối quan hệ để có thể hỗ trợ các startup từ lúc bắt đầu xây dựng sản phẩm, phương thức sản xuất, vốn hoạt động, bao bì, đóng gói đến cung cấp đội ngũ cố vấn và thương mại hóa sản phẩm.