Hoạt động sản xuất của các nhà máy tại Trung Quốc bất ngờ suy giảm trong tháng 7/2022 sau khi hồi phục mạnh vào tháng trước đó, các đợt lây nhiễm COVID-19 mới và triển vọng kinh tế toàn cầu xấu đi không khỏi gây sức ép lên nhu cầu tiêu dùng của người dân, theo kết quả khảo sát mới được công bố vào ngày Chủ Nhật.
Số liệu PMI chính thức của tháng 7/2022 là 49 điểm, thấp hơn so với ngưỡng 50 phân định giữa tăng trưởng và suy giảm, theo Cục Thống kê Quốc gia (NBS). Các chuyên gia tham gia khảo sát của Reuters đã dự báo chỉ số này sẽ tăng lên mức 50,4 điểm.
Trong tuyên bố đăng tải trên trang web của Cục Thống kê Quốc gia, chuyên gia Zhao Qinghe nhấn mạnh: "Mức độ thịnh vượng kinh tế tại Trung Quốc đã giảm đi. Nền tảng cho quá trình hồi phục hiện vẫn chưa vững vàng. Ngoài ra, việc ngành dầu mỏ, than đá và kim loại suy giảm cũng khiến cho chỉ số PMI của ngành sản xuất tháng 7/2022 đi xuống".
Chỉ số của ngành sản xuất Trung Quốc tháng 7 thấp nhất trong 3 tháng, các chỉ số về sản lượng công việc, số lượng đơn hàng mới và việc làm đều giảm.
Các nhà sản xuất Trung Quốc hiện vẫn đang chật vật với giá hàng hóa nguyên liệu cao hiện đang gây tổn hại nghiêm trọng đến biên lợi nhuận. Triển vọng xuất khẩu hiện vẫn chịu rủi ro từ khả năng kinh tế toàn cầu suy thoái.
Chuyên gia kinh tế trưởng kiêm trưởng bộ phận nghiên cứu tại công ty bất động sản Jones Lang Lasalle, ông Bruce Pang, nhận xét: "Nhu cầu tiêu dùng yếu cản trở phục hồi kinh tế. Kinh tế quý 3/2022 sẽ có thể đương đầu với thách thức lớn hơn so với kỳ vọng, quá trình phục hồi chậm và mong manh".
Chỉ số PMI của ngành phi sản xuất tháng 7/2022 giảm xuống mức 53,8 điểm từ mức 54,7 điểm của tháng 6/2022. Chỉ số PMI trong đó có bao gồm ngành sản xuất và dịch vụ giảm xuống mức 52,5 điểm từ mức 54,1 điểm.
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng rất thấp trong quý 2/2022 trong bối cảnh các biện pháp phong tỏa được áp dụng trên quy mô rộng, ngoài ra, nhiều nhà lãnh đạo cao cấp đưa ra thông điệp rằng biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 chặt chẽ sẽ vẫn được ưu tiên.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thể sẽ phải chuẩn bị cho khả năng mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% của Trung Quốc trong năm nay sẽ khó thành hiện thực, chuyên gia Bloomberg nhận định.
Việc chính quyền Bắc Kinh không đề cập đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã tạo ra nhiều đồn đoán về khả năng giới chức nước này sẽ đưa ra các chương trình kích thích kinh tế, giống như những gì họ thường làm trước đây.
Capital Economics khẳng định rằng vấn đề hạn chế chính sách, cùng với khả năng có thêm biện pháp phong tỏa và niềm tin người tiêu dùng suy yếu, nhiều khả năng sẽ khiến quá trình phục hồi kinh tế chững lại.
Trung Quốc công bố tăng trưởng quý thấp nhất trong 2 năm khi mà các biện pháp phong tỏa phòng dịch COVID-19 tại nhiều thành phố lớn, trong đó có Thượng Hải, ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng các nhà máy và hoạt động tiêu dùng của người dân.
Theo Nikkei, nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới suy giảm 2,6% so với quý trước đó. Thành quả tăng trưởng 0,4% so với cùng kỳ của quý 2/2022 như vậy đã không thể được duy trì.
Đây là quý suy giảm tăng trưởng tồi tệ nhất tính từ quý suy giảm 6,9% trong 3 tháng đầu của năm 2020 khi mà chính quyền phong tỏa thành phố Vũ Hán nơi phát hiện ổ dịch COVID-19 đầu tiên.
Sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ tháng 6/2022 tăng trưởng cho thấy quá trình phục hồi đầy khó khăn sau khi có thêm các biện pháp phong tỏa do dịch COVID-19 được nới lỏng. Tuy nhiên, số liệu GDP công bố vào ngày thứ Sáu khiến người ta thêm hoài nghi về khả năng Trung Quốc sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP chính thức 5,5% trong năm nay.
Chuyên gia kinh tế cao cấp tại tổ chức Capital Economics, bà Julian Evans-Pritchard, phân tích: "Dù rằng tính đến cả sự tăng trưởng trong tháng 6/2022, số liệu này hoàn toàn tương xứng với việc quý gần nhất tăng trưởng âm. Thật khó để tin rằng mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% của Trung Quốc năm nay có thể đạt được. Để có được mức tăng trưởng đó, kinh tế nửa sau của năm sẽ phải tăng trưởng vượt bậc và khả năng đó khó có thể xảy ra".
Kết quả tăng trưởng mới nhất của kinh tế Trung Quốc như vậy thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 1,1% theo 35 chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Nikkei, đồng thời giảm đáng kể so với mức tăng trưởng 4,8% so với cùng kỳ của quý liền trước. Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng kinh tế sẽ tăng trưởng 4,1% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mức mục tiêu.
"Hiện có nhiều yếu tố bất ổn liên quan đến yếu tố cầu cũng như từ bên ngoài như căng thẳng Nga – Ukraine. Sự phục hồi của kinh tế và thị trường lao động sẽ không ổn định", văn phòng nghiên cứu ASEAN+3 tại Singapore nhấn mạnh trong báo cáo.