Tính chung 8 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,4%, đóng góp 8,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,8%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm.
Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,8%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng tăng 4,2%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Chỉ số sản xuất 8 tháng năm 2022 của một số ngành công nghiệp trọng điểm tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, sản xuất đồ uống tăng 26,8%; sản xuất trang phục tăng 22,5%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 18,5%...
Ở chiều ngược lại, chỉ số chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của một số ngành giảm, như: sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 6,3%; sản xuất kim loại giảm 0,8%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 0,7%.
Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 61 địa phương và giảm ở 2 địa phương trên cả nước. Theo đó, có một số địa phương có chỉ số chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.
Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng thấp hoặc giảm khi hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chưa lấy lại đà tăng trưởng cao như thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 8 tháng năm 2022 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: bia tăng 31,2%; thủy hải sản chế biến tăng 20,7%; linh kiện điện thoại tăng 19,6%; ô tô tăng 13,9%...
Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: sắt, thép thô giảm 12,3%; ti vi giảm 10,7%; phân hỗn hợp NPK giảm 6%...
Hiện, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/8/2022 tăng 0,6% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 23.2% so với cùng thời điểm năm trước.
Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước không đổi và giảm 6,1%; doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 0,7% và tăng 20,1%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,5% và tăng 27,1%.
Nhằm tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng công nghiệp và xuất khẩu, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành địa phương cần tăng cường hơn nữa các buổi đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, lắng nghe những ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp. Từ đó tiếp tục có những chính sách đúng và trúng, tạo thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp, tạo đột phá để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, các địa phương cần tổ chức lại sản xuất hướng đến nền sản xuất công nghiệp hiện đại, quy mô lớn, sản xuất và tiêu dùng xanh; đồng thời, cơ cấu lại sản xuất tiến tới các mặt hàng xuất khẩu chuyển dần lên phân khúc cao cấp tại các thị trường nhập khẩu.
Bên cạnh đó, cần hỗ trợ và hướng dẫn thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cho doanh nghiệp xuất khẩu một cách nhanh chóng, thuận lợi nhất; tư vấn cho các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam để thâm nhập thị trường một cách dễ dàng và bền vững hơn; tiếp tục đẩy mạnh khai thác, tận dụng lợi thế của các FTA...